Từ những bước chân đầu tiên của đoàn quân tiến vào tiếp quản thành phố, Hải Phòng trải qua 55 mùa hoa phượng đỏ. 55 năm với những tháng ngày chiến đấu oanh liệt và ngoan cường, những kế hoạch lao động, sản xuất miệt mài và những thành tựu rực rỡ đền đáp xứng đáng cho mồ hôi, xương máu mà nhân dân Hải Phòng đổ xuống mảnh đất này. Tất cả những cung bậc, trường đoạn ấy được dựng lại đầy sinh động qua nhiều hoạt động văn hóa chào đón mốc son chói lọi trong lịch sử thành phố.
|
Đông đảo học sinh thành phố đến xem gian trưng bày về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại bảo tàng thành phố. |
Trang sử hào hùng…
Với tên gọi “Đất và người Hải Phòng hướng về 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội”, triển lãm tài liệu địa chí Hải Phòng 2010 do Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố phối hợp cùng hệ thống thư viện các quận, huyện tổ chức cung cấp bức tranh toàn cảnh về quá trình xây dựng và phát triển của Hải Phòng trong suốt chiều dài lịch sử. Qua những tài liệu địa chí được triển lãm, những mốc son vàng trong suốt chiều dài xây dựng và phát triển thành phố được tái hiện một cách chân thực và sống động.
Sử dụng ngôn ngữ của hình ảnh, trưng bày “Hải Phòng - 55 năm xây dựng và phát triển” do Bảo tàng thành phố tổ chức và triển lãm tài liệu lưu trữ Hải Phòng (do Trung tâm lưu trữ thành phố tổ chức) góp phần tô đậm thêm hành trình 55 năm của thành phố, chặng đường lịch sử đầy gian lao nhưng vô cùng oanh liệt. Tại trưng bày “Hải Phòng – 55 năm xây dựng và phát triển”, các bức ảnh tư liệu được sắp xếp theo 5 giai đoạn từ những hình ảnh về ngày tiếp quản thành phố (13-5-1955), giai đoạn khôi phục, cải tạo và phát triển kinh tế (1955-1964), không khí sản xuất, chiến đấu và chi viện cho miền Nam (1965-1975) đến giai đoạn 10 năm đầu sau độc lập, khôi phục kinh tế, chuẩn bị bước vào thời kỳ đổi mới (1976-1986) và hình ảnh về Hải Phòng thời kỳ đổi mới (1986-2010).
Người xem dễ dàng mường tượng cả quá trình lịch sử nhiều sự kiện và biến động từ những ngày tưng bừng bộ đội ta tiến vào tiếp quản thành phố đến không khí sôi động, hào hứng của phong trào sóng Duyên Hải qua nụ cười rạng rỡ của người tổ trưởng Trương Thị Len, tổ đá nhỏ ca A - “con chim đầu đàn” miền Bắc trong phong trào thi đua xây dựng tổ đội lao động XHCN; hình ảnh người công nhân “vững tay búa, chắc tay súng”, người nông dân “tay cày, tay súng” hăng say lao động, kiên cường chiến đấu bảo vệ thành quả cách mạng và chi viện kịp thời cho chiến trường miền Nam khói lửa, hình ảnh cầu tàu K51 (Đồ Sơn) - “Cây số 0” khởi nguồn của những đoàn tàu không số trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại, những đoàn quân nô nức lên đường nhập ngũ vào Nam chiến đấu… Các bức ảnh cũng tái hiện sự thay da đổi thịt của thành phố trong những năm bước vào xây dựng CNXH và công cuộc đổi mới. Những khu công nghiệp, bến cảng, nhà ga, nhà máy hừng hực khí thế thi đua sản xuất, phát triển, cần trục QC, giây phút hạ thủy kho nổi FSO5, nhiệt điện hòa vào lưới điện quốc gia, hình ảnh nhà máy phân bón DAP tại khu công nghiệp Đình Vũ… là những nốt nhạc reo vui hòa chung vào bài ca phát triển của thành phố Cảng trẻ trung, căng tràn sức sống. Góp phần bổ sung cho những hình ảnh trong trưng bày của Bảo tàng thành phố, triển lãm các tài liệu lưu trữ (Trung tâm lưu trữ thành phố tổ chức) minh chứng rõ hơn về giai đoạn hào hùng của thành phố qua 14 văn bản tiếng Pháp xác định ngày thành lập thành phố, 5 bộ tài liệu về thành lập Ủy ban hành chính thành phố, 30 bộ hồ sơ tiếp quản, 24 bộ hồ sơ về quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển thành phố.
… và khúc ca đẫm hơi thở thành phố biển
Nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 55 năm giải phóng thành phố, cuộc thi sáng tác ca khúc về thành phố Hải Phòng 2010 chính thức khởi động từ tháng 11-2009. Với 131 tác phẩm dự thi của 62 tác giả, Ban tổ chức chọn ra 11 ca khúc tiêu biểu để trao giải. Trong lễ tổng kết và công bố kết quả cuộc vận động, một số ca khúc đoạt giải được công diễn ra mắt công chúng yêu nhạc thành phố biển như “Vươn khơi” (Đức Hoài), “Nơi ta nhớ về” (Sỹ Vịnh), “Ký ức phố biển” (Thế Vinh), “Hải Phòng hướng tới tương lai” (Nguyễn Minh Tuấn), “Hải Phòng khi xa” (Phạm Nguyễn)…
Tất cả ca khúc là tiếng lòng của tác giả hướng về phố biển thân thương bằng những cung bậc tình cảm thiết tha, trìu mến. Và dù là sâu lắng, nhẹ nhàng thiết tha hay khỏe khoắn và mạnh mẽ, các ca khúc đều đẫm hơi thở cuộc sống của mảnh đất nơi những con sông ùa về với biển. Hãy thử lắng nghe một Đức Hoài với những âm điệu ào ào, mạnh mẽ của động tác chèo thuyền, kéo lưới của người dân vùng biển Đồ Sơn “Ra khơi nào, buông lưới này, mặc sóng gào, nắng cháy da” rồi “Nắng vàng sóng biếc giục ra khơi, ngực trần ai đón gió biển. Thênh thang tàu ta cùng trời nước bao la…” Những lời ca hào sảng, đầy thi vị nhưng cũng rất mộc mạc như chính tâm hồn của những con người nơi đây. Hay như một Sỹ Vịnh với những lời ca nhẹ nhàng, da diết, giản dị, viết về những địa danh giản dị của “Nơi ta nhớ về”. Thành phố ấy, mảnh đất ấy giản dị lắm nhưng cũng mạnh mẽ lắm với sức trẻ và nhiệt huyết tràn đầy…
55 năm, một hành trình chưa thể gọi là dài với sự phát triển của một thành phố, một vùng đất. Nhưng với những người dân Hải Phòng, 55 năm qua là một chặng đường nhiều ý nghĩa. Và bất cứ ai khi nhìn lại chặng đường ấy dù là dưới ngôn ngữ của tranh ảnh, sách báo hay thi ca, nhạc, họa, đều không khỏi ngỡ ngàng trước sức vươn của thành phố. Để ngày hôm nay, Hải Phòng trẻ trung, tràn căng nhiệt huyết đang vươn mình đi tới tương lai…/.
Hồng Châm