John Merson, một cựu binh Mỹ tại VN, tham gia Hội sách TP HCM lần 6 với cuốn Những bài học chiến tranh vừa ra mắt công chúng. Cuốn sách chứa những hồi ức, góc nhìn của một người chống chiến tranh, luôn day dứt và bị ám ảnh bởi quyết định sai lầm của mình.
“Chúng tôi đã bị lừa”
Ngay khi đặt chân tới VN vào năm 1966, tận mắt chứng kiến cảnh tượng tàn khốc mà lính Mỹ gây ra cho thường dân VN, John Merson biết mình phạm một sai lầm khủng khiếp. “Chúng tôi đã bị lừa bởi những gì mà người ta nói về cuộc chiến”, ông kể. Chính quyền Mỹ lúc đó vẽ ra cho những thanh niên bồng bột một khái niệm về chủ nghĩa anh hùng, đó là sự mạo hiểm của cá nhân để đóng góp cho sự nghiệp chung của quốc gia.
Hơn một năm tham chiến, đối mặt với cảnh càn quét, giết chóc, bom đạn, ông nhận ra rằng người chịu nhiều đau khổ nhất không phải là binh lính mà chính là thường dân. Họ không tham chiến, nhưng lại dễ bị tổn thương nhất vì không có gì phòng thân: không nón sắt, không áo chống đạn, không súng ống...
Ông John Merson và một gia đình ở Quảng Trị năm xưa. Ảnh nhân vật cung cấp |
Không thể công khai phản đối cuộc chiến, Merson nhiều lần ngầm giúp người dân bằng cách báo trước cho họ những điểm mà lính Mỹ sẽ càn quét để họ lánh đi. “Sau này đọc Nỗi buồn chiến tranh và Nhật ký Đặng Thùy Trâm, tôi càng hiểu hơn rằng người VN có lý do để chiến đấu. Họ chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc mình. Còn lính chúng tôi chiến đấu vì điều gì?”, ông nói.
Trở về từ chiến trường VN, John Merson phải đối diện với những đêm mất ngủ triền miên và những cơn ác mộng. Những lần không kiềm chế được cảm xúc, ông đập phá và tự gây tổn thương cho mình. Trong Những bài học chiến tranh, ông dành một chương để lý giải vì sao những cựu binh Mỹ thường phát điên sau tham chiến. “Chính phủ Mỹ có bồi thường cho các cựu binh bị tổn thất trong chiến tranh. Nhưng những thiệt hại về tinh thần thì làm sao có thể đo đếm được”, Merson nói. Ông phải mất mười mấy năm điều trị tâm lý để lấy lại trạng thái cân bằng. “Đến giờ tôi vẫn còn nghĩ về chiến tranh nhưng nó chỉ làm tôi buồn chứ không còn giận dữ nữa”, ông nói.
Nỗ lực chữa sai lầm
Sau nhiều năm tháng bị ám ảnh, Merson hiểu rằng cần nỗ lực sửa chữa lỗi lầm để bù đắp những thiệt hại mà cuộc chiến gây ra với nhân dân VN. Năm 1995, năm bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ, lần đầu tiên người cựu binh này quay trở lại chiến trường xưa, nơi ông từng được lệnh cầm súng hủy diệt cuộc sống ở Đại Lộc (Quảng Nam), Đông Hà (Quảng Trị), Đức Phổ (Quảng Ngãi)…
“Tôi cứ nghĩ rằng khi biết xuất thân của mình, người dân sẽ phải trút giận xuống đầu tôi. Nhưng họ đón nhận tôi một cách bình thản. Họ đề nghị tôi viết suy nghĩ vào cuốn sổ lưu niệm dành cho du khách đến thăm đài tưởng niệm chiến tranh. Và tôi đã nói xin lỗi họ”, ông nói. Kể từ đó, năm nào Merson cũng trở lại. “VN từ năm 1995 đến nay thay đổi chóng mặt. Nhưng tôi luôn tự hỏi khi nào cuộc chiến mới thực sự chấm dứt. Về lý thuyết thì nó kết thúc ngày 30/4/1975. Nhìn bề ngoài, mọi thứ dường như đã ổn định. Nhưng hậu quả cuộc chiến vẫn hiển hiện trong gia đình của những người đã mất, ở những thương binh, người nhiễm chất độc da cam…”, Merson trầm ngâm.
Ông cùng một số cựu binh Mỹ lập Hội cựu chiến binh Mỹ tại VN, và dự án đầu tiên của hội là rà phá bom mìn ở tỉnh Quảng Trị, góp phần giúp người dân nơi đây có thể làm ruộng, xây nhà trên chính mảnh đất của họ. Năm 1998, Merson tham gia một chuyến đạp xe từ Hà Nội vào TP HCM kêu gọi vì hòa bình. Làm việc trong lĩnh vực tin học, ông cũng trở thành cầu nối thúc đẩy giao lưu giữa các đoàn kỹ sư tin học VN và thung lũng Silicon (Mỹ).
Cuốn sách Những bài học chiến tranh đối với ông cũng là một phần hành trình ăn năn. “Viết sách là một cuộc đối thoại không bao giờ kết thúc. Trước khi viết ra, bạn phải nói về nó. Khi đã viết xong, bạn lại nói về những gì mình đã viết. Tôi biết mình đã sai lầm và muốn làm đúng trở lại”, Merson chia sẻ.
Theo Đất Việt