Ngày 24-11-2009, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã ban hành Quyết định số 1116/QĐ-KBNN về quy trình giao dịch một cửa trong kiểm soát chi thường xuyên ngân sách Nhà nước (NSNN) qua KBNN.
|
|||
Hoạt động nghiệp vụ ở KBNN Liên Chiểu. |
Quyết định này được thực hiện kể từ ngày 1-1-2010, đúng vào năm mà toàn ngành KBNN nỗ lực thực hiện mục tiêu bãi bỏ ít nhất 30% số thủ tục, đi liền với nó là phấn đấu 600 giờ dành cho các thủ tục hành chính. Đây cũng là một trong số các giải pháp để thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tài chính trong năm 2010 nhằm “Tạo một bước tiến mới trong việc cải cách hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, hiện đại hóa và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của ngành Tài chính, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tài chính, đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”.
Ngay từ đầu năm 2010, KBNN Đà Nẵng đã nhanh chóng triển khai Quyết định số 1116/QĐ-KBNN trong toàn hệ thống. Đặc biệt, để đáp ứng các quy định của Quyết định 1287/QĐ-UBND ngày 10-2-2010 của UBND thành phố Đà Nẵng quy định về việc đánh giá xếp hạng kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính đối với cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, KBNN Đà Nẵng căn cứ vào quy định của quy trình đã viết phần mềm giao dịch một cửa kết nối với chương trình kế toán kho bạc (KTKB) mà KBNN đang quản lý để tiếp nhận và trả kết quả. Ưu điểm của chương trình này là khi khách hàng giao chứng từ, nhập dữ liệu vào chương trình một cửa và giao chứng từ cho kế toán viên.
Hằng ngày, chương trình một cửa sẽ kết xuất dữ liệu từ chương trình KTKB, đối chiếu với chương trình một cửa để kiểm tra chứng từ nào đã được kế toán viên thực hiện. Nếu quá thời hạn quy định của quy trình thì chương trình sẽ báo đỏ số lượng hồ sơ trễ hẹn của từng kế toán viên, giúp cho bộ phận theo dõi hồ sơ một cửa và lãnh đạo kiểm tra đôn đốc. Nhờ vào chương trình này mà công tác cải cách thủ tục hành chính ở lĩnh vực kiểm soát chi ở KBNN Đà Nẵng có chuyển biến tích cực, số hồ sơ trễ hẹn so với trước đây giảm hẳn, số tiền tạm ứng trên tài khoản của các đơn vị thụ hưởng ngân sách giảm, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý tài chính ngân sách, phục vụ kịp thời cho các cơ quan, đơn vị có quan hệ thu chi ngân sách, làm cơ sở cho việc đánh giá chấm điểm của đơn vị mình và là cơ sở cho các cơ quan, đơn vị đánh giá về công tác cải cách hành chính ở KBNN Đà Nẵng.
Có thể nói quy trình giao dịch một cửa trong kiểm soát chi thường xuyên NSNN qua KBNN theo Quyết định 1116/QĐ-KBNN ra đời trong bối cảnh toàn ngành đang nỗ lực thực hiện chủ trương của Chính phủ về cải cách hành chính, loại bỏ được các thủ tục không cần thiết, xây dựng được phương án thủ tục giao dịch một cửa có chất lượng và hiệu quả, thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân và tổ chức đến giao dịch với kho bạc. Quy trình đã giải quyết được các yêu cầu đặt ra như: Về trình tự thực hiện thủ tục hành chính, quy trình đã quy định rõ ràng các bước thực hiện khi tiếp nhận hồ sơ, giải quyết công việc và trả kết quả.
Về thành phần hồ sơ, quy trình đã loại bỏ những giấy tờ không cần thiết, không quy định chung chung. Quy trình giải quyết tuân thủ các quy định của ngành về trách nhiệm kiểm soát của cán bộ kiểm soát chi, kế toán trưởng, giám đốc và các thanh toán viên trong thực thi công vụ. Về cách thức thực hiên, quy trình đã giải quyết được khách đến giao dịch phải nhập trên chương trình được viết sẵn, gắn với phần mềm chương trình KTKB của Kho bạc quản lý và khách hàng tự in phiếu giao nhận.
Quy định thủ tục đơn giản, cô đọng và giải quyết thời gian nhanh nhất trong các quy định từ trước đến nay. Quy trình đã quy định rõ thời gian và trả kết quả của từng loại hồ sơ công việc như: Chi tiền mặt, thời gian tiếp nhận và trả kết quả là 60 phút; chuyển khoản, thanh toán, thời gian giải quyết trong ngày, v.v... giúp cho người nhận hồ sơ thấy được trách nhiệm của mình trong thi hành công vụ và người giao dịch biết được thời hạn trả kết quả để sắp xếp công việc, kinh doanh… tốt hơn và lãnh đạo đơn vị có điều kiện kiểm tra xử lý công việc của công chức.
Đây là ưu điểm nổi bật của chương trình nhằm nâng cao hiệu quả cải cách bảo đảm hành trình 600 giờ dành cho thủ tục hành chính mà ngành Tài chính đang phấn đấu vươn tới. Quy trình còn đáp ứng được yêu cầu người giao dịch (khách hàng, kế toán, đơn vị, người nộp thuế...) giao dịch được với cán bộ tiếp nhận hồ sơ và trực tiếp giải quyết, xử lý, thụ lý công việc từ khâu đầu đến khâu cuối. Việc chấp nhận thanh toán và trực tiếp xử lý nếu từ chối vì những lý do không đáp ứng yêu cầu thanh toán hay thu nộp thì trực tiếp giải thích lý do và hướng dẫn khách hàng về quy định thủ tục. Đây là ưu điểm lớn nhất mà quy trình giao dịch một cửa mang lại.
NGUYỄN VĂN THÀNH