Hạnh phúc trong mắt người trẻ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hạnh phúc là đích đến của hầu hết mọi người trên thế giới này. Trong thời đại nào cũng vậy, niềm vui, hạnh phúc của con người có lẽ là được yêu thương, bao bọc, che chở lẫn nhau. Người trẻ ngày nay cũng như vậy, dù thời đại có thay đổi, nhưng cốt lõi của hai chữ “hạnh phúc” vẫn là tình thương yêu chân thành và lòng vị tha.
Hạnh phúc dù ở thời đại nào cũng gắn bó với tình thương yêu và lòng vị tha. (Nguồn: Thành Đoàn TP HCM).
Hạnh phúc dù ở thời đại nào cũng gắn bó với tình thương yêu và lòng vị tha. (Nguồn: Thành Đoàn TP HCM).

Hạnh phúc là sự sẻ chia, đồng cảm

Thế kỷ XXI, người trẻ trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang được thụ hưởng thành quả về công nghệ, khoa học, kỹ thuật từ thế hệ đi trước. Đây vừa là thuận lợi, vừa là thách thức cho những thanh, thiếu niên. Vì một thời đại phát triển tạo ra cuộc sống đầy đủ về vật chất, ngược lại đòi hỏi người trẻ luôn phấn đấu, nỗ lực hết mình để đóng góp những giá trị tốt đẹp cho xã hội.

Người xưa đã có câu: “Nhân chi sơ, tính bản thiện”, để nói rằng trong con người luôn ẩn giấu hạt giống thiện lành, chỉ cần được chăm bón, vun trồng sẽ kết thành trái ngọt. Chủ đề Ngày Quốc tế Hạnh phúc năm 2024: “Hạnh phúc dành cho tất cả mọi người”. Với chủ đề này, cả thế giới, đặc biệt những người trẻ đang biểu thị mong muốn, niềm tin và quyết tâm phấn đấu vì một thế giới hòa bình, không có chiến tranh, không còn đói nghèo; một thế giới thịnh vượng và bền vững; một thế giới mà tất cả mọi người dù khác màu da, dân tộc, tôn giáo đều được hưởng trọn vẹn niềm hạnh phúc.

Ở thời hiện tại, thế hệ trẻ nhận thức rất rõ hạnh phúc là để dành cho tất cả mọi người. Trong những năm gần đây, số lượng người thuộc thế hệ 9x, 10x tham gia tình nguyện ngày càng nhiều, họ ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước, có mặt ở mọi quốc gia. Theo thông tin được Chương trình Tình nguyện Liên hợp quốc (UN Volunteers - UNV) công bố tại Liên hoan các câu lạc bộ, đội, nhóm tình nguyện toàn quốc lần thứ nhất, do T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và T.Ư Hội LHTN Việt Nam phối hợp tổ chức cho biết có khoảng 1 tỷ người đang làm các công tác tình nguyện trên toàn thế giới, trong đó có rất nhiều người thuộc thế hệ trẻ.

Tại Việt Nam, thanh niên tình nguyện là phong trào chủ lực của Đoàn ở các cấp, đã cổ vũ và phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của người trẻ. Trong mỗi trường đại học, cơ quan, tổ chức ở Việt Nam, công tác Đoàn và phong trào thanh niên đã và đang đóng góp những giá trị tốt đẹp trong xã hội. Các cấp bộ Đoàn tập trung tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; đời sống văn hóa ở nông thôn, bài trừ các hủ tục. Đồng thời các cấp Đoàn đã tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, xây dựng và sửa chữa các nhà văn hóa, xây dựng sân chơi cho thiếu nhi, sửa chữa và làm đẹp các công trình, di tích lịch sử, văn hóa của địa phương.

