Hành lang pháp lý cho nghệ thuật biểu diễn

(PLVN) -  Trong đời sống văn hóa xã hội, một trong những lĩnh vực hoạt động phổ biến và có ảnh hưởng mạnh mẽ tới tư tưởng, tình cảm, nhận thức của nhiều cá nhân là hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Trong bối cảnh hội nhập và tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, vấn đề xây dựng hành lang pháp lý đối với lĩnh vực này lại càng quan trọng.
Các nghệ sĩ tham gia vở Bến không chồng. (Ảnh NHKVN)

“Đem chuông đi đánh xứ người”

Thời gian gần đây, nghệ thuật biểu diễn của Việt Nam đã có nhiều nỗ lực và thành công, qua đó góp phần giới thiệu văn hóa Việt ra thế giới. Tháng 11/2022, các nghệ sĩ của Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã giành liên tiếp 2 giải thưởng cao quý, đó là tiết mục Đu son được trao giải Vàng tại Liên hoan quốc tế Công chúa xiếc (Saratov, Liên Bang Nga) và tiết mục Đế kiếm đu dây lụa được trao giải Ngựa đồng tại Liên hoan Xiếc quốc tế Không biên giới (Sankt-Peterburg, Liên bang Nga).

Điều đáng nói là mỗi năm thế giới có khoảng 4 - 5 cuộc thi xiếc lớn được tổ chức với sự tham dự của từ 18 đến hơn 20 quốc gia. Các nước dự thi phải gửi tiết mục dưới dạng video để Ban Giám khảo lựa chọn. Tham gia liên hoan xiếc quốc tế, nghệ sĩ biểu diễn tất cả các quốc gia đều đạt tới trình độ đẳng cấp kỹ thuật, nhưng các nghệ sĩ xiếc Việt Nam đã có nhiều sáng tạo để tạo nên những dấu ấn riêng biệt, từ việc khai thác khía cạnh văn hóa truyền thống như trang phục, âm nhạc để tạo hiệu quả riêng biệt.

Hay nói như Nghệ sĩ Nhân dân Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam: “Trong các cuộc thi quốc tế, Ban Giám khảo thường chú trọng tính truyền thống, văn hóa, lan tỏa được tinh thần giao lưu hữu nghị giữa các quốc gia. Sự khác biệt trong sáng tạo đạo cụ, nội dung biểu diễn đậm bản sắc dân tộc sẽ được Hội đồng Giám khảo đánh giá cao. Đây là một trong những bí quyết thành công của các tiết mục xiếc Việt Nam tại các cuộc thi xiếc quốc tế”.

Ở lĩnh vực kịch nói, cụm từ “kịch Việt Nam xuất ngoại” đã không còn xa lạ. Nhà hát Kịch Việt Nam, hướng tới kỷ niệm 70 năm thành lập Nhà hát Kịch Việt Nam và 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc, Nhà hát và Hiệp hội Các nhà sản xuất chương trình biểu diễn Hàn Quốc (KAPAP) đã phối hợp dàn dựng vở diễn “Bến không chồng”.

Theo Nghệ sĩ Ưu tú Xuân Bắc - Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, kịch bản sân khấu vở “Bến không chồng” là bước đầu của dự án hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong việc dàn dựng một tác phẩm nghệ thuật, cũng là thể hiện tình hữu nghị giữa hai quốc gia, không chỉ gần về khoảng cách địa lý, mà còn có sự gắn bó thân thiết, có nhiều nét tương đồng về văn hóa.

“Bến không chồng” là dự án rất đặc biệt và cũng là lần đầu tiên Nhà hát Kịch Việt Nam được tiếp cận với quy trình sản xuất một chương trình sân khấu của Hàn Quốc. Hiện dự án mới đang trong giai đoạn 1, nếu nhận được sự ủng hộ thì sẽ tiếp tục thực hiện các giai đoạn tiếp theo. Theo kế hoạch, đến ngày 12 - 13/11/2022, đoàn sẽ có những show diễn đầu tiên của “Bến không chồng” tại Hàn Quốc.

Trước đó, vào cuối tháng 9/2022, Nhà hát Kịch Việt Nam cũng nhận lời mời từ Tập đoàn Pacific Ocean Partners và Trường Đại học Australian Institute of Music - ngôi trường giảng dạy về nghệ thuật lâu đời tại Australia, xây dựng dự án nhạc kịch nổi tiếng thế giới "Alice ở xứ sở diệu kỳ" (Alice in Wonderland) cho giới trẻ Việt Nam…

“Bên cạnh việc dàn dựng những tác phẩm sân khấu có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, chuyển tải nội dung, thông điệp cũng như đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, Nhà hát Kịch Việt Nam còn có vai trò, vị trí rất lớn trong việc quảng bá văn hóa cũng như giao lưu hợp tác quốc tế. Chính vì thế, Nhà hát luôn nỗ lực phối hợp với các đơn vị quốc tế để thực hiện các tác phẩm sân khấu có chất lượng, góp phần lan tỏa, giới thiệu với bạn bè năm châu về văn hóa Việt Nam” - Nghệ sĩ Ưu tú Xuân Bắc cho hay.

Tháng 9/2023, vở nhạc kịch (opera) mang tên “Công nữ Anio” sẽ được công diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội nhân kỉ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (1973 – 2023). Vở kịch kể về câu chuyện tình yêu giữa nàng công nữ Việt Nam mang tên Ngọc Hoa (được người dân Nhật đặt tên Anio) và chàng thương nhân Nhật Bản mang tên Araki Sotaro vào cuối thế kỉ 16 được lưu truyền ở hai quốc gia.

