Hành trang tối thiểu của hạnh phúc

 Ở nước ta, khám sức khoẻ trước hôn nhân vẫn còn là việc làm khá xa lạ với không ít đôi  trai gái và gia đình hai bên. Nhưng nhiều bác sỹ khuyên rằng, “hành trang” cần có, thậm chí là tối cần thiết  của một đám cưới, chính là kiểm tra sức khoẻ tiền hôn nhân.  

Ở nước ta, khám sức khoẻ trước hôn nhân vẫn còn là việc làm khá xa lạ với không ít đôi  trai gái và gia đình hai bên. Nhưng nhiều bác sỹ khuyên rằng, “hành trang” cần có, thậm chí là tối cần thiết  của một đám cưới, chính là kiểm tra sức khoẻ tiền hôn nhân.  

Việc nên làm vì tương lai con trẻ

Theo TS. – Bác sỹ Lê Vương Văn Vệ - Giám đốc Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội, thực tế cuộc sống, có không ít nam giới khi bước vào đời sống tình dục đều thiếu kiến thức, nên đã xảy ra những sự cố không đáng có. Khám sức khoẻ trước hôn nhân là việc rất nên làm, vì hiểu rõ tình trạng sức khoẻ của nhau, vợ chồng sẽ có cơ hội chăm sóc nhau tốt hơn.

Việc đi khám không những để đảm bảo “chứng chỉ vàng” cho cuộc sống hôn nhân trọn vẹn sau này, mà còn là cơ hội để chữa trị bệnh mà mình không biết trước khi kết hôn, tránh truyền nhiễm những bệnh như viên gan B, lây nhiễm HIV/AIDS, các bệnh di truyền… cho bạn đời và con cái – bác sỹ Vệ nhấn mạnh.

Riêng về câu chuyện trùng gen bố mẹ, thì việc khám sức khỏe trước hôn nhân lại càng cần thiết vì để có những đứa trẻ sinh ra khoẻ mạnh hay không phụ thuộc vào cấu trúc gene của bố mẹ, do vậy các cặp vợ chồng tương lai cần có tư vấn về di truyền. Tuy nguy hiểm nhưng các nhà khoa học cũng đã chứng minh rằng có tới 90% bệnh di truyền có thể phòng được nếu các cặp vợ chồng bớt chút thời gian đi kiểm tra sức khỏe.

Khám cũng cần đúng cách

Đó là lời khuyên của Bác sỹ Nguyễn Tiến Vững – Phó Viện trưởng Viện Pháp y quốc gia kiêm Trưởng Khoa Hóa pháp của Viện, dành cho các đôi nam nữ đang có sự nghi ngờ về “tiền sử” nghiện ngập, sử dụng ma túy của người yêu mình.

Ông Vững phân tích, đối với việc dùng ma túy, không chỉ có người nghiện như chúng ta vẫn thấy mà còn có cả nhóm người chỉ thi thoảng sử dụng, chứ không hề nghiện; mỗi loại ma túy lại có quá trình hấp thu, chuyển hóa rất khác nhau trong cơ thể người dùng nên đòi hỏi phải có cách khám nghiệm đúng, chuẩn mới xác định được.

Sở dĩ, bác sĩ Vững phải giải thích cặn kẽ như vậy vì theo ông cách thử phổ biến hiện nay là dùng que test qua nước tiểu rất dễ gây âm tính giả, dương tính giả hoặc bị lợi dụng để cho ra kết quả sai lệch.

Bác sỹ Nguyễn Tiến Vững cho biết, trong quá trình công tác của mình ông đã chứng kiến không ít gia đình hai bên hay các đôi yêu nhau “áp tải” con dâu, rể, chồng, vợ tương lai của mình đến xin thử ma túy. Và, kết quả thường là đáng buồn và ngoài mong muốn, dễ dẫn đến tương lai không mấy tươi đẹp của các cuộc hôn nhân.

Vì thế, không phải trường hợp nào cũng hợp tác (có trường hợp cô người yêu nhất quyết bảo vệ cho chồng tương lai của mình và làm khó dễ khi bác sĩ yêu cầu lấy mẫu thử với lý do đưa ra là “cháu sẽ cảm hóa được anh ấy” ) và khi đó nếu tại các cơ ở y tế thiếu thiết bị hoặc các bác sỹ thiếu lương tâm, cục diện câu chuyện đôi khi sẽ bị biến đổi hoàn toàn theo chiều hướng khác. Và, hậu quả về sau sẽ là khó lường cho những người trong cuộc…

Khám sức khỏe tâm thần – cũng quan trọng không kém

Hiện nay, khi các cặp đôi có tiến hành việc khám sức khỏe tiền hôn nhân thì họ cũng chủ yếu chỉ dừng lại ở giới hạn khám tổng quát, sinh sản mà bỏ qua sức khỏe tâm thần.

Bác sĩ Vũ Kim Hoàn – Phó phòng kế hoạch Bệnh viện tâm thần TP.HCM cho biết, hầu như bệnh viện chưa tiếp nhận một ca nào mà hai đối tượng là người Việt đến khám kiểm tra sức khỏe tâm thần trước khi kết hôn.

Trong khi đó, đây cũng là một khâu quan trọng không kém cho cuộc sống lứa đôi. Vụ người mẹ ném con từ xe buýt xuống ở TP.HCM khiến đứa trẻ bị chấn thương sọ não là hậu quả của hành vi tâm thần; nhưng chồng của người phụ nữ này nói rằng, khi yêu nhau anh không hề biết vợ mình từng bị tâm thần. Chỉ khi lấy nhau rồi bố vợ mới nói và trấn an rằng bệnh đã khỏi nhiều năm

Hoa Nam

Đọc thêm