Hành tinh lạ "đột nhập" dải Ngân Hà

Các nhà thiên văn học thế giới mới đây lên tiếng xác nhận việc phát hiện một hành tinh lạ, thuộc một thiên hà khác đã "đột nhập" vào dải Ngân Hà của chúng ta.

Các nhà thiên văn học thế giới mới đây lên tiếng xác nhận việc phát hiện một hành tinh lạ, thuộc một thiên hà khác đã "đột nhập" vào dải Ngân Hà của chúng ta. Hành tinh "ngoại bang" được đặt tên là HIP 13044b. Hãng thông tấn Fox News dẫn lời các nhà nghiên cứu cho biết, đây là hành tinh giống sao Mộc, di chuyển theo quỹ đạo quanh một ngôi sao vốn được sinh ra trong thiên hà khác nhưng sau đó bị dải Ngân Hà của chúng ta "bắt giữ" cách đây khoảng 6 - 9 tỉ năm. Một tác dụng phụ của việc "ăn thịt đồng loại trong thiên hà" là mang một hành tinh xa xôi lọt vào "tầm ngắm" của các nhà thiên văn học trên Trái đất.
Hành tinh lạ "đột nhập" dải Ngân Hà ảnh 1
"Điều này vô cùng thú vị. Chúng ta hiện không có khả năng quan sát trực tiếp các ngôi sao thuộc những thiên hà ngoại bang ... và xác thực chúng", Rainer Klement - chuyên gia thuộc Viện thiên văn học Max-Planck-Institut fur Astronomie (MPIA) ở Heidelberg, Đức và cũng là đồng tác giả nghiên cứu về hành tinh lạ HIP 13044b, cho biết. Ông Klement nói thêm rằng, các ngôi sao thuộc những thiên hà khác đang toạ lạc ở vị trí quá xa chúng ta nên việc tìm hiểu về chúng có thể là "nhiệm vụ bất khả thi". Giới chuyên môn đánh giá, khám phá mới về HIP 13044b cũng có thể buộc các nhà thiên văn học phải cân nhắc lại các ý kiến của họ về sự hình thành và sống sót của các hành tinh. Lí do là, HIP 13044b là hành tinh đầu tiên từng được phát hiện quay quanh một ngôi sao vừa "sống rất thọ", vừa vô cùng nghèo kim loại. Các ngôi sao nghèo kim loại điển hình thường thiếu những nguyên tố nặng hơn hydro và heli. Ông Klement và các cộng sự phát hiện thấy rằng, HIP 13044b đã sống sót qua giai đoạn ngôi sao mà nó quay quanh (sao mẹ) chuyển hoá, trương nở thành một ngôi sao khổng lồ, màu đỏ. (Mặt trời trong dải Ngân hà của chúng ta được dự đoán cũng sẽ bước vào quá trình chuyển hoá tương tự trong 5 tỉ năm tới). Vì vậy, nghiên cứu về hành tinh này cũng có thể cung cấp những manh mối về số phận Hệ Mặt trời của chúng ta. HIP 13044b đang nằm rất gần ngôi sao mẹ (ngôi sao này hiện đã thu nhỏ kích thước trở lại). Cứ 16,2 ngày (tính theo thời gian trên Trái đất), HIP 13044b hoàn thành một vòng quay quanh sao mẹ. Vào thời điểm tiếp cận gần nhất, nó chỉ cách sao mẹ khoảng 8 triệu kilomét, chỉ bằng 1/18 khoảng cách từ trái đất tới Mặt trời.
Theo Thanh Bình
VNN

Đọc thêm