Đây là dự án âm nhạc được Bộ Ngoại giao Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL), Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và các cơ quan ngoại giao 2 nước Việt Nam - Nhật Bản bảo trợ nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản và thúc đẩy mối quan hệ giao lưu, hữu nghị Việt - Nhật, góp phần phát triển nền văn hóa âm nhạc của hai quốc gia. Vở diễn được những nghệ sĩ tên tuổi của Việt Nam và Nhật Bản dàn dựng và biểu diễn.

Ông Trịnh Tùng Linh - Giám đốc Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam cho biết: “Ngoài buổi biểu diễn ở Việt Nam vào tháng 9/2023 thì chúng tôi cũng chuẩn bị biểu diễn vở này tại Nhật Bản. Tuy nhiên, để cho vở diễn thành công ở Hà Nội, chúng tôi đã gần như hoàn thành kịch bản, âm nhạc. Cả ê kíp đang rất nỗ lực để vở diễn thành công ở cả hai nước, mang lại những cảm xúc mới cho khán giả, góp phần vào mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản”.

Ảnh minh họa

Mang thương hiệu văn hóa của quốc gia

Đó là mong mỏi không chỉ của riêng giới nghệ sĩ, mà còn quyết tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân để nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc nói chung và nghệ thuật sân khấu, biểu diễn nói riêng có thể vươn xa trên toàn cầu, “định vị” vững vàng trên bản đồ văn hóa thế giới.

Nêu quan điểm về vấn đề này, PGS, TS Trần Trí Trắc, nhà nghiên cứu, lý luận và phê bình sân khấu cho biết: “Có thể nói, suốt chặng đường lịch sử hình thành và phát triển, các nghệ sĩ sân khấu Việt Nam là những chiến sĩ, đã đem tâm huyết, trách nhiệm cao cả của mình để xây dựng nghệ thuật sân khấu cách mạng Việt Nam. Những sáng tạo của họ rất phong phú về đề tài, đa dạng về chủ đề và sinh động về thể tài. Dù là lịch sử, dã sử, huyền thoại hay hiện đại hoặc nước ngoài; dù là bi kịch, hài kịch hay chính kịch, tuồng, chèo, cải lương, kịch nói, kịch dân ca... thì đều là tâm huyết với nội dung anh hùng ca, thể hiện những hình tượng cao đẹp biết đứng lên bằng đôi chân của mình để làm chủ bản thân, làm chủ xã hội, vượt qua mọi thử thách của hoàn cảnh để xây dựng nên một hệ giá trị Việt Nam”.

Có thể nói, sự tác động của bối cảnh hội nhập toàn cầu, của khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, của quá trình giao lưu văn hóa đã đưa nghệ thuật biểu diễn không chỉ trở thành sản phẩm tinh thần đáp ứng nhu cầu của quần chúng trong nước mà còn trở thành một bộ phận của kinh tế thị trường phát triển năng động, sáng tạo. Phát triển nghệ thuật biểu diễn đi đúng hướng dân tộc, khoa học, đại chúng, phù hợp với bối cảnh thực tế của xu hướng phát triển chắc chắn không thể thiếu vai trò then chốt của quản lý Nhà nước.

Chính vì thế, vấn đề về pháp luật đối với lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn luôn được lãnh đạo Bộ VH,TT&DL quan tâm nhằm tạo hành lang pháp lý tốt nhất để nghệ thuật biểu diễn phát triển, phục vụ nhu cầu giải trí của con người.

Mới đây, tại Hội thảo thực trạng và giải pháp hoàn thiện pháp luật về văn hóa trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư do Bộ VH,TT&DL tổ chức, ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ VH,TT&DL cho biết, quản lý Nhà nước về hoạt động nghệ thuật biểu diễn là quản lý hành vi. Theo đó, hoạt động nghệ thuật biểu diễn phải liệt kê được những hình thức điển hình để kiểm soát, kiểm duyệt trước khi được truyền đạt đến công chúng.

Tuy nhiên theo ông Trần Hướng Dương, qua thời gian triển khai thực hiện, công tác quản lý Nhà nước hoạt động nghệ thuật biểu diễn theo hình thức tiền kiểm bộc lộ một số vấn đề hạn chế, chưa phù hợp với thực tiễn, đòi hỏi phải có sửa đổi, bổ sung kịp thời ở góc độ các văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, Nghị định 144/2020/NĐ-CP đã ra đời trên cơ sở kế thừa những quy định còn phù hợp của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 5/10/2012 và Nghị định số 15/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 79, để bảo đảm sự thống nhất trong công tác quản lý Nhà nước; tạo thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình áp dụng, thực thi pháp luật.

Nghị định này tháo nhiều "nút thắt" cho hoạt động nghệ thuật biểu diễn lâu nay. Cụ thể như cắt giảm 6/10 thủ tục hành chính, bao gồm cấp giấy phép cho người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài biểu diễn nghệ thuật tại Việt Nam, cá nhân, tổ chức Việt Nam ra nước ngoài biểu diễn, giấy phép tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu thuộc thẩm quyền của Bộ VH,TT&DL, phê duyệt nội dung bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu và giấy phép phổ biến âm nhạc, sân khấu…

Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH,TT&DL) Trần Hướng Dương cho rằng, hành lang pháp lý cho hoạt động biểu diễn nghệ thuật dần được hoàn thiện phù hợp với đời sống thực tiễn. Bằng chứng là Nghị định 144/2020/NĐ-CP góp phần hoàn thiện và tạo sự thống nhất, xây dựng hành lang pháp lý cho hoạt động thương mại, đầu tư kinh doanh, đồng thời mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường nghệ thuật biểu diễn, tiến tới hội nhập nền thương mại toàn cầu.

Đọc thêm