Chùa Côn Sơn có tên chữ là “Côn Sơn Thiên Tư Phúc Tự” (chùa Hun), khởi dựng thế kỷ X, thế kỷ XIII (thời Trần), trở thành trung tâm của Phật giáo Trúc Lâm. Ba vị tổ của thiền phái Phật giáo Trúc Lâm là Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang đã từng tu hành và thuyết pháp ở đây. Vì thế, Côn Sơn trở thành một trong ba trung tâm nổi tiếng của dòng Phật giáo Trúc Lâm Việt Nam: “Côn Sơn, Yên Tử, Quỳnh Lâm. Nếu ai chưa đến, thiền tâm chưa thành”.
|
|
Dòng người đến với chùa Côn Sơn vào dịp đầu năm rất đông đúc. |
Vào thời Trần, bình đồ kiến trúc của chùa là “nội công ngoại quốc”. Thời Lê, chùa mở rộng quy mô với 83 gian, toà Cửu Phẩm liên hoa có 385 pho tượng, các công trình mái lợp ngói thanh lưu ly, hoàng lưu ly… trông xa long lanh như ngọc biếc. Trải qua thăng trầm của lịch sử, ngày nay chùa Côn Sơn vẫn lưu dấu ấn kiến trúc của nhiều thời đại cùng nhiều giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể vô cùng phong phú: hệ thống văn bia từ thế kỷ XIV – XIX, hệ thống tượng thờ niên đại từ thế kỷ XVII – XIX. Ngoài ra, còn các bộ sách kinh Phật, bộ cúng đàn Mông Sơn thí thực, bùa chú của Đệ tam tổ Huyền Quang, hệ thống phả hệ của dòng họ Nguyễn Trãi… Đây cũng được coi là những di sản quý báu của đất nước.
Chùa Côn Sơn vốn là một trong những địa danh tâm linh nổi tiếng không chỉ trong tỉnh Hải Dương mà cả nước đều biết đến.
|
Họ đến chùa để lễ bái, cầu may. |
Du khách khi đến đây không chỉ lễ Phật, mà còn là dịp để du ngoạn, thăm danh thắng nơi có những di tích gắn liền với nhiều anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá của đất nước và thế giới như: Đức Thánh Trần, Trần Nguyên Đán, Nguyễn Trãi… Bởi thế, trong số các di tích xếp hạng quốc gia thì khu di tích lịch sử văn hoá Côn Sơn – Kiếp Bạc được coi là di tích quốc gia đặc biệt, là trung tâm văn hoá lớn, hội tụ và kết tinh nhiều giá trị lịch sử nhất.
Người dân gần chùa Côn Sơn cho biết, năm nào cũng vậy, ngay sau khi vừa bước sang năm mới, đã có rất nhiều người dân đến đây để làm lễ, cầu may, cầu tài lộc dù thời tiết vẫn đang rét lạnh. Tết Quý Mão 2023 năm nay, từ ngày mùng 1 đến ngày mùng 3, đã có đông đảo hàng ngàn lượt phật tử và người dân đến chùa để vãn cảnh, dâng hương lễ phật.
|
|
Nơi đây cũng là địa điểm thu hút du khách đến để vãn cảnh, xin chữ, chụp ảnh kỷ niệm đầu xuân năm mới. |
Theo ghi nhận của PV, vào ngày mùng 2 và mùng 3, dòng người đến đây rất đông. Du khách sẽ mua vé vào chùa ở ngoài cổng với giá 20.000 đồng/người và 15.000 tiền vé xe (xe ô tô). Dòng người đông đúc, hàng loạt những chiếc ô tô nối đuôi nhau chở đầy khách ghé qua cổng chùa khiến nhiều con đường bị ùn ứ và chật kín người. Mặc dù ban quản lý bố trí có nhiều điểm phục vụ việc mua vé vào chùa nhưng mọi người vẫn phải chờ ít nhất từ 2 – 5 phút để mua vé.
Người đến chùa Côn Sơn vào những ngày đầu xuân năm mới, không chỉ có người dân trong tỉnh mà còn có nhiều du khách ngoại tỉnh.
|
|
Hàng quán nhiều và thu hút được khá đông du khách ghé vào để mua hoặc dừng nghỉ. |
Được biết, lễ hội mùa xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc 2023 sẽ diễn ra từ ngày 4 – 13/2 tới. Điểm nhấn của lễ hội là Lễ tưởng niệm 689 năm ngày viên tịch của Đệ tam tổ Trúc Lâm Huyền Quang Tôn giả (1334 – 2023) và Lễ khai hội mùa xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc 2023. Ngoài những nghi lễ truyền thống, lễ hội còn có nhiều chương trình đặc sắc như hội thi gói bánh chưng và giã bánh giầy, Liên hoa pháo đất, thi đấu vật dân tộc, cờ tướng…
|
Có nhiều điểm bán vé được bố trí xong lượng người và phương tiện vào chùa đông nên đôi khi cũng xảy ra ùn tắc hoặc di chuyển chậm. |
Bên cạnh đó, nét mới trong chương trình năm nay chính là Tuần Văn hoá du lịch hội xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc năm 2023 với nhiều hoạt động hấp dẫn tịa khu vực trải nghiệm Côn Sơn như các gian hàng giới thiệu các sản phẩm du lịch tiêu biểu và sản phẩm nông sản đặc trưng của Hải Dương, các chương trình biểu diễn nghệ thuật để du khách thưởng thức và trực tiếp tham gia trải nghiệm như hát chèo, hát văn, ca trù…