Ngoài ra, các hội thanh niên xung kích, thanh niên tình nguyện đã nhiệt tình tham gia các chiến dịch bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu,... Tình nguyện bảo đảm an sinh xã hội được tổ chức Đoàn thực hiện hiệu quả với các chương trình, hoạt động đa dạng, phong phú gắn với nhu cầu của đời sống xã hội. Vai trò của Đoàn các cấp được khẳng định rõ nét trong việc tham gia giải quyết các vấn đề bức xúc, vấn đề mới phát sinh, các hoạt động an sinh xã hội, tham gia phát triển cộng đồng, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn, thanh niên yếu thế, dễ bị tổn thương.

Ngoài các hoạt động của các đoàn thể, tổ chức, cũng có cá nhân đang ngày đêm cống hiến cho xã hội, lan tỏa tình yêu thương, niềm hạnh phúc cho những mảnh đời bất hạnh. Đơn cử như Quang Linh Vlogs, chàng trai xứ Nghệ đã dành cả thanh xuân để giúp đỡ, hỗ trợ người dân Angola (châu Phi) với mong muốn giúp cho người dân nơi đây bớt đói nghèo, khổ cực. Ban đầu, anh sang châu Phi để xuất khẩu lao động, nhưng sau khi chứng kiến cuộc sống của bà con nơi đây, anh dành tình cảm cho mảnh đất này. Những video anh chia sẻ trên mạng nhận được rất nhiều sự quan tâm, chú ý của mọi người. Những nội dung ý nghĩa, nhân văn trong video của Quang Linh đã giúp nhiều người trẻ Việt Nam yêu mến người dân châu Phi và sẵn sàng chung tay hỗ trợ họ. Hay như “kình ngư” Nguyễn Thị Ánh Viên, “cô gái vàng” trong làng bơi lội Việt Nam, cô không chỉ là một người có tài năng, mà còn có tấm lòng nhân hậu. Sau khi giải nghệ, Ánh Viên không hề nghỉ ngơi, mà tiếp tục mang khả năng của mình dạy bơi miễn phí cho trẻ em, hướng dẫn các em cách tránh khỏi đuối nước.

Chia sẻ, đồng cảm giúp người trẻ hạnh phúc hơn. (Ảnh: Tuấn Sang).

Chia sẻ, đồng cảm giúp người trẻ hạnh phúc hơn. (Ảnh: Tuấn Sang).

Tình cảm gia đình là “chìa khóa” mở cánh cửa hạnh phúc

Để có được một tấm lòng bao dung, cởi mở với tất cả mọi người, nền tảng quan trọng hun đúc, tạo dựng nên nhân cách một con người chính là gia đình. Ngày Quốc tế Hạnh phúc năm 2024 đang lan tỏa những thông điệp hướng đến việc giữ gìn hạnh phúc gia đình như: Gia đình hạnh phúc là nền tảng của quốc gia thịnh vượng; Hạnh phúc sẽ tỏa sáng trong gia đình không có bạo lực; Tôn trọng, lắng nghe và chia sẻ để giữ gìn hạnh phúc gia đình.

Ở Việt Nam, gia đình từ xưa đến nay vốn là một “mắt xích” quan trọng đối với mỗi cá nhân và cộng đồng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình”. Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc. Những giá trị truyền thống quý báu như lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù sáng tạo trong lao động, bất khuất, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách đã được gia đình Việt Nam giữ gìn, vun đắp và phát huy trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước.

Dù ở thời đại nào, gia đình vẫn luôn là điểm tựa tinh thần vững chắc cho mỗi người. Giới trẻ Việt Nam cũng như vậy, họ sống trong xã hội phát hội phát triển kéo theo những thay đổi về mối quan hệ trong gia đình. Nhưng đối với mỗi cá nhân, đặc biệt là thanh, thiếu niên Việt Nam, tình cảm gia đình ấm áp vẫn giống như một bến đò an toàn, vững chãi luôn sẵn sàng chờ đợi, ôm ấp, vỗ về những người con xa nhà.

