11 năm sau sau vụ tấn công khủng bố kép ngày 11/9/2001, hàng chục nghìn cảnh sát, nhân viên cứu hỏa và công nhân Mỹ vẫn ngày đêm sống trong sự hành hạ của bệnh tật, do những khói bụi độc hại mà họ hít phải trong quá trình dọn dẹp tòa Tháp Đôi.
11 năm sau sau vụ tấn công khủng bố kép ngày 11/9/2001, hàng chục nghìn cảnh sát, nhân viên cứu hỏa và công nhân Mỹ vẫn ngày đêm sống trong sự hành hạ của bệnh tật, do những khói bụi độc hại mà họ hít phải trong quá trình dọn dẹp tòa Tháp Đôi.
|
Hình minh họa |
Vụ khủng bố đã qua đi 11 năm nhưng ngoài những người đã tử nạn, hàng nghìn người Mỹ hiện vẫn phải chịu ảnh hưởng dai dẳng về sức khỏe. Tòa Tháp Đôi 110 tầng của Trung tâm thương mại thế giới (WTC) ngày 11/9/2001 sụp đổ kéo theo hàng nghìn tấn thép, xi măng, kính cửa sổ và amiang.
Bên cạnh đó, hàng ngàn lít nhiên liệu máy bay và nhựa đang cháy dở cũng rơi xuống hiện trường vụ tấn công. Hàng nghìn công nhân được cử đến giúp cảnh sát và nhân viên cứu hỏa tìm kiếm các nạn nhân trong đống đổ nát.
Nhiều người tiếp tục dọn dẹp tại WTC trong suốt nhiều tháng trời sau đó. Trải qua năm tháng, các công nhân này được chứng minh là đã phải hứng chịu những ảnh hưởng không nhỏ trong quá trình làm việc trong môi trường hóa chất độc hại. Hồi tuần trước, Sở Cứu hỏa thành phố New York đã thêm 9 người vào danh sách 55 nạn nhân tử vong vì các bệnh tật mắc phải khi tiến hành công tác cứu hộ và phục hồi Vùng đất Số không (Ground Zero).
Theo một số ước tính, tổng số người đã chết vì các loại bệnh liên quan đến vụ 11/9 đã lên đến hơn 1.000 người. Trên cả nước, ít nhất 20.000 công nhân từng làm việc tại Vùng đất Số không đang được điều trị và 40.000 người đang được Chương trình giám sát sức khỏe WTC theo dõi.
Ông John Feal – người đứng đầu một quỹ phi lợi nhuận theo dõi các vấn đề sức khỏe của các công nhân đã làm việc tại Vùng đất Số không - cho biết, trong vòng 7 tuần qua, 3 cảnh sát thành phố New York, 2 nhân viên cứu hỏa và một công nhân đã làm việc tại khu vực này đã tử vong vì ung thư hoặc các bệnh về đường hô hấp. “2.751 người đã mất mạng ngày hôm đó.
Thật đáng buồn nhưng dù sao thì họ đã không phải chịu đựng lâu. Những người đầu tiên được cử đến đó đang phải chết dần chết mòn trong suốt 11 năm qua” – ông Jim Riches, một cựu nhân viên của Sở Cứu hỏa New York nói. 7 năm trước, Riches đã phải nhập viện vì bệnh hô hấp cấp tính và rơi vào trạng thái hôn mê trong suốt 16 tiếng đồng hồ. Người đàn ông này may mắn tỉnh dậy, nhưng phải sống trong tình trạng gần như đột quỵ cho đến nay.
Đại công trường dang dở
Dự án tái thiết WTC được khởi động từ tháng 11/2001, qua nhiều sửa đổi do những tranh cãi về tài chính, thiết kế và cả những vấn đề về an ninh, đã đạt được những tiến triển nhất định. Mùa thu năm ngoái, Đài tưởng niệm quốc gia 11/9 đã mở cửa đón hàng triệu người đến tham quan. 1 WTC – một trong những tòa tháp cao nhất tại Mỹ - cũng gần hoàn thành và dự kiến mở cửa vào năm 2014.
Ứng viên Tổng thống Đảng Dân chủ Barack Obama và ứng viên Đảng Cộng hòa Mitt Romney đều đã xác nhận sẽ ngừng tất cả các quảng cáo vận động tranh cử trong dịp kỷ niệm các vụ tấn công khủng bố ngày 11/9. Hồi năm 2008, cả ông Obama và đối thủ đảng Cộng hòa John McCain, cũng đã làm điều tương tự. |
Tuy nhiên, dự án này vẫn đang gặp nhiều trắc trở vì những tranh cãi liên quan đến hàng tỉ USD chi phí vượt mức dự kiến ban đầu. Theo một dự án kiểm toán gần đây, tổng chi phí tái thiết địa điểm này đã tăng lên gần 15 tỉ USD so với mức dự kiến 11 tỉ USD. Một trong những điểm tranh cãi mấu chốt là bảo tàng nằm ở trung tâm khu tái thiết WTC.
Công trình này đã phải ngừng lại vì những tranh cãi liên quan đến tài chính giữa Quỹ Bảo tàng và công trình kỷ niệm 11/9 quốc gia và Cảng vụ New York và New Jersey - chủ đất của khu vực tưởng niệm. Theo một số nguồn tin, Quỹ bảo tàng và công trình kỷ niệm 11/9 quốc gia khăng khăng rằng Cảng vụ nợ họ 140 triệu USD trong khi Cảng vụ nói rằng họ mới là chủ nợ khoản của khoản tiền 300 triệu USD.
Việc Quỹ Bảo tàng và đài tưởng niệm quốc gia 11/9 tuyên bố các chính trị gia sẽ không giữ vai trò phát biểu trong các lễ tưởng niệm 11/9 được xem là sự phản ánh công khai của những bất đồng trong hậu trường.
Đối với nhiều gia đình của các nạn nhân của sự kiện 11/9 và những công nhân bị ảnh hưởng trong vụ tấn công này, những tranh cãi về tiến trình tái thiết càng tăng thêm nỗi đau của những nạn nhân đã mất đi mạng sống của họ. Leslie Haskins – người đã mất chồng trong sự kiện 11/9 nói rằng cô ngày càng thất vọng vì tính chính trị của các công trình tái thiết và muốn các nhà chức trách chú trọng hơn nữa vào chăm sóc sức khỏe của những người bị ảnh hưởng.
“Họ đang ốm yếu và chết dần. Vậy thì tại sao chúng ta lại đổ tất cả tiền bạc vào những tòa nhà đó trong khi nhiều nạn nhân đang không có đủ tiền bảo hiểm để mua máy thở?”, Haskins bức xúc.
Minh Ngọc (theo Reuters)