>> Phát hiện hàng loạt cơ sở làm đồ Louis Vuitton giả
Đó là nhận định của Chi cục Quản lý thị trường TP HCM khi xây dựng kế hoạch đấu tranh chống hàng giả trong dịp Tết Tân Mão.
“Rộn ràng” thời trang giả hiệu
Trưa 23/12, Đội Quản lý thị trường (QLTT) 3A – TP HCM bất ngờ kiểm tra các sạp kinh doanh hàng thời trang tại chợ Bến Thành (quận 1), nơi có nhiều cửa hàng đã bị xử phạt vì bán hàng giả và lại phát hiện có hàng giả. Tại sạp Mẫn Loan và Loan Anh, lực lượng chức năng thu giữ gần 50 dây nịt, túi xách “hàng hiệu” Louis Vuitton (L.V), Marc Jacobs, Chanel dỏm. Sau đó, đội 3A lại tiếp tục lập biên bản bốn sạp hàng thời trang khác chợ Bàn Cờ (quận 3) có bán hàng giả.
Đầu tuần này, “đột kích” vào Trung tâm thương mại An Đông Plaza (quận 5) lực lượng QLTT đã tạm tạm giữ gần 200 sản phẩm quần, áo gắn mác L.V và Marc Jacobs giả và trên 700 quần jean, áo thun nhập lậu.
“Hàng giả tại các sạp, cửa hiệu tuy tái đi tái lại nhưng vẫn có thể xử lý được. Đau đầu nhất là hàng giả đang bày bán tràn lan ở các vỉa hè nhưng các địa phương bỏ ngỏ kiểm soát biến đây trở thành điểm nơi lý tưởng để tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng”, một cán bộ QLTT nhận xét.
|
Lực lượng QLTT TP.HCM kiểm tra hàng giả, hàng nhái tại An Đông Plaza, TP HCM. Ảnh: Ngọc Ánh |
Thực phẩm, mỹ phẩm cũng không hiếm
Gần đây tuy có xu hướng mua hàng đóng gói sẵn nhưng hàng dạng xá, đổ đống vẫn phổ biến ở các chợ truyền thống. Tại chợ An Đông (Q.5), Bình Tây (Q.6) các mặt hàng bánh kẹo, thực phẩm khô, đường, bột ngọt không nhãn mác vẫn được tiêu thụ mạnh do giá mềm. Và đây cũng chính là nguồn nguyên liệu cho các đối tượng sản xuất hàng giả.
Vừa qua, ông Nguyễn Hoàng Tuấn (đường Lạc Long Quân, phường 3, quận 11) đã mua 10 gói bột ngọt Ajnomoto (loại 454 gr) tại một tiệm tạp hóa gần chợ Bình Tây nhưng về dùng thấy mùi vị khác thường, nhấm thử hạt nhỏ thấy mặn như muối. Khi đến hãng Ajinomoto khiếu nại mới biết là hàng giả. Đại diện công ty này cho biết, chợ sỉ này là một trong những “điểm đen” về hàng giả. Qua phân tích, thành phần chính của bột ngọt Ajinomoto giả là bột ngọt không nhãn mác + muối + đường được đóng gói thủ công nên không đảm bảo vệ sinh.
Về mặt hàng mỹ phẩm, bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh, Giám đốc truyền thông đối ngoại của mỹ phẩm L’Oreal Việt Nam cho biết đang có tình trạng nhiều sạp, cửa hàng bán hàng giả nhưng lại công khai treo bảng hiệu L’Oreal tự đặt in để lừa gạt khách hàng. Nhiều loại mỹ phẩm có thương hiệu khác cũng đang gặp phải tình trạng tương tự.
Bà Nguyễn Hạnh Uyên, Trưởng Văn phòng khiếu nại - Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP HCM nhận định thói quen mua hàng có giá trị thấp không lấy hóa đơn là một trong những nguyên nhân để hàng giả tồn tại.
Ông Đặng Văn Đức, Phó giám đốc Sở Công thương - Chi cục trưởng Chi cục QLTT TP HCM kiến nghị cơ quan tư pháp xét xử lưu động một số vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả điển hình để răn đe các đối tượng manh nha tham gia làm hàng giả. Ngoài ra, ở những nơi có điều kiện nên tổ chức các cuộc triển lãm hàng thật - hàng giả để giúp người tiêu dùng nhận biết vì thực tế công nghệ sản xuất hàng giả đã đạt đến mức độ tinh vi.
810 tấn bột trét tường giả đã bị bán |
Nghị định 97 gây khó |
Theo BaoDatViet.vn