Thực tế, nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh, một đứa trẻ được sinh ra trong gia đình hạnh phúc với những bậc phụ huynh tâm lý, khi lớn lên trẻ sẽ dễ dàng vượt qua khó khăn, thử thách hơn. Ngược lại, có không ít những người thất bại trong cuộc sống, xuất phát điểm từ một gia đình bất hạnh. Thật vậy, ở Việt Nam, có những minh chứng cụ thể như gia đình của thầy giáo Nguyễn Đình Hòe và cô Đặng Thị Ất ở Hà Tĩnh từng được nhiều người biết đến nhờ có cả sáu người đều là Tiến sĩ. Đây là một gia đình có truyền thống hiếu học, con cái trong nhà luôn được cha mẹ định hướng học tập, tu tâm, dưỡng tính từ bé. Ngay ở trong phường, xã, cụ Hòe và cụ Ất cũng là những người hiền hậu, tích cực tham gia công tác xã hội, giúp đỡ mọi người. Nhờ học được tấm gương của bố mẹ mà sáu người con của hai cụ đều có học thức cao và lối sống gương mẫu.

Xác định hạnh phúc là nhiệm vụ quan trọng, trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, hạnh phúc được nhận định là mục tiêu phấn đấu của toàn xã hội, là khát vọng phát triển của đất nước, chuẩn mực tối cao của gia đình Việt Nam. Đó là những chỉ dẫn quan trọng đối với quản trị quốc gia, đưa hạnh phúc trở thành một mục tiêu thực tế trong phát triển đất nước.

Gia đình là “chìa khóa” mở cánh cửa hạnh phúc. (Nguồn: Báo Bắc Kạn).

Gia đình là “chìa khóa” mở cánh cửa hạnh phúc. (Nguồn: Báo Bắc Kạn).

Đảng và Nhà nước đã nhấn mạnh tầm ảnh hưởng to lớn của gia đình, đó là “hạt nhân” để xây dựng nên nhân cách, tâm hồn cho mỗi người, góp phần kiến tạo nên một quốc gia thịnh vượng. Nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò, ý nghĩa của gia đình đối với mỗi con người và trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng trong xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, Đảng và Nhà nước đã có những hành động thiết thực để giúp người trẻ trân trọng và gắn kết gia đình. Lấy ví dụ như Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 72/2001 lấy ngày 28/6 hàng năm là Ngày Gia đình Việt Nam. Đặc biệt, mỗi năm các chương trình tuyên dương những gia đình trẻ như “Vầng trăng khuyết” biểu dương cặp vợ chồng khuyết tật nỗ lực, cố gắng vượt lên nghịch cảnh để đến với nhau (trong đó có cả những gia đình trẻ); đặc biệt, các hoạt động thường niên vinh danh, trao thưởng cho những gia đình trẻ tiêu biểu truyền cảm hứng, nghị lực cho giới trẻ Việt Nam.

Như năm 2022, đã có 21 gia đình trẻ hạnh phúc được trao tặng bằng khen, tuyên dương, năm 2023 con số gia đình trẻ được vinh danh là 15. Trong đó, có rất nhiều gia đình thuộc thế hệ 8x, 9x lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến với thanh, thiếu niên Việt Nam. Như câu chuyện của vợ chồng anh Lường Quang Đại, chị Lý Thị Xuân (ở Bắc Kạn). Chồng là người dân tộc Tày, vợ là dân tộc Dao, với họ hạnh phúc đơn giản là được cùng nhau lên nương, lên rẫy để vun đắp cho gia đình. Hai vợ chồng cùng nhau mày mò, học hỏi công nghệ thông tin để quảng bá hình ảnh, văn hóa và bán nông sản của địa phương nhằm cải thiện kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình. Hay vợ chồng MC truyền hình, TikToker nổi tiếng Bùi Đức Bảo - Bùi Phương Thảo (ở Hà Nội), dù công việc bận rộn nhưng vẫn luôn dành thời gian quan tâm, yêu thương, tôn trọng nhau.