Dù không còn quá xa lạ nhưng nhạc giao hưởng vẫn được đánh giá là dòng nhạc khó đến được với số đông đảo công chúng tại Việt Nam nói chung, Hải Phòng nói riêng. Trong nỗ lực đưa nhạc giao hưởng xích lại gần công chúng, chương trình Hòa nhạc Toyota xuyên Việt có chuyến dừng chân tại Hải Phòng với một đêm diễn tại Nhà hát thành phố ngày 20-7 vừa qua.
|
Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam biểu diễn tại Hải Phòng Ảnh: Trường Giang |
Kỳ vọng của nhà tổ chức
Với mong muốn đưa nhạc giao hưởng đến gần hơn với người nghe, chương trình Hòa nhạc Toyota xuyên Việt - 2010 tiếp tục đưa ca khúc Việt Nam vào chương trình hòa nhạc - hình thức được thể nghiệm thành công trong tua diễn năm 2009. Chương trình bắt đầu với phần biểu diễn của NSƯT Thanh Lam cùng Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam với 2 ca khúc Hoa sữa (nhạc sĩ Hồng Đăng) và Người Hà Nội (cố nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi). Hoa sữa vốn được coi là “tem” của Thanh Lam nhưng khi biểu diễn lại ca khúc này cùng dàn nhạc, cô đem đến cho công chúng những xúc cảm mới lạ. Hoa sữa nhẹ nhàng như một khúc mở đầu sang trọng, đưa người nghe vào cuộc hành trình thưởng thức những giai điệu âm nhạc suốt chương trình.
Nếu như Hoa sữa lãng mạn đầy chất tự sự thì Người Hà Nội - một tác phẩm âm nhạc hay, chứa đựng nhiều cung bậc cảm xúc, lại được vang lên với tầng tầng lớp lớp xúc cảm. Và khi tất cả những cung bậc ấy được diễn đạt bằng những âm sắc sống động của các nhạc cụ “thật” chơi trực tiếp, Người Hà Nội khoác lên mình một diện mạo mới. Không gian trong nhạc phẩm được mở rộng hơn, tất cả các cung bậc cảm xúc được đẩy lên cao độ qua những làn sóng âm thanh lan tỏa tác động trực tiếp vào tai, vào trí não và tất cả giác quan của người nghe tạo hiệu ứng tích cực, giúp người nghe cảm nhận tác phẩm ở một góc độ mới sâu sắc hơn.
Trò chơi “Tập làm chỉ huy” giữa chương trình tạo không khí vui vẻ và hào hứng đối với công chúng thành phố Cảng. Đây cũng là bước chuyển khéo léo, thú vị giúp chuẩn bị tâm lý để người nghe bước vào phần tiếp theo, trình diễn những trích đoạn trong các tác phẩm giao hưởng nổi tiếng thế giới. Đó là khúc mở màn vở nhạc kịch Poet and Peasant (Nhà thơ và nông dân) của nhà soạn nhạc người Áo Franz Von.Suppe, trích đoạn trong vở balê Swan Lake (Hồ Thiên nga) và The Nutcracker (Chiếc kẹp hạt dẻ) của nhà soạn nhạc người Nga Tchaikovsky, bản Lé Toreadors (Khúc ca võ sĩ đấu bò) của nhà soạn nhạc người Pháp G.Bizet và tác phẩm Die Moldau của nhà soạn nhạc người Séc Berich Smetana. Đây là những tác phẩm khá quen thuộc, mang không khí lãng mạn, tươi vui. Theo nhạc trưởng Tetsuji Honna, việc đưa các ca khúc nhạc nhẹ vào chương trình cộng với việc chọn lựa những trích đoạn trong các tác phẩm giao hưởng quen thuộc là nỗ lực của những người dàn dựng nhằm làm cho chương trình nhẹ hơn, dễ nghe vì thế dễ được công chúng đón nhận hơn.
Và những cảm nhận từ người nghe
Những tràng pháo tay dài, giòn giã của người nghe thành phố Cảng mỗi khi dàn nhạc kết thúc một bản nhạc và ở cuối chương trình phần nào nói lên sự thành công của chương trình. Chương trình kéo dài gần 1 giờ rưỡi, nhưng từ đầu đến cuối, khán giả lắng nghe chăm chú. Đó là phản ứng rất đáng mừng từ người nghe đối với một chương trình nhạc giao hưởng.
Ngoài Hải Phòng, chương trình còn diễn ra tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh. Giá vé tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội là 300.000 đồng/vé, 200.000 đồng/vé và 150.000 đồng/vé tùy theo vị trí ghế ngồi. Riêng tại Hải Phòng và Đà Nẵng, Ban tổ chức áp dụng một mức giá 50.000 đồng/vé. Theo ông Nguyễn Minh Tân, phụ trách truyền thông của dàn nhạc, sở dĩ có sự khác biệt này là do ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, khán giả quen với việc tới Nhà hát thưởng thức các chương trình nhạc giao hưởng. