Hành khúc tháng Tám

Thật khó mà nghĩ rằng có một người Việt Nam nào trong thời đại chúng ta lại không biết hành khúc nổi tiếng “Mười Chín tháng Tám”, hay ít nhất một lần trong đời được nghe bài hát bừng bừng sôi động, cuốn hút đó.
Nhạc sĩ Xuân Oanh. Ảnh tư liệu

Nhạc sĩ Xuân Oanh. Ảnh tư liệu

Thật khó mà nghĩ rằng có một người Việt Nam nào trong thời đại chúng ta lại không biết hành khúc nổi tiếng “Mười Chín tháng Tám”, hay ít nhất một lần trong đời được nghe bài hát bừng bừng sôi động, cuốn hút đó.

Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày

Thề đem xương máu quyết lòng chiến đấu cho tương lai

Mười chín tháng Tám, khi quốc dân căm hờn kêu thét

Tiến lên cùng hô: Mau diệt tan hết quân thù chung

Mấy năm trước, nhạc sĩ Xuân Oanh, tác giả ca khúc cách mạng nổi tiếng ấy nhớ lại khoảnh khắc của hơn nửa thế kỷ đã trôi qua:

- Ấy là sáng 19 tháng 8 năm 1945, đoàn quần chúng lao động từ chợ Mơ - Trương Định kéo về Quảng trường Nhà hát Lớn, dự mít-tinh do Mặt trận Việt Minh tổ chức. Đoàn người đi dưới bóng cờ đỏ sao vàng. Vâng, chính ngọn cờ đỏ ấy như vẫy gọi, như thôi thúc người đi. Mỗi người như có ngọn lửa hừng hực trong lòng ngực. Ngọn lửa ấy càng đi như càng bùng lên. Bài hát đã ra đời trong ngọn lửa bùng lên ấy ngay trên đường phố. “Mười chín tháng Tám, khi quốc dân căm hờn kêu thét...”.

Lúc ấy, người nhạc sĩ tuổi đã ngoài tám mươi, ngồi trầm ngâm trong căn phòng rộng chừng hơn mười mét vuông trên con phố nhỏ Quán Sứ, như nhớ lại tất cả, lắng nghe tất cả. Nào hay lịch sử đã đi qua hơn 60 năm rồi, mà cứ ngỡ như hồi nào... Ông bước đến chiếc đàn piano cũ kỹ, nước sơn đen ánh lên trong cái nắng xiên chiều chớm thu. Lặng lẽ ông ngồi đó, phía trước là khung cửa sổ ngả vàng. Tôi dõi theo từng ngón tay ông chuyển động trên phím trắng. Người ông bỗng rung lên theo tay nhấn. Hành khúc đã vào điệp khúc, dâng lên.

Người Việt Nam ta giữ vững trong tim lời thề

Mười chín tháng Tám chớ quên là ngày khởi nghĩa

Hạnh phúc sáng tô non sông Việt Nam..

- Tôi vừa đi trong đoàn biểu tình, âm hưởng cuộc cách mạng như dự cảm lớn một trang sử mới của dân tộc đang đến, không phải từng ngày, từng tháng mà từng bước đi. Nghĩ đến đâu tôi căng lồng ngực hát to lên đến đấy cùng bạn hữu, cùng khối quần chúng lao động dâng đầy trên con phố dài. Đoàn người càng đi về phía Bờ Hồ càng đông thêm mãi và nối dài ngỡ như bất tận. Lời bài hát như có sẵn trong lồng ngực, cứ vậy tuôn trào, kết lại tạo nên lớp lớp lời như đợt sóng dâng trào dâng. Đến gần Quảng trường thì bài hát cũng vào đoạn kết. Khi quần chúng Kẻ Mơ hòa vào biển người từ nhiều hướng đổ về quảng trường thì bài hát đã vang lên như thể hành khúc cách mạng ấy đã có tự bao giờ.

Khí thế Cách mạng Tháng Tám 1945 tại Hà Nội. (ảnh tư liệu)

Khí thế Cách mạng Tháng Tám 1945 tại Hà Nội. (ảnh tư liệu)

Nhạc sĩ Xuân Oanh ngày đó mới 22 tuổi. Dáng người nhỏ bé, trắng trẻo, trông thư sinh như một sinh viên trường Thuốc hay trường Luật, nhưng không. Ông là một người thợ khâu giày.

Tên đầy đủ của ông là Đỗ Xuân Oanh, quê ở Quảng Ninh. Ông sinh ra trong một gia đình nho học. Nhà nghèo, ông sớm rời quê kiếm sống. Thoạt đầu ông đến Hải Phòng rồi lần hồi theo bước mưu sinh ông ngược lên Hà Nội. Nhưng ông là người sớm tơ vương với nghệ thuật. Ông đam mê âm nhạc, hội họa, thơ ca, văn học... Ông là người đa tài. Bằng con đường đam mê và bền bỉ học, ông am hiểu nhiều ngoại ngữ, thành thạo tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nga, Trung Quốc. Nhớ lại trong những chương trình phát thanh đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam thuở chính quyền Cách mạng còn trong trứng nước, ông là một trong rất ít người đọc trực tiếp tiếng Anh trên sóng phát thanh, truyền đi khắp thế giới những tin tức nóng hổi của cuộc Cách mạng Tháng Tám, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Khi còn công tác, ông có trên 40 năm hoạt động trong ngành ngoại giao. Ông đã từng đảm nhiệm chức Tổng Thư ký, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia trên thế giới. Nghỉ hưu, ông có nhiều thời gian suy ngẫm, nhớ lại. Ông muốn truyền lại niềm đam mê theo đuổi ông từ thuở thanh niên. Ấy là truyền bá văn hóa, những tinh hoa văn học của nhiều dân tộc cho thế hệ trẻ. Ông đã dịch nhiều tác phẩm nổi tiếng, trong đó có thể kể đến tiểu thuyết “Hai số phận” (của Jeffrey Archer), “Trần trụi giữa bầy sói” (của Bruno Apitz ), “Chuyện phiêu lưu của Hấc Phin” (của Mark Twain ), v.v...

Một mùa Thu nữa lại đang đến. Quảng trường Nhà hát Lớn nay được mang tên là Quảng trường Cách mạng Tháng Tám rợp bóng cờ và nắng thu. Người nhạc sĩ tài hoa ấy đã không còn nữa. Những cụm mây trắng tinh khôi bay nhẹ trên nền trời xanh thắm. Các thế hệ người Việt Nam vẫn đi trong hành khúc sôi động một thời, “Mười chín tháng Tám chớ quên là ngày khởi nghĩa”... giữ ấm ngọn lửa trong lồng ngực mỗi người Việt Nam.

Đoàn Từ Diễn

Đọc thêm