Khuôn mặt khắc khổ, “già đau già đớn”, đôi mắt lúc ánh lên hy vọng, lúc cụp xuống buồn đau, chẳng ai cho đó là một người đàn ông đẹp. Không có lợi thế về ngoại hình, bản thân Công Ninh đã biến sự góc cạnh, khắc khổ của mình thành lợi thế về cá tính, tạo ấn tượng cho từng vai diễn. Cũng với gương mặt ấy, thậm chí “dữ tướng”, nhưng Công Ninh lại để dấu ấn qua những vai chính diện. Chiếc chìa khoá thành công từ những điều ngược quy luật ấy chính là cách khai thác sâu nội tâm nhân vật.
Những vai diễn để đời
Có lẽ đến suốt cuộc đời, Công Ninh không bao giờ quên được vai Tấn - một chiến sĩ giải phóng (trong bộ phim nhựa “Ai xuôi vạn lý”) với hành trình gian nan đưa hài cốt người đồng đội từ Nam ra Bắc khi đất nước vừa thống nhất. Đó là vai diễn đầu tiên trong điện ảnh, cũng lại là vai lớn mang lại dấu ấn về nghề diễn viên của Công Ninh.
Diễn xuất mộc mạc, chân thật, hướng vào chiều sâu nội tâm của Công Ninh đã tạo nên một anh Tấn điềm tĩnh, chịu đựng, gan lì, sẵn sàng đương đầu với mọi tình huống éo le, khiến người xem xúc động. Với nhân vật Tấn, ngay lập tức anh đã đạt được thành công với giải Nam diễn viên xuất sắc tại Liên hoan phim (LHP) lần thứ 12 năm 1999, góp phần vào thành tích chung của “Ai xuôi vạn lý” với nhiều giải quốc tế, trong đó có giải Khinh khí cầu bạc tại LHP Nantes (Pháp).
Sau thành công với “Ai xuôi vạn lý”, năm 1999, Công Ninh được đạo diễn Nguyễn Thanh Vân mời vào vai Huy “Cụt” trong “Đời cát”. Huy “Cụt” là người đàn ông thương yêu tha thiết bà Thoa (Mai Hoa đóng) suốt hơn 20 năm từ khi bà còn là cô du kích trẻ có chồng đi tập kết. Tình yêu đơn phương của Huy âm ỉ cháy không gì dập tắt nổi.
Thoa lảng tránh Huy, nhưng Hảo (Trần Thị Bé đóng) - người đàn bà bị chiến tranh cướp đi đôi chân - lại khao khát Huy để tìm một “nửa kia” của cuộc đời mình. Và Huy lại lảng tránh Hảo. Một cuộc rượt đuổi quay vòng kiểu đèn cù.
Diễn xuất sâu lắng toát ra từ ánh mắt, từ mỗi bước đi và dáng đứng của Công Ninh có sức khứa vào lòng người xem nỗi đau trước bi kịch chiến tranh và những éo le cuộc đời. “Đời cát” thành công lớn: Giải Bông Sen Vàng tại LHP Việt Nam lần thứ 13 và Giải phim hay nhất tại LHP châu Á - Thái Bình Dương năm 2000. Trong thành công đó có phần đóng góp không nhỏ của Công Ninh.
Với “Mẹ con Đậu Đũa” của đạo diễn Trương Dũng thì Công Ninh như hớp hồn mấy cô, mấy bà khán giả, bởi quá tội nghiệp cho cảnh gà trống nuôi con. Phụ nữ vốn hay mủi lòng, thương cảm, có khi quên mất đây chỉ là... phim. Còn mấy ông, tuy không sụt sùi như mấy bà nhưng ngồi im thin thít là biết đang... nghẹn ngào.
|
Công Ninh thường gây ấn tượng đẹp với những vai chịu thương, chịu khó. |
Công Ninh bồi hồi: “Tôi nhận lời đóng phim này vì những ấn tượng rất tốt về thanh niên xung phong. Lúc giải phóng miền Nam, tôi mới 14 tuổi, lực lượng thanh niên xung phong đang sôi nổi xây dựng đất nước, hy sinh, tận tụy với đồng bào vùng sâu, tôi mê lắm. Nhân vật của tôi cũng là một anh thanh niên xung phong, vợ chết, để lại đứa con gái nhỏ. Lẽ ra anh được quyền trở về thành phố, nhưng anh đã ở lại núi rừng, sống với bà con”.
