Hàng nghìn người tham dự lễ Giỗ Tổ tại chùa Khai Nguyên

0:00 / 0:00
0:00

(PLVN) - Lễ Giỗ Tổ chùa Khai Nguyên được tổ chức vào 24/2 âm lịch hàng năm, là dịp để nhân dân và phật tử xa gần tưởng nhớ đến Chư Tổ - Nữ thế Họ Nguyễn Đình xuất gia trụ thế.

Chính quyền, đoàn thể các phường Xuân Tảo, Xuân La dâng Lễ cúng Phật, Giỗ Tổ tại Chùa Khai Nguyên.
Chính quyền, đoàn thể các phường Xuân Tảo, Xuân La dâng Lễ cúng Phật, Giỗ Tổ tại Chùa Khai Nguyên.

Tại lễ Giỗ Tổ Chùa Khai Nguyên năm nay, Sư thầy Thích Đạo Lạc (trụ trì chùa) đã tổ chức nhiều nghi lễ truyền thống trong đạo Phật để tưởng nhớ công lao của Chư Tổ. Trước và trong ngày lễ chính, chùa đã thu hút hàng nghìn người dân và phật tử xa gần đến tham dự.

Trong không khí an vui ngày Giỗ Tổ, chính quyền đoàn thể các phường Xuân La, Xuân Tảo, Phú Thượng… đã thành kính dâng Lễ lên Chư Phật, Chư Tổ với mong muốn nguyện cầu cho người dân cùng các phật tử bách gia trăm họ được sức khoẻ bình an, cầu cho quốc thái dân an, nhà nhà ấm no hạnh phúc...

Theo Ban tổ chức, trước và trong buổi lễ còn diễn ra nhiều hoạt động nghệ thuật dân gian đặc sắc của nhiều nghệ sỹ, của các đội văn nghệ đến từ các phường và còn có sự tham gia giao lưu biểu diễn của đông đảo du học sinh Lào.

Điểm nhấn của Lễ Giỗ Tổ năm nay là màn trống hội do các nghệ nhân phường Xuân Tảo biểu diễn, cùng các làn điệu chèo cổ Tây Hồ góp phần phát huy gìn giữ những di sản trong lòng Thủ đô nghìn năm văn hiến…

Màn khai trống Lễ Giỗ tổ Chùa Khai Nguyên do các “nghệ nhân” phường Xuân Tảo biểu diễn.

Màn khai trống Lễ Giỗ tổ Chùa Khai Nguyên do các “nghệ nhân” phường Xuân Tảo biểu diễn.

Đại đức Thích Đạo Lạc - trụ trì Chùa Khai Nguyên cho biết, sau nhiều năm bị gián đoạn bởi dịch bệnh COVID-19, thể theo nguyện vọng của đông đảo người dân và phật tử cả nước, lễ Giỗ Tổ năm nay được tổ chức để tưởng nhớ công ơn cao đức của các bậc Tổ sư đã dành trọn đời cho Phật pháp và duy trì khai sáng hành đạo nơi trụ sứ Chùa Khai Nguyên.

"Các nghi lễ truyền thống đạo Phật được tổ chức trong lễ hội nhằm cầu nguyện cho nhân dân, mong cho quốc thái dân an - mệnh trụ lâu dài… Ban tổ chức lễ hội rất vui mừng vì nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương, được ghi nhận là ngôi chùa luôn thực hiện tốt mọi chủ trương chính sách của Đảng, nhà nước, sống “tốt đời, đẹp đạo”, phát huy gìn giữ những giá trị di sản cho muôn đời sau…", Đại đức Thích Đạo Lạc nói.

Hàng nghìn người tham dự lễ Giỗ Tổ tại chùa Khai Nguyên ảnh 3

Đông đảo người dân cùng Phật tử đến Chùa Giỗ tổ và Lễ Phật.

Từng tham gia công việc Phật sự suốt mấy chục năm ở Chùa Khai nguyên, đến khi có tuổi, cụ Nguyễn Thị Toan (92 tuổi, trú tại phường Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội) vẫn giữ thói quen đi lễ vào ngày mùng 1 và ngày Rằm hàng tháng tại chùa.

Nguyễn Thị Toan (92 tuổi, trú tại phường Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội)

Nguyễn Thị Toan (92 tuổi, trú tại phường Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội)

"Chúng tôi rất tự hào khi được sinh ra và lớn lên tại vùng đất có ngôi chùa cổ Khai Nguyên khang trang, được mệnh danh là ngôi chùa cổ rộng nhất Hà Nội. Suốt nhiều năm qua, ngôi chùa này trở thành nơi sinh hoạt tín ngưỡng an lành của đông đảo người dân. Bất kỳ ai khi đặt chân đến đây đều cảm thấy tinh thần phấn khởi, nhẹ nhàng,... Mỗi năm, lễ Giỗ Tổ lại có những đặc trưng khác nhau, thu hút và đặc sắc hơn những năm cũ", cụ Toan chia sẻ.

Một số hình ảnh tại Lễ hội:

Chùa Khai Nguyên và đình Quán La Xã (phường Xuân La, quận Tây Hồ) có chiều dài lịch sử đặc biệt và hiếm thấy ở Việt Nam, riêng chùa Khai Nguyên đã có niên đại hàng nghìn năm lịch sử. Tại đây còn lưu giữ được 18 đạo sắc phong, 11 bia đá cổ ghi chép việc tu sửa, tôn tạo đình, chùa…

Chùa Khai Nguyên đa dạng với phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp và khuôn viên chùa hài hòa với cầu sắt bắc ngang, hồ bán nguyệt, kè đá, các khu vườn tự nhiên, gần gũi và rất truyền thống. Hiện khu chùa chính được xây hiện đại, trang trí đơn giản ít cửa võng. Toà Tam bảo nhìn về hướng nam ra sân gạch lớn. Tiền đường 7 gian và hậu điện sâu 3 gian, rộng rãi, cao ráo, lại có cửa ngách tạo sáng. Hai bên là hai dãy hành lang dài nối xuống nhà hậu. Trong chùa có quả chuông khắc tên “Khai Nguyên tự chung”, được đúc vào tháng Chạp năm đầu niên hiệu Thiệu Trị (khoảng đầu năm 1842), sau khi quả chuông đúc năm Nhâm Thân niên hiệu Chính Hòa (1692) bị thất lạc. Chùa Khai Nguyên hiện lưu giữ một cuốn sách gỗ (mộc thư) có ba chữ “Khai Nguyên tự”.

Đọc thêm