Ngày 6-11-2009, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành Chương trình hành động thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
|
||
Các phiên chợ hàng Việt luôn thu hút đông đảo người dân đến mua sắm. |
Từ chương trình này, Ban Chỉ đạo thực hiện cuộc vận động cấp thành phố cũng được thành lập để thực hiện các nhiệm vụ và đưa ra các giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, làm cho người tiêu dùng nhận thức đúng khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, chất lượng của sản phẩm. Thông qua cuộc vận động hướng người tiêu dùng trong nước hiểu đúng về chất lượng và sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước.
Ông Lê Viết Tươi, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Để cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đạt hiệu quả, ngay từ khi phát động, Sở đã phối hợp với các cơ quan báo chí địa phương và Trung ương tăng cường tuyên truyền nhằm làm rõ vị trí, tiềm năng to lớn của thị trường nội địa, tích cực quảng bá các sản phẩm, hàng hóa đạt chất lượng của các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn nói riêng và cả nước nói chung đến người dân cũng như cán bộ, công nhân, viên chức biết và mua sắm sử dụng. Bên cạnh đó, Sở cũng kịp thời biểu dương và nhân rộng những tập thể và cá nhân tích cực tham gia cuộc vận động; đồng thời tăng cường giám sát, phê phán kịp thời những biểu hiện lợi dụng cuộc vận động để sản xuất và tiêu thụ những sản phẩm, hàng hóa kém chất lượng; đấu tranh bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng”.
Theo Sở Công thương, trong năm 2009 và những tháng đầu năm 2010, đơn vị đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức hàng chục hội chợ tiêu dùng, trong đó nhiều phiên chợ hàng Việt được tổ chức ở các vùng nông thôn trên địa bàn và được nhân dân quan tâm, mua sắm do các nhà sản xuất trong nước đã chú trọng nâng cao chất lượng, mẫu mã và có giá cả hợp lý. “Nếu trước kia nhiều mặt hàng có xuất xứ từ nước ngoài như hàng Trung Quốc “làm mưa, làm gió” trên thị trường Đà Nẵng, nhưng từ khi cuộc vận động được đẩy mạnh, người tiêu dùng đã chú ý nhiều đến các sản phẩm được sản xuất bởi doanh nghiệp ở Đà Nẵng và trong nước. Điều này cho thấy cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã tạo được những chuyển biến nhất định trong thói quen tiêu dùng của người dân Đà Nẵng. Tuy nhiên, những chuyển biến này vẫn chưa thực sự mạnh”, ông Tươi cho hay.
Mặc dù đã có sự chuyển biến nhưng nhìn trên thị trường có thể thấy rất rõ một điều là nhiều mặt hàng được sản xuất trong nước vẫn bị lép vế so với hàng ngoại. Chẳng hạn tại Đà Nẵng, đối với hàng thời trang được sản xuất bởi các doanh nghiệp trong nước ngày càng nhiều hơn nhưng so với hàng ngoại vẫn chưa “ngang ngửa”. Qua khảo sát tại các chợ lớn trên địa bàn, quần áo có xuất xứ từ Trung Quốc vẫn được bày bán khá nhiều. Lý giải về điều này, tiểu thương tại chợ Cồn cho rằng: Do mẫu mã, kiểu dáng, chất liệu của các mặt hàng thời trang Việt Nam chưa thực sự phù hợp với đông đảo người tiêu dùng, trong khi các mặt hàng thời trang Trung Quốc thay đổi liên tục, đồng thời giá cả cũng “nhẹ” hơn so với hàng Việt. Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng được sản xuất trong nước đang chịu sức ép cạnh tranh đối với vấn nạn hàng giả, hàng nhái…
Ông Nguyễn Xuân Sơn – Giám đốc Công ty TNHH Hương Quế cho rằng: Để người tiêu dùng thực sự lựa chọn hàng hóa, dịch vụ do các doanh nghiệp trong nước sản xuất, trước hết các nhà sản xuất trong nước phải chứng tỏ được tính ưu việt của từng sản phẩm. Hơn nữa, giá cả của từng mặt hàng chí ít cũng phải thấp hơn giá của hàng ngoại. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần phải tăng cường công tác đấu tranh phòng chống hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái để tránh sự cạnh tranh về giá cả đối với hàng hóa được sản xuất bởi các doanh nghiệp trong nước.
Bài và ảnh: Trọng Hùng