Hàng lậu vẫn sôi động ở biên giới Tây Nam

Tỉnh Long An được xem là một trong những “điểm nóng” về nạn buôn lậu ở khu vực biên giới Tây Nam. Tuy nhiên, diễn biến thực trạng buôn lậu ở mỗi nơi mỗi khác nhau, tùy tình hình thực tế của mỗi vùng.

Với vị trí địa lý có khoảng 140 km đường biên giới với nước bạn Campuchia (gồm 105 km đường bộ và 35km đường sông), tỉnh Long An được xem là một trong những “điểm nóng” về nạn buôn lậu ở khu vực biên giới Tây Nam. Tuy nhiên, diễn biến thực trạng buôn lậu ở mỗi nơi mỗi khác nhau, tùy tình hình thực tế của mỗi vùng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nơi yên ả, lắng dịu

Huyện Tân Hưng, tỉnh Long An vào những ngày đầu năm 2011, hoạt động buôn lậu biên giới ở đây không còn sôi động như những năm trước. Theo ghi nhận từ Ban chỉ huy bộ đội biên phòng, Đồn biên phòng Sông Trăng, xã Hưng Hà, huyện Tân Hưng, tình hình buôn lậu biên giới ở đây đã giảm rất nhiều nhờ đồn thường xuyên tổ chức tuần tra song phương với lực lượng vũ trang Campuchia (CPC), đồng thời tăng cường kiểm soát chặt chẽ tại 2 trạm kiểm soát biên phòng trên địa bàn. Mặt khác, do hàng hóa của hai nước gần như bão hòa, sự chênh lệch giá cả không đáng kể khiến thu nhập không còn hấp dẫn nên nhiều đối tượng buôn lậu trước kia nay phải chuyển nghề.

Tương tự vùng biên giới huyện Tân Hưng, tại cửa khẩu phụ Hưng Điền (xã Hưng Khánh, huyện Vĩnh Hưng), nạn buôn lậu biên giới đã lắng dịu đáng kể. Điều đáng ghi nhận là nếu như năm 2008, mặt hàng xăng dầu ồ ạt “tuôn chảy” từ Việt Nam sang Campuchia dưới hình thức buôn lậu thì hiện nay các thương lái lại đưa xăng dầu “chảy ngược” từ Campuchia vào nước ta. Một số mặt hàng khác như trâu bò, vải, thuốc tân dược… cũng được đưa vào VN qua đường tiểu ngạch. Ngược lại, các loại hàng tiêu dùng như nhựa gia dùng, giày dép, quần áo may sẵn… lại được đưa từ VN sang bên kia biên giới. Tuy nhiên, hoạt động này chỉ diễn ra ở cấp độ nhỏ lẻ và đối tượng tham gia cũng không nhiều.

Nơi sôi động, công khai

Trái với các cửa khẩu biên giới ở 2 huyện Tân Hưng và Vĩnh Hưng, tình hình buôn lậu tại cửa khẩu Tho Mo, xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ, Long An lại diễn ra khá sôi động và gần như… công khai. Mức độ “nóng” ngày càng tăng vào thời điểm từ trưa đến chiều tối mỗi ngày.  

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Phải nhờ sự trợ giúp từ một thanh niên địa phương, trước kia từng là “nài” vận chuyển hàng cho các trùm buôn lậu, nay đã “giải nghệ”, chúng tôi mới có điều kiện tiếp cận khu tập kết hàng lậu trước khi được chuyển vào biên giới VN. Cách Đồn Biên phòng 865 Mỹ Quý Tây khoảng 15 phút bằng chiếc xe gắn máy cà tàng không biển số trên đường gồ ghề băng qua những cánh đồng vừa gặt lúa với điều kiện phải thay trang phục tềnh toàng và đặc biệt là “không được đội mũ bão hiểm”, chúng tôi hoàn toàn bước sang địa phận nước bạn Campuchia.

Trên đường đi, “thổ địa” phải 2 lần dừng xe, trao đổi vài câu bằng tiếng Khơme với nhóm người mặc cảnh phục trong các chòi canh dã chiến dựng sơ sài bên các lùm cây. Dù đã căn dặn nhiều lần trước khi xuất phát, nhưng “thổ địa” vẫn thường xuyên quay lại nhắc nhở bằng thái độ cảnh giác: “Qua đến đây anh cứ im lặng, đừng nói nhiều, đặc biệt nhất là phải cẩn thận, chỉ cần có một người nào phát hiện mình có mang theo máy ảnh trong người là anh em mình có chạy đàng trời cũng không thoát được đâu”.

