Hàng nội địa bị đối xử tệ bạc trong đấu thầu

(PLO) - Rất nhiều doanh nghiệp bức xúc cho rằng, hàng hóa sản xuất trong nước gần như không có cơ hội tham gia đấu thầu vào các công trình có vốn ngân sách. Bởi ngay từ hồ sơ mời thầu, những dự án này đã yêu cầu hàng hóa, sản phẩm phải có xuất xứ từ nước ngoài.
Tâm lý chuộng hàng ngoại gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp nội địa. Trong ảnh: Lilama chế tạo được nhiều sản phẩm cơ khí xuất khẩu nhưng nhiều nhà máy nhiệt điện vẫn thích nhập khẩu từ con ốc vít
Tâm lý chuộng hàng ngoại gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp nội địa. Trong ảnh: Lilama chế tạo được nhiều sản phẩm cơ khí xuất khẩu nhưng nhiều nhà máy nhiệt điện vẫn thích nhập khẩu từ con ốc vít
“Gà cùng một mẹ” cố tình loại nhau
Theo ông Huỳnh Đắc Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Công Thương,  sau 5 năm triển khai, Chỉ thị 494/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước đã phát huy hiệu quả trên thực tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (DN), phát triển sản xuất trong nước, làm giảm nhập siêu, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. 
Tuy nhiên, là người trong cuộc, ông Trần Thọ Huy, Tổng Giám đốc Cty CP Thang máy Thiên Nam lại không mấy đồng tình. Ông Huy cho rằng, dù Cty của ông là nhà sản xuất thang máy hàng đầu của Việt Nam nhưng không “chen chân” vào đấu thầu được ở các dự án có vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước. 
Cụ thể, đến thời điểm này Cty Thiên Nam vẫn chưa cung cấp được một sản phẩm nào cho các công trình, dự án có nguồn vốn đầu tư công ở khu vực các tỉnh phía Bắc. Bởi ngay khi ra thông báo đấu thầu, chủ đầu tư các dự án này đã đưa ra quy định chỉ sử dụng thang máy nhập khẩu từ các nước G7 hoặc ASEAN. “Nhưng qua tìm hiểu, một số sản phẩm được tham gia đấu thầu chỉ gắn mác Cty mẹ tại các nước G7 còn đều được sản xuất tại Trung Quốc, Thái Lan… nhưng vẫn cứ trúng thầu”, ông Huy bức xúc.
Tương tự, theo ông Nguyễn Ngọc Thông, Tổng Giám đốc Cty CP Điện Trường Giang, Cty có thể sản xuất được các loại tủ điện MV đạt tiêu chuẩn quốc tế cho các công trình điện tại Việt Nam nhưng chỉ tham gia vào được một số dự án nhỏ ở khu vực phía Nam với tư cách là nhà cung cấp cho một số  đơn vị trúng thầu. 
Ông Trần Thành Trọng, Tổng Giám đốc Cty CP Sáng Ban Mai cũng rất bức xúc  cho rằng, DN của ông là đơn vị sản xuất thành công tổ máy phát điện công suất 2.500 kVA, loại máy có công suất lớn nhất hiện nay. Sản phẩm tổ phát điện của Cty có công nghệ tương đương với các nước phát triển như Nhật Bản, Anh, Pháp, Hoa Kỳ…, lại có  giá bán rẻ hơn 15 - 40%, nhưng phần lớn chỉ “vào” được những công trình tư nhân, còn những dự án có vốn đầu tư công thì gần như “bó tay” chỉ vì lý do “hàng nội”.
Cố tình làm trái Luật Đấu thầu
Theo ông Trọng, luật pháp hiện hành đã có quy định nghiêm cấm phân biệt nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa trong đấu thầu. Nghị định 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thực thi Luật Đấu thầu cũng quy định rõ cần có ưu tiên đối với sản phẩm sản xuất trong nước. Thế nhưng hàng loạt chủ đầu tư vẫn có sự đối xử, phân biệt với sản phẩm sản xuất trong nước để cố tình loại bỏ sản phẩm nội, ưu đãi hàng nhập ngoại. 
Chịu hết nổi, mới đây Cty CP Sáng Ban Mai đã có văn bản báo cáo  Bộ Kế hoạch và Đầu tư về một số dự án có vốn đầu tư công đã cố tình làm trái Luật Đấu thầu, trong đó có nội dung không cho các sản phẩm do các DN sản xuất trong nước được tham gia vào đấu thầu - ông Trọng cho hay.
Đề cập đến vấn đề này, ông Huỳnh Đắc Thắng thừa nhận cơ chế, chính sách cũng còn một số hạn chế như: Thiếu hàng rào kỹ thuật (nhất là các tiêu chuẩn liên quan đến tiêu chuẩn tiêu hao năng lượng, bảo vệ sức khỏe người sử dụng...) đối với các hàng hóa, đặc biệt các sản phẩm cơ khí. 
Việt Nam cũng chưa có các chính sách hỗ trợ đối với DN sản xuất máy móc, thiết bị trong nước sản xuất được cũng như chưa có chính sách hỗ trợ chi phí chuyển giao công nghệ, mua bán bản quyền thiết kế... Những yếu tố này đã hạn chế sức lan tỏa của Chỉ thị 494.
Đặc biệt, đúng như DN phản ánh, thực tế triển khai Chỉ thị 494 trong 5 năm qua cũng bộc lộ một số thách thức như: Khó khăn trong việc chia nhỏ gói thầu; nhiều hồ sơ mời thầu đặt điều kiện tiên quyết ưu tiên cho hàng nhập ngoại, loại bỏ hàng sản xuất trong nước... 
Thực tế, nhiều chủ đầu tư tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước nhưng trong hồ sơ mời thầu lại yêu cầu hàng hóa phải có xuất xứ từ các nước phát triển như G7 hoặc từ Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan... hoặc quy định sản phẩm phải nhập khẩu đồng bộ, nguyên chiếc, gây cản trở đối với hàng hóa sản xuất trong nước và hạn chế sự tham gia của nhà sản xuất, cung ứng nội địa.
Tuy nhiên, vị này cũng thẳng thắn lưu ý, DN cần nhìn thẳng vào thực tế là chất lượng, kiểu dáng, mẫu mã của các sản phẩm, hàng hóa trong nước còn chưa đáp ứng tốt các yêu cầu của chủ đầu tư, đặc biệt là các sản phẩm kỹ thuật cao, nên hiệu quả thực hiện Chỉ thị 494 chưa được như kỳ vọng.

Đọc thêm