Hàng trăm chuyên gia, nhà khoa học tham dự Hội thảo về giá trị văn hóa, con người Quảng Ninh

(PLVN) -Sáng 26/9, tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Yên Tử, TP Uông Bí, tỉnh ủy Quảng Ninh phối hợp với Ban Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học "Quảng Ninh nhận diện và phát huy các giá trị văn hóa, con người, tạo nguồn lực cho phát triển nhanh, bền vững".

Dự hội thảo có hàng trăm chuyên gia, nhà khoa học trong cả nước, lãnh đạo một số Ban, Bộ, Ngành Trung ương, Tỉnh ủy Quảng Ninh, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh. Hội thảo bàn về những vấn đề hết sức quan trọng và mang tính cấp thiết nhằm tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS.TS Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản, nhấn mạnh: Hiện nay, nguồn lực văn hóa đang được nhận diện với các ngành công nghiệp văn hóa. Trong số 13 ngành công nghiệp văn hóa, tiềm năng, lợi thế của Quảng Ninh hiện diện ở nhiều ngành và đặc biệt hiện diện nổi bật ở ngành du lịch văn hóa.

Quảng Ninh là tỉnh có lịch sử hình thành và phát triển gắn liền với quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước, con người Quảng Ninh cũng thể hiện những đặc trưng chung, đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng, kết hợp với bản sắc rất riêng của vùng đất được coi là “cái nôi” của giai cấp công nhân Việt Nam, truyền thống công nhân Vùng Mỏ, “Kỷ luật và Đồng tâm” đã được hình thành, vun bồi thành một di sản tinh thần của công nhân vùng mỏ, trở thành một đặc trưng của con người Vùng Mỏ.

Tuy nhiên, xu thế vận động và phát triển tiếp tục đặt ra yêu cầu mới, đòi hỏi Quảng Ninh không chỉ tiếp cận những nhận thức mới về phát triển bền vững, nhận diện mới về các giá trị văn hóa, con người Quảng Ninh hiện tại đồng thời đặt trong tầm nhìn trung hạn và dài hạn, mà còn phải có giải pháp thực tế, hiệu quả để chuyển hóa các giá trị này thực sự trở thành nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển là tất yếu.

Báo cáo tại hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký, khẳng định: Hệ giá trị của tỉnh Quảng Ninh là tổng thể những đặc trưng, thuộc tính, phẩm chất căn cốt nhất, có tính đại diện tiêu biểu của địa phương, tổng hòa trên tất cả các mặt, lĩnh vực, từ thiên nhiên, văn hóa, xã hội, con người đến đặc điểm kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... được hun đúc, định hình từ điều kiện tự nhiên, từ kết quả quá trình lao động, đấu tranh để sinh tồn và phát triển của cộng đồng địa phương trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của vùng đất, có tính bao trùm, được đa số cộng đồng công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ bằng ý thức tự giác.


Bí thư, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký báo cáo tại Hội thảo.

Hội thảo nhận được sự quan tâm của đông đảo các nhà lãnh đạo, quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, với hơn 80 bài tham luận. Các bài viết được đánh giá là có sự đầu tư công phu, có chất lượng tốt, giàu hàm lượng khoa học, kinh nghiệm thực tiễn phong phú, đã kiến giải sâu sắc, nhiều chiều các nội dung của hội thảo. Trong đó tập trung chính vào nhận diện các giá trị văn hóa, con người Quảng Ninh thời kỳ hiện nay, đồng thời đặt trong tầm nhìn trung hạn và dài hạn; làm rõ hơn các phương thức, hình thức khơi dậy và phát huy giá trị văn hóa, con người phù hợp với đặc điểm đặc thù, với tiềm năng, lợi thế của tỉnh Quảng Ninh;

Đánh giá thực trạng, những kết quả đạt được, những tồn tại trong quá trình khơi dậy các giá trị văn hóa, con người Quảng Ninh thời gian qua; phân tích nguyên nhân thành công và hạn chế; bài học kinh nghiệm và những vấn đề đặt ra trong việc kết hợp chặt chẽ giữa phát triển nhanh, bền vững với phát triển con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh.

Cùng với đó, các bài tham luận cũng gợi mở giải pháp cho Quảng Ninh để nhận diện được đầy đủ, toàn diện, sâu sắc, và phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa, con người thực sự trở thành nguồn lực cho phát triển nhanh, bền vững; gợi mở các kiến nghị chính sách của tỉnh với Trung ương; kiến nghị cơ chế, chính sách cụ thể của các địa phương với tỉnh.

Theo PGS.TS Phạm Duy Đức, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Trong thời gian tới, để phát huy hơn nữa vai trò của bản sắc văn hóa Quảng Ninh trước hết, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa, con người trong các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh, các chương trình, dự án đề ra về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của tỉnh để nâng cao hơn nữa chất lượng của các hoạt động văn hóa, khẳng định mạnh mẽ vai trò, vị thế của văn hóa Quảng Ninh - vừa là mục tiêu, vừa là động lực, vừa là nguồn lực nội sinh quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.


TS. Nhị Lê, Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản tham luận tại hội thảo.

Đặc biệt, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, cần tập trung vào phát triển mạnh mẽ hơn các ngành công nghiệp văn hóa; kết nối phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở địa phương với sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Trung ương và các tỉnh bạn trên phạm vi cả nước. Đồng thời, tăng cường hơn nữa công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh văn hóa và con người Quảng Ninh, giới thiệu bản sắc văn hóa của Quảng Ninh đối với nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế.

TS. Nhị Lê, Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản nhấn mạnh: “Điều mà tôi trăn trở từ lâu nay là tại sao Quảng Ninh đứng vững được ở những cơn sóng gió. Chúng ta đều biết một thử thách làm nghiêng ngả toàn cầu đó là đại dịch Covid-19 nhưng với Quảng Ninh 3 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, Quảng Ninh vẫn luôn đứng trong tốp đầu cả nước về tốc độ phát triển KT-XH và đảm bảo an sinh xã hội. Vì sao Quảng Ninh lại đạt được những kết quả như vậy? Phải chăng tố chất mà tôi tìm thấy, cảm thấy ở Quảng Ninh bao hàm 8 nhân tố là linh hồn của triết lý văn hóa và sự phát triển bền vững, mạnh mẽ Quảng Ninh. Đó là: Cầu thị - Mềm dẻo – Tinh tế - Hài hòa – Khẳng khái – Khoan dung – Danh dự - Hòa mục”.

Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, GS.TS Đinh Xuân Dũng: Văn hóa đem lại cho con người khả năng tự suy ngẫm về bản thân. Khi nói đến văn hóa, đến nguồn văn hóa chính là bàn về quá trình và kết quả tạo ra phẩm chất, các giá trị trong con người, thuộc về con người. Hội thảo khoa học này chính là đi tìm trong văn hóa để chỉ ra nguồn lực, động lực cho sự phát triển của Quảng Ninh - một vùng đất đậm các giá trị văn hóa độc đáo và phong phú, tạo nên bản sắc riêng có, không lẫn vào đâu được trong nền văn hóa lâu đời, đa dạng của văn hóa dân tộc Việt Nam.

Hội thảo sẽ tiếp tục được các học giả, chuyên gia, nhà khoa học phân tích đánh giá và bế mạc vào chiều nay.