Xử lý các cơ sở sản xuất hàng giả
Đánh đúng tâm lý người thu nhập thấp, với nhu cầu hàng giá rẻ mẫu mã đẹp các đối tượng dùng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi để sản xuất, mua, bán hàng giả, hàng nhái.
Sáng ngày 19/12, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã bắt khẩn cấp Trần Minh Hải (SN 1982, ngụ quận 12, TP Hồ Chí Minh), để điều tra làm rõ hành vi sản xuất hàng giả.
Trước đó, vào vào hồi 14h30 ngày 17/12 dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tá Nguyễn Văn Kim – Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường, Trung đoàn Cảnh sát cơ động Đông Nam bộ đã ập vào bắt quả tang cơ sở do Hải làm chủ tại khu phố 3A, phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa đang có hành vi làm giả thương hiệu nước uống tăng lực Number One.
Đột xuất kiểm tra, nhiều công nhân vẫn đang tiến hành làm giả thương hiệu nước tăng lực Number One |
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ 8.500 chai nước ngọt ghi nhãn hàng hóa “Nước tăng lực Number One”; trên 38.000 chai nguyên liệu đã được đóng nắp chai chưa dán nhãn mác; hơn 1.000 vỏ thùng giấy thành phẩm ghi “nước tăng lực Number One” cùng tang vật có liên quan để thực hiện hành vi sản xuất hàng giả.
Qua điều tra, Công an tỉnh tiếp tục phối hợp với Công an tỉnh Bình Phước, Lâm Đồng, Đắk Nông kiểm tra 4 điểm kinh doanh được xác định là nơi tiêu thụ các sản phẩm nước Number One giả do Trần Minh Hải cùng đồng bọn sản xuất, thu giữ hơn 17.000 chai nước nghi sản xuất giả.
Ngoài ra, Công an Đồng Nai cũng đang phối hợp Công an TP HCM kiểm tra nơi sản xuất, cung cấp chai nước tăng lực tại chi nhánh Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Sài Gòn Phương Nam (quận 12, TP HCM) do bà Nguyễn Ngọc Thanh Vân (SN 1955) làm Giám đốc và thu giữ nhiều chai nguyên liệu chứa chất lỏng màu vàng, không nhãn mác, nhiều tem nhãn hàng hóa.
Bước đầu, công an xác định Trần Minh Hải cùng đồng bọn đã có hành vi mua sản phẩm nước uống tăng lực đã đóng chai, sau đó về dán nhãn hàng hóa, đóng thùng giả nhãn hàng hóa. Tình trạng làm giả các mặt hàng thiết yếu dịp cuối năm diễn ra khá phổ biến.
Trưa 16/12, tổ công tác đội Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế và chức vụ, Công an huyện Gia Lâm làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm sát tại địa bàn xã Đình Xuyên, huyện Gia Lâm đã phát hiện Nguyễn Thị Thảo (SN 1994; trú tại thôn 5, xã Đình Xuyên) đang vận chuyển 25kg mỳ chính nhãn hiệu Ajinomoto Việt Nam có dấu hiệu làm giả.
Người phụ nữ này sau đó đã được tổ công tác đưa về trụ sở Công an huyện Gia Lâm và mời đại diện lãnh đạo Công ty Cổ phần Ajinomoto Việt Nam đến làm việc. Tại Công an huyện Gia Lâm, đại diện Công ty Cổ phần Ajinomoto Việt Nam đã tiến hành kiểm tra và xác định toàn bộ số hàng trên không phải là sản phẩm chính hãng do Công ty sản xuất.
Qua đấu tranh, Thảo khai nhận tự sản xuất, đóng gói số sản phẩm trên. Khám xét nơi ở của người phụ nữ này, Công an huyện Gia Lâm đã phát hiện và thu giữ 203 gói mỳ chính Ajinomoto thành phẩm loại 100g/gói, 51 gói mỳ chính Ajinomoto thành phẩm 400g/gói, 107kg bột ngọt nguyên liệu để sản xuất mỳ chính cùng nhiều vỏ, túi nilon chứa mỳ chính mang nhãn hiệu Ajinomoto. Hiện Công an huyện Gia Lâm đang tiếp tục điều tra xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.
Đi xa để “dễ lừa”
Nếu trót lọt, những cơ sở sản xuất hàng giả, hàng nhái, kém thường được chuyển về khu vực vùng cao để dễ tiêu thụ. Tại các phiên chợ vùng cao, ngày giáp Tết người ta dễ dàng bắt gặp các tụ điểm bán “siêu giảm giá”. Loa đài ra rả chào mời giới thiệu nhiều mặt hàng chất lượng cao, nhưng giá cả lại “rẻ như cho”. Những gian hàng này phần lớn là hàng kém chất lượng, từ các mặt hàng như xoong nồi, xô chậu, chảo gang, bánh kẹo, đồ chơi trẻ em. Mẫu mã của các sản phẩm này đa số khá bắt mắt nên thu hút được rất đông người mua.
Tại chợ phiên xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An, loa đài các tiểu thương chào mời khách giới thiệu nhiều mặt hàng Việt Nam chất lượng cao, giá cả “rẻ như cho”. Người dân cũng chỉ mua qua lời giới thiệu của cửa hàng và phù hợp với túi tiền của mình.
