Hàng vạn người dân Huế được hỗ trợ trồng mây, ba kích

(PLVN) - Dự án “Trường Sơn Xanh” do cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ không hoàn lại đã được thực hiện tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
Việc phát triển mây, ba kích từ dự án sẽ giúp người dân được hưởng lợi, đồng thời sẽ giảm thiểu biến đổi khí hậu

Dự án nhằm thúc đẩy tỉnh Thừa Thiên Huế chuyển đổi áp dụng các phương thức sử dụng đất tiên tiến để ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải và tăng cường khả năng phục hồi rừng nhằm bảo vệ môi trường, cảnh quan bền vững và đa dạng sinh học; đồng thời, hỗ trợ sinh kế, giảm thiểu sự tổn thất về đa dạng sinh học rừng. 

Dự án hướng tới 3 mục tiêu chính: Tăng cường áp dụng các biện pháp sử dụng đất phát thải thấp, tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học và tăng cường khả năng ứng phó biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương, giúp cải thiện sinh kế cho hơn 8.000 người hưởng lợi trực tiếp từ Dự án và nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu cho 10.000 người; Giảm phát thải khí nhà kính ít nhất là 800.000 tấn CO2; Nâng cao năng lực quản lý rừng cho các cơ quan quản lý, phục hồi ít nhất 160.000 ha rừng, đồng thời tuân thủ đầy đủ các qui định về bảo vệ môi trường dọc theo các hành lang đa dạng sinh học.

 Tại buổi khởi động dự án: “Quyết tâm bảo tồn và đa dạng sinh học nhằm tăng trưởng kinh tế bao trùm, thích ứng và bền vững là một phần quan trọng trong cam kết Hoa Kỳ với Việt Nam”

Trong khuôn khổ thực hiện dự án, Đơn vị thực hiện Dự án Trường Sơn Xanh do USAID tài trợ phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Kiến thức bản địa và Phát triển (CIRD) có kế hoạch khởi động gói công việc “Hỗ trợ thực hiện kế hoạch kinh doanh lâm sản ngoài gỗ và phổ biến quy chế mới về quản lý rừng cộng đồng”.

Mục đích của dự án này còn giúp cải thiện thu nhập cho 10.114 người (2.430 hộ) thuộc 11 nhóm quản lý rừng cộng đồng (QLRCĐ) và tăng cường liên kết các khu vực sinh sống và quản lý 3.708,6 ha rừng dọc theo các hành lang đa dạng sinh học ở tỉnh Thừa Thiên Huế. Góp phần bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng tự nhiên, duy trì và phát triển tài nguyên rừng theo hướng bền vững.

Dự án được thực hiện từ 22/11/2019 đến 30/9/2019, ở các xã: Phong Xuân và Phong Mỹ (huyện Phong Điền); xã Lộc Thủy, Lộc Tiến và Lộc Vĩnh (huyện Phú Lộc); xã Thượng Quảng (huyện Nam Đông). Người dân ở đây sẽ được trồng mây nước và ba kích.

Từ thực tế, phần lớn đất rừng của các nhóm quản lý rừng cộng đồng được phân bố dọc theo những hành lang đa dạng sinh học. Những hành lang này đang bị phân mảnh và thoái hóa, tạo ra rất ít nguồn tài nguyên thiên nhiên. Thế nhưng, những cộng đồng không đủ năng lực và ngân sách để quản lý và bảo về rừng.

Vì vậy, khi “Dự án Trường Sơn Xanh” được thực hiện sẽ cải thiện việc quản lý rừng, đảm bảo chia sẻ lợi ích cộng đồng; thực hiện các chức năng sinh thái dọc các hành lang đa dạng sinh học. Ngoài ra, việc trồng mây và ba kích cũng sẽ giúp người dân địa phương cải thiện sinh kế, có thêm nguồn thu nhập.

 Việc phát triển mây, ba kích từ dự án sẽ giúp người dân được hưởng lợi, đồng thời sẽ giảm thiểu biến đổi khí hậu

Gói “Hỗ trợ thực hiện kế hoạch kinh doanh lâm sản ngoài gỗ và phổ biến quy chế mới về quản lý rừng cộng đồng” tại tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ được Trung tâm Nghiên cứu Kiến thức Bản địa và Phát triển (CIRD) thực hiện.

Dự án này sẽ hỗ trợ các cộng đồng trồng và chăm sóc 89.8 ha Mây nước với 161.640 cây và 30 ha Ba kích tím với 72.000 cây; hỗ trợ kỹ thuật giúp quản lý Mây nước và Ba kích bền vững và ký kết các hợp đồng thương mại nhằm đảm bảo giá thị trường cạnh tranh cho các cộng đồng QLRCĐ.

Ông Trần Lập (65 tuổi, trưởng BQL rừng cộng đồng ở thôn Lưu Hiền Hòa, xã Phong Mỹ) cho biết:  “Chúng tôi được dự án hỗ trợ trồng và chăm sóc 10 ha trồng cây Ba kích với 60 hộ gia đình cộng đồng tham gia. Từ giống, kỷ thuật, công cũng như đầu ra sản phẩm đều được hỗ trợ. Dự án vừa tạo công ăn việc làm cho dân địa phương, khu vực rừng cũng sẽ được bảo vệ, quản lý tốt, về lâu về dài người dân tăng thêm nguồn thu nhập nên ai nấy đều phấn khởi”.

Ông Trần Lập phát biểu tại hội nghị khởi động dự án vào ngày 14/12

Vai trò của lâm sản ngoài gỗ (LSNG) đối với kinh tế địa phương

LSNG có một vai trò to lớn và gắn với đời sống của một bộ phận lớn người dân ở khu vực nông thôn, miền núi, đặc biệt là những người sống gần rừng, phụ thuộc vào rừng. LSNG cung cấp cho người dân những sản phẩm đa dạng phục vụ cho đời sống hàng ngày như: lương thực, thực phẩm, dược liệu, vật liệu xây dựng…; đồng thời cung cấp nguyên liệu cho một số ngành thủ công mỹ nghệ có giá trị kinh tế cao, đặc biệt một số loài LSNG được dùng để gia công, chế biến các sản phẩm mỹ nghệ cao cấp (như bàn, ghế, salon, tủ... bằng song mây), các sản phẩm này dần thay thế các sản phẩm khai thác từ gỗ rừng tự nhiên.

Đọc thêm