Hành trình 70 năm và chuyển đổi số ngành Xuất bản

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  70 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngành Xuất bản Việt Nam đã không ngừng phát triển, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của đất nước.
Ngành Xuất bản là bộ phận quan trọng của nền văn hóa Việt Nam. (Ảnh minh họa)
Ngành Xuất bản là bộ phận quan trọng của nền văn hóa Việt Nam. (Ảnh minh họa)

70 năm gắn liền với sự nghiệp cách mạng

Ngày 10/10/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 122/SL thành lập Nhà in Quốc gia - cơ quan quản lý Nhà nước đầu tiên về xuất bản in và phát hành sách của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ đó, ngày 10/10 trở thành ngày truyền thống của ngành Xuất bản, In và Phát hành sách cách mạng Việt Nam.

70 năm qua, mỗi bước phát triển của ngành Xuất bản, In và Phát hành sách đều gắn với sự nghiệp cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược, giành độc lập, thống nhất non sông cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngành Xuất bản luôn hoàn thành tốt vai trò của mình, đóng góp xứng đáng vào thắng lợi và thành tựu chung của đất nước. Trong thời kỳ đổi mới, ngành đã đạt được những bước phát triển mạnh mẽ, vững chắc, thể hiện rõ vai trò xuất bản là lĩnh vực hoạt động tư tưởng sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân, là bộ phận quan trọng của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Từ các phong trào “Đọc và làm theo sách”, “Đọc sách có hướng dẫn”, đọc “Sách người tốt, việc tốt”... trong thời kỳ kháng chiến; ngành Xuất bản, In và Phát hành sách dần lớn mạnh trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ số... Từ 21 nhà xuất bản trước 1975, đến 1985 đã lên đến 40 nhà xuất bản, xuất bản được nhiều cuốn sách có giá trị, phục vụ kịp thời công tác chính trị, tư tưởng, văn hóa, giáo dục...

Thành tựu nổi bật của toàn ngành từ đổi mới đến nay là vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, có bước phát triển nhanh, thích ứng với cơ chế thị trường, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, phục vụ ngày càng có hiệu quả công tác tư tưởng - văn hóa; góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, phát triển kinh tế và văn hóa, nâng cao dân trí và đời sống tinh thần của nhân dân, đáp ứng và định hướng cho các nhu cầu ngày càng đa dạng về văn hóa đọc khi đất nước bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.

Giới thiệu ấn phẩm điện tử một số phiên bản sách.

Giới thiệu ấn phẩm điện tử một số phiên bản sách.

Cần có hành lang pháp lý đồng bộ

Hiện nay, nhiều nhà xuất bản đã và đang có những bước đi thích hợp tạo sự đổi mới căn bản hoạt động quản lý và hoạt động sản xuất hình thành mô hình, sản phẩm mới đáp ứng những thay đổi về nhu cầu, thói quen tiếp nhận, thụ hưởng thông tin của người dân trên nền tảng số. Lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm, phát hành xuất bản phẩm điện tử có bước tăng trưởng mạnh mẽ trong ba năm gần đây.

Nhiều loại hình xuất bản phẩm điện tử hiện đại được xuất bản, đặc biệt là việc áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào việc phát hành sách nói đã đem lại những hiệu quả ấn tượng. Số lượng doanh nghiệp phát hành xuất bản phẩm điện tử tiếp tục gia tăng về số lượng với sự hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp công nghệ tạo dựng diện mạo mới cho ngành xuất bản trên không gian số.

Mới đây, tại Tọa đàm “Chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành”, ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam đã chỉ ra những thách thức trong chuyển đổi số ngành sách như: việc thay đổi từ phương thức xuất bản truyền thống sang xuất bản điện tử của các đơn vị còn chậm; hình thức xuất bản điện tử chủ yếu mới chỉ dừng ở số hóa sách đã xuất bản; chưa có nhiều hình thức mới như sách audio, sách thực tế ảo, sách tương tác giữa bạn đọc, tác giả và nhà xuất bản…

Cục trưởng Nguyễn Nguyên nhận định, việc chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản là vấn đề đặt ra với không riêng ngành xuất bản mà cần sự chung tay của nhiều ngành. Đặc biệt là sự thay đổi trong nhận thức và hành động về chuyển đổi số. Theo ông Nguyên, sau đại dịch, xuất bản phẩm điện tử ở Việt Nam cũng đã có bước tăng trưởng mạnh mẽ cả về số lượng đầu sách cũng như doanh thu bán sách. Đặc biệt, Hội sách trực tuyến quốc gia và sàn giao dịch sách trực tuyến Book365.vn cũng như các trang thương mại điện tử đã đáp ứng nhu cầu của bạn đọc ở những nơi xa trung tâm, giúp họ tiếp cận nhiều đầu sách mới và tiết kiệm chi phí vận chuyển.

Ở góc độ khác, Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia Nguyễn Khắc Lịch cho rằng, cần có hành lang pháp lý đồng bộ để có thể chuyển đổi số toàn diện: “Chúng ta cần xây dựng hành lang pháp lý chung, sau đó có văn bản hướng dẫn cụ thể, chẳng hạn chuyển đổi số trong nội bộ đơn vị xuất bản, chuyển đổi số trong kinh doanh xuất bản phẩm để phát triển kinh tế số…”.

Còn ông Đinh Quang Hoàng - Giám đốc Công ty Cổ phần Sách điện tử Waka cho rằng, thách thức lớn đối với những người làm xuất bản điện tử hiện nay là vấn đề vi phạm bản quyền và chi phí đầu tư cho công nghệ để thực hiện chuyển đổi số. Theo đó, các đơn vị xuất bản cần đầu tư vào công nghệ để có những sản phẩm chất lượng vượt trội hơn so với những sản phẩm sao chép trên các trang web “lậu”. Đơn cử, sách điện tử có thể kèm theo hình ảnh, âm thanh. Các trang “lậu” chỉ có thể quét được nội dung (chữ) chứ không thể sao chép được các hiệu ứng như vậy”.

Trong Thư chúc mừng ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, “càng tự hào về truyền thống vẻ vang của ngành Xuất bản, In và Phát hành sách, chúng ta càng thấy hết vinh dự và trách nhiệm lớn lao của ngành trong thời kỳ mới. Đảng, Nhà nước và đông đảo bạn đọc tin tưởng và mong rằng, ngành Xuất bản, In và Phát hành sách tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, luôn luôn giữ vững định hướng chính trị, tư tưởng, bảo đảm hài hòa giữa nhiệm vụ chính trị và sản xuất kinh doanh, phục hồi và phát triển mạnh mẽ văn hóa đọc; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác xuất bản, in và phát hành sách có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng; chuyên môn, nghiệp vụ giỏi, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng, góp phần khẳng định vị thế, vai trò là một trong những hoạt động tư tưởng sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân; là một bộ phận quan trọng của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.