Hàng trăm người dân Phước Sơn chặn xe chở quặng vàng

Do quá bức xúc trước việc thất hứa nhiều lần của Công ty Khai thác vàng Phước Sơn, đóng tại xã Phước Đức, huyện Phước Sơn về việc mở rộng 3km đường từ thôn 4 trên địa bàn xã này và xây dựng dự án nước sạch cho dân… nên nhân dân đã kéo ra ngăn chặn đàn xe chở quặng của công ty này. 

Do thất hứa nhiều lần với nhân dân, sáng nay (9/5), hàng trăm người dân huyện Phước Sơn, Quảng Nam đã kéo ra ngăn chặn đoàn xe chở quặng của Công ty Khai thác vàng Phước Sơn thuộc Tập đoàn Barsa (Canada) dẫn đến sự việc rất căng thẳng

Trưa nay, ông Đoàn Văn Thông, Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, do quá bức xúc trước việc thất hứa nhiều lần của Công ty Khai thác vàng Phước Sơn, đóng tại xã Phước Đức, huyện Phước Sơn về việc mở rộng 3km đường từ thôn 4 trên địa bàn xã này và xây dựng dự án nước sạch cho dân… nên nhân dân đã kéo ra ngăn chặn đàn xe chở quặng của công ty này. 

Đoàn công tác của Quốc hội kiểm tra làm việc tại mỏ vàng Đắk sa của Công ty Khai thác vàng Phước Sơn.
Đoàn công tác của Quốc hội làm việc tại một mỏ vàng của Công ty Khai thác vàng Phước Sơn.

Ngoài ra, công ty này không chịu tưới nước đường khi xe chở quặng từ núi về mỏ gây ô nhiễm môi trường, bụi bay mịt mù vào nhà dân làm ảnh hưởng đến cuộc sống, nên hàng trăm người dân đã kéo nhau ra chặn xe của công ty này lại không cho vận chuyển vào bãi vàng. 

Sau khi tiếp nhận thông tin này, đích thân ông Thông có mặt tại hiện trường nắm tình hình. Theo ông Thông, chính Công ty Khai thác vàng Phước Sơn đã quá nhiều lần thất hứa với nhân dân địa phương. Qua vụ việc này, UBND huyện sẽ yêu cầu Công ty Khai thác vàng Phước Sơn phải sớm thực hiện các cam kết cũng như giữ đúng lời đã hứa đối với nhân dân để tránh tình trạng này tái diễn. 

Trước đó, năm 2008, Công ty Khai thác vàng Phước Sơn được Bộ TN-MT cấp giấy phép thăm dò khoáng sản trên diện tích 4.200ha tại 2 xã Phước Đức và Phước Xuân của huyện Phước Sơn. 

Điều đáng nói là trong tổng số 4.200 ha này thì có hàng nghìn héc ta “ăn” vào Khu bảo tồn Thiên nhiên Sông Thanh do Nhà nước đang quản lý. Tuy nhiên, trong thời gian được cấp phép, diện tích này vẫn như vô chủ bởi hàng nghìn người từ các nơi về đào đãi vàng đêm ngày. Cảnh xung đột, tranh giành giữa các “vàng tặc” diễn ra thường xuyên. Hậu quả đã xảy ra hàng loạt vụ sập hầm vàng trái phép làm chết rất nhiều người. 

Nghiêm trọng hơn, tình hình trị an nơi đây bất ổn vì “vàng tặc”, nhiều tệ nạn xã hội ma túy, mại dâm kéo theo; chất độc xyanua sử dụng để tuyển vàng tràn lan gây ô nhiễm môi trường, sông suối rất nghiêm trọng. 

Ngoài ra, tình trạng đào đãi vàng sa khoáng, khai thác lâm sản trái phép xuất hiện ngày càng nhiều trên diện tích đất mà đơn vị này được cấp phép thăm dò. Từ đây, rừng đầu nguồn của Khu bảo tồn Thiên nhiên Sông Thanh bị tàn phá rất nghiêm trọng. 

Trước vụ việc này, UBND huyện Phước Sơn đã đi kiểm tra thực tế và kết luận trong khu vực thăm dò của đơn vị này xảy ra tình trạng đào đãi vàng, khai thác lâm sản trái phép, môi trường sinh thái bị tàn phá và sâm lấn Khu bảo tồn Thiên nhiên Sông Thanh. Sau đó, UBND huyện Phước Sơn đã 2 lần đệ đơn lên UBND tỉnh Quảng Nam kiến nghị Bộ TN-MT thu hồi 4.000/4.200 ha đất đã cấp, giao toàn bộ số đất này cho huyện quản lý để huyện chuyển giao cho dân chăm sóc, bảo vệ. 

Thiên Thanh

Đọc thêm