 Điểm tập kết hàng là bãi đất rộng khoảng 6 ha tại khu Chùa Soc rừng, Sơn Tóc, huyện Stanh tria, tỉnh Svây Riêng CPC với 7 – 8 kho hàng rải rác xung quanh. Ngoài ra còn có một “Casino mái lá” xập xình tiếng nhạc và những âm thanh huyên náo. Sau một lúc chạy lòng vòng để “nghiên cứu tình hình”, “thổ địa” đột nhiên dừng xe trước một kho hàng chỉ có 3 vách xung quanh bằng  tole, không có cửa, rộng khoảng 600 m2.
Chủ kho hàng ở đây là Chol Ro, một phụ nữ trên 40 tuổi "ném" ánh mắt nghi ngại về phía “người lạ”vừa xuất hiện, nhưng khi “thổ địa” trao đổi vài câu bằng tiếng Khơme, chủ hàng mới bớt phần ngờ vực. Với lý do “đang thất nghiệp, muốn trở lại xin vận chuyển hàng” (tất nhiên bằng tiếng Khơme), “thổ địa” đã khiến Chol Ro hoàn toàn vui vẻ, thậm chí ân cần mời chúng tôi dùng cơm trưa. Trong kho lúc này có hàng ngàn kiện (đai) thuốc lá – chủ yếu là nhãn hiệu Hero và Jet – xếp ngay ngắn cao gần chạm mái lá. Tranh thủ bí mật có được vài tấm hình làm tư liệu, chúng tôi chào tạm biệt. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cách kho của Chol Ro khoảng 100 m là  kho của “trùm” H. Một chiếc xe tải đầy ắp những thùng thuốc lá lừ lừ lui vào kho. Hàng được lấy từ chợ Sóc Nóc, huyện Stanh Chia cách đó 10 km. Sau khi nhập kho, mỗi thùng thuốc lá 50 cây (20 gói/cây) được xổ tung ra và đóng thành đai bằng bao nhựa PE, mỗi đai 60 cây. Mọi hoạt động vận chuyển, bốc xếp, đóng kiện đều diễn ra một cách công khai tự nhiên mặc dù trước cửa mỗi kho luôn túc trực 1 – 2 người mặc quân phục công an CPC, có trang bị vũ khí nghiêm chỉnh.

Chuyện trò với một công an CPC sau khi mời nhau điếu thuốc (ở khu tập kết hàng, tất cả mọi người đều trao đổi với nhau bằng tiếng Khơme, dù không ít người có thể nói tiếng Việt), chúng tôi được biết các chủ hàng phải chi 35.000 đồng/thùng thuốc lá nhập vào kho cho lực lượng vũ trang CPC để hàng được “bảo đảm an toàn tuyệt đối”. Ngoài thuốc lá, rượu ngoại (chủ yếu là Hennesy và XO) cũng được các chủ hàng nhập kho hàng trăm thùng (mỗi thùng 6 chai)/ ngày. 

 11h, trời nắng như đổ lửa.  Các “nài” (đa phần là những thanh niên địa phương, không có việc làm ổn định) chia thành từng nhóm 3 -4 người, mỗi người một xe gắn máy lần lượt thận trọng tiến vào các kho chuẩn bị nhận hàng. Mỗi xe máy chở 3 thùng rượu, hoặc 5 đai thuốc lá. Khi hàng đã cột chắc chắn trên xe, các “nài” cẩn thận quan sát những đám ruộng xung quanh. Một người trong nhóm rút điện thoại di động liên lạc với ai đó, nếu nhận tín hiệu an tòan từ những người “canh đường” ẩn mình rãỉ rác ở những lùm cây trên đường vận chuyển, 3 chiếc xe máy lần lượt xuất phát. Dù chẳng phải là người xa lạ, nhưng khi phát hiện “thổ địa” đi cùng “người lạ mặt”, các “nài” thì thầm trao đổi và bất ngờ cùng dừng lại giữa cánh đồng trống trải. Khi chúng tôi đã khuất khỏi tầm quan sát, những chiếc xe chuyển hàng lậu mới tiếp tục hành trình.  

Vượt quãng  đường đồng ruộng khoảng 3 km, những kiện hàng lậu tiếp tục được được chất lên chiếc xuồng máy mũi nhọn đã chờ sẳn tại đoạn kênh T5. Nhiệm vụ của “nài” đã hoàn thành. Thù lao vận chuyển là 15.000 đồng/thùng rượu, hoặc 10.000 đồng/đai thuốc lá. Ngay sau khi nhận hàng, chiếc xuồng máy vội vã chạy tổng lực dọc theo kênh T5 đến điểm giao hàng tiếp theo trên sông Vàm Cỏ Đông cách đó khoảng 15km.

 Hoàng Tuấn

Đọc thêm