Tại đây, nhiều loại hàng hóa thực phẩm không ghi nơi sản xuất, thời hạn sử dụng, chất lượng, giá cả. Trên những sạp hàng tạp hóa, từ bánh kẹo đến nước mắm, bột giặt… cũng có đầy đủ chủng loại, nhưng hầu hết là hàng nhái các thương hiệu lớn với những tên gọi “na ná” giống nhau. Chẳng hạn, gói bánh Chocopie của Orion thì cũng có loại khác với bao bì gần giống nhưng được gắn nhãn Chocopai hoặc Choco.bic; bánh Custas và Custard, nước khoáng Aquafina và Aqualav…
Theo một người bán, cùng một mặt hàng với hai tên gọi gần giống nhau nhưng những loại hàng này chỉ có giá bằng 1/2 hàng chính hãng và thường những hàng có giá rẻ sẽ bán chạy hơn nhiều so với hàng chính hãng.
Với đặc điểm bao bì, tên gọi “na ná” giống nhau, nhiều người tiêu dùng không thể phân biệt được. Lợi dụng thói quen tiêu dùng trên, hàng kém chất lượng càng có cơ hội tung hoành tại vùng miền núi và trở thành “đại bản doanh” cho hàng giả, nhái, kém chất lượng, còn người tiêu dùng thì “vô tình” tiếp tay cho gian thương trục lợi.
Một lý do khác mà phần lớn người dân bị lừa bởi những gian thương là lòng tin. Họ tin rằng những người mang đồ lên bán cho họ là người tốt. Là “người của công ty” có đợt giảm giá nên mang hàng bán cho người dân. Lâu nay mọi khi phải đi bộ xuống tận chợ huyện mất nửa ngày đường mới mua được, giờ họ mang về bản bán, không mua chỉ có thiệt.
Nắm bắt được tâm lý của người dân nơi đây, các tiểu thương phục vụ “tận tình” bằng việc chở các xe hàng từ thực phẩm đến các đồ dùng sinh hoạt bằng xe tải, xe máy phục vụ tận bản. Hàng hóa chủ yếu là nhập theo xe hàng, đây là cơ hội để hàng giả, hàng nhái, hàng quá hạn sử dụng tràn vào.
Càng ở những xã, bản vùng sâu, vùng xa, người dân càng khó để nhận biết được đâu là hàng giả, hàng nhái, đâu là hàng thật mặc dù giá cả như nhau. Thấy rẻ, thấy bắt mắt, lại được nghe “người của công ty” tận tình giới thiệu, thế là tặc lưỡi mua về. Chỉ khi mang về dùng thấy chất lượng kém, người ta mới nhận ra mình mua phải hàng giả.
Cần có sự phối hợp đẩy lùi hàng giả, hàng nhái
Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, trong 9 tháng qua, các cơ quan, lực lượng chức năng đã xử lý 149.502 vụ việc vi phạm (giảm 18% so với cùng kỳ năm 2018), thu nộp ngân sách nhà nước đạt 12.388 tỷ 709 triệu đồng (giảm 11% so với cùng kỳ 2018), khởi tố 1.635 vụ (tăng gần 40% so với cùng kỳ 2018), với 1.908 đối tượng (tăng 44% so với cùng kỳ 2018).
Quản lý thị trường cũng đã phát hiện xử lý 82.300 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách 430 tỷ đồng. Trị giá hàng tịch thu chưa bán gần 150 tỷ đồng, chuyển 107 vụ cho cơ quan công an, trong đó 26 vụ việc đã khởi tố, 54 vụ việc đang điều tra. Riêng đối với hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong 10 tháng đầu năm, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý 6.597 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách trên 19 tỷ đồng.
Hiện nay hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có mặt ở nhiều phân khúc của thị trường, từ các cửa hàng tạp hóa trên các phiên chợ vùng sâu, vùng xa đến hè phố các đô thị, thậm chí len lỏi, trà trộn vào cả những siêu thị cao cấp ở những đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM. Một số mặt hàng nổi cộm trong thời gian qua bao gồm thực phẩm, vật tư nông nghiệp, mỹ phẩm, phụ tùng ô tô xe máy, mặt hàng tiêu dùng, thời trang…
Theo ông Nguyễn Thành Danh, Phó Trưởng ban 389 Bình Dương, Kiểm soát viên chính thị trường - Cục Quản lý thị trường Bình Dương, hiện nay nhiều doanh nghiệp sản xuất, nhà phân phối chính hãng đang phải đối mặt với những phương thức tinh vi, phức tạp từ nạn hàng giả. Bên cạnh phương thức kinh doanh truyền thống, sự phát triển của các loại hình kinh doanh thông qua internet càng khiến cho công tác quản lý kiểm soát và phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ thêm khó khăn.
Vì vậy, cùng với sự kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan chức năng thì các doanh nghiệp và người tiêu dùng cũng chính là kênh kiểm soát chặt chẽ, sâu rộng nhất để ngăn chặn nạn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng và không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Theo đó, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa 3 nhà gồm Nhà nước, nhà sản xuất và nhà tiêu dùng. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức xã hội, địa phương, khu phố cùng các tầng lớp trong xã hội để đẩy lùi nạn hàng giả. Bởi vì, hàng giả hay hàng nhái, hàng không rõ xuất xứ đều phải có một địa điểm để sản xuất hay tập trung hàng hóa trước khi đưa ra thị trường. Do đó, sự phát hiện, tố giác từ các tổ chức hay người dân sẽ là thông tin vô cùng quan trọng để cơ quan chức năng vào cuộc.