Năm ấy Công Ninh 32 tuổi, vừa đủ độ chín của một người đàn ông, mà vẫn còn trẻ khỏe để lăn lóc cùng những thước phim, cực còn hơn thanh niên xung phong. Vùng Bảo Lộc đồi tiếp nối đồi, chỉ cái việc đạp xe lên dốc thôi đã đủ “hành” Công Ninh thêm gầy, thêm khắc khổ; mà đạo diễn Trương Dũng cũng “ác” lắm, lựa chiếc xe đạp xộc xệch y chang kịch bản quy định. Xe cũ từ đời tám hoánh, dây sên cứ chạy một hồi là sút, chạy thêm hồi nữa thì tuột luôn cái pê-đan. Cho nên quay tới quay lui không biết bao nhiêu đoạn phim, tha hồ cho “anh gà trống” đạp xe toát mồ hôi.
Tới đoạn anh chàng chở con đi thi bé khỏe bé ngoan giữa đường bị hỏng xe thì chiếc xe hỏng thật, khỏi cần “chỉ đạo”. Mùa mưa Bảo Lộc đất đỏ dậy lên lầy lội, hai cha con dắt xe bì bõm trong mưa, trong sình. Chưa hết, tới cảnh hai cha con bị chiếc xe tải chạy ngang bắn sình lên mặt mới thật nguy hiểm. Tài xế phải canh làm sao cho bánh xe trúng ngay cục đá, từ đó sình mới văng lên được, chỉ cần trật một chút là coi chừng lật, trúng diễn viên.
Hai, ba... Một tảng bùn tung tóe, cô bé đóng vai con khóc thét lên vì sợ. Hú hồn! Khỏi quay lại lần nữa. Nhưng khổ nỗi, cô bé lại sợ thật, nên suốt một tuần đoàn phải tạm ngưng để dỗ, mời cả mẹ cô bé từ Sài Gòn lên dỗ tiếp. Dĩ nhiên “ông bố” Công Ninh suốt ngày bồng ẵm, chiều chuộng “con” mình.
Theo Công Ninh: “Lòng tự trọng của nghề quý lắm. Làm ẩu, đến khi anh em nhìn thấy họ cười cho. Tự trọng là như vậy, đã làm là phải nghiêm túc, chứ đợi đến khán giả biết mình ẩu là tiêu đời”.
Vì khó tính với chính mình nên Công Ninh không chấp nhận chuyện nhận bừa vai diễn. Phim nào có Công Ninh thì đạo diễn đều yên tâm vì anh rất nhạy bén với nhân vật. “Khán giả quen nhìn tôi với những vai khắc khổ, nhất là vai lính. Nhưng tôi lại thích vai diễn nhiều tính cách khác nhau, ngại lặp lại nên từ chối nhiều. Mình không là “sao” nhưng mình cố gắng đừng bị tắt dù là ánh sáng đèn” - anh chia sẻ.
Ai đòi hỏi nhiều sẽ khó tìm thấy hạnh phúc
Giới nghệ sĩ hầu như ai cũng biết Công Ninh từng có một tình yêu thật đẹp, kéo dài gần 10 năm với cô học trò cưng - diễn viên Ngọc Trinh. Thầy và trò, nể tài mến tính mà yêu nhau, nhưng cuối cùng tình yêu tan vỡ. Sau khi hai người chia tay, Ngọc Trinh đã kết hôn với chồng là người Hàn Quốc. Về lý do tan vỡ, Công Ninh nhận hết lỗi về mình: do anh hiểu lầm chị, do anh không khéo ứng xử, do anh đã quá vô tâm…
Công Ninh kể, từ lúc chia tay mối tình 12 năm với Ngọc Trinh, anh sống trong căn phòng bừa bộn nhất Sài Gòn, luôn trốn bạn không dám mời đến nhà thăm. Anh chạy xe ngoài đường từ 7h sáng, chạy show vài điểm quay, điểm tập, điểm diễn, điểm dạy, ăn uống toàn ở ngoài đường, đi làm ghé ăn luôn, khuya về đói bụng thì nấu mì tôm. Về nhà là đối diện với nỗi cô đơn thường trực trong mình.
Giữa lúc ấy, có một người con gái trẻ đẹp người, đẹp nết đã đến với Công Ninh bằng tất cả tấm chân tình. “Khi đó, tôi cho đó là một niềm an ủi lớn. Nhưng trong tôi vẫn mông lung một câu hỏi là tôi có thực sự mang lại hạnh phúc cho cô ấy không khi tuổi đời quá chênh lệch. Tôi sợ rằng rồi đây tôi sẽ làm khổ cô ấy, mà tôi thì sẽ càng đau khổ hơn nếu phải chứng kiến người phụ nữ của mình đau khổ”, anh tâm sự.
Người con gái đó là nữ diễn viên trẻ Tuyết Vân, cô là người buộc anh phải chấm dứt đời sống độc thân và lên xe hoa vào tháng 4 năm 2012. Cuộc tình của Công Ninh và Tuyết Vân dù kín như bưng cho đến khi đám cưới diễn ra vẫn vấp phải những lời thêu dệt, đồn thổi. Mọi người nói rằng anh chạy trốn quá khứ bằng một đám cưới với người con gái chưa bao giờ công bố.
Anh thẳng thắn: “Thực ra, trước đây tôi với Trinh vẫn chưa chính thức là vợ chồng, chưa có một đám cưới hỏi gì, cuộc sống của tôi vẫn độc thân và chưa có gì vững chắc. Sau cuộc chia tay ấy, tôi nghĩ sẽ sống độc thân vì không muốn lặp lại lần thứ 2. Cuối cùng tôi thấy con người ta không sống trái với quy luật được, nam phải có nữ, rồi thành vợ chồng, sinh con đẻ cái…
Đối với tôi, khi tiến đến làm người bạn đời thì không bao giờ mình nghĩ đến chuyện li dị nên phải có suy nghĩ nhất định để chọn lựa. Tôi thích thẩm mỹ của Vân vì nó gần giống mình. Tôi để ý cô ấy cách ăn mặc, thấy cũng hợp mình: không se sua, không mốt, không lạc hậu cũng không bốc đồng, một cái gì đó rất dung dị. Ở góc độ nào đó, tôi thấy Vân hợp nên tiến đến hôn nhân”.
Hỏi anh, chị có bao giờ ghen với quá khứ không? Công Ninh thật thà: “Ngày trước nếu nói không thì còn do dự nhưng bây giờ thì chắc chắn là không rồi. Bản thân tôi cũng không phải là người lăng nhăng nên cô ấy hoàn toàn yên tâm. Vân tin tưởng tôi tuyệt đối. Tin cả Ngọc Trinh nữa. Giờ quan trọng là sống tốt với nhau”.
Hàng ngày, Công Ninh vẫn luôn dõi theo cuộc sống của Ngọc Trinh, nghe chuyện buồn của cô là anh lo lắng, quan tâm và tìm cách giúp đỡ. Hai gia đình giờ là bạn của nhau. Hạnh phúc như ngọn lửa, đùa giỡn với lửa không làm lửa tắt thì cũng... phỏng tay, Công Ninh thừa hiểu mình không bao giờ được phạm vào điều ấy.
Công Ninh bảo, tuy là người khô khan, khi thương ai đều để trong bụng, chăm sóc tình yêu cũng ngấm ngầm, nhưng đã yêu là anh sẽ yêu hết mình và hết mình gìn giữ hạnh phúc đó. Anh hơn Tuyết Vân 22 tuổi, khoảng cách ấy gần như thuộc hai thế hệ với những suy nghĩ, cảm xúc rất khác nhau. Có khi chỉ là những thứ nhỏ nhặt, cô ấy thích cái này còn anh thích cái kia, nhưng vì cái thích đó không quan trọng nên anh chiều vợ. Công Ninh luôn nghĩ mình là người lớn, mình phải biết nhịn.
“Cô ấy thấy tôi biết nhường thì cũng tự có ý thức nhịn lại thôi. Phải như vậy chúng tôi mới hòa hợp được, chứ không lấy nhau về được một ngày, hai buổi là... banh chành”, anh cười rổn rảng.
Công Ninh nhớ mãi một câu thoại mà anh tâm đắc trong bộ phim “Mẹ con Đậu Đũa”: “Hạnh phúc như một cỗ máy, càng đơn giản càng dễ sửa chữa, càng phức tạp thì càng khó sửa”. Người ta mơ xe đẹp, xe sang, xe xịn, còn Công Ninh chỉ cần một chiếc xe honda không chết máy, hình thức không quá bê bết là hạnh phúc rồi. Nghĩa là, hạnh phúc hay không tùy quan niệm của mỗi người. Ai đòi hỏi nhiều sẽ khó tìm thấy hạnh phúc. Ai biết nắm lấy từng khoảnh khắc sống, từng niềm vui thì hạnh phúc luôn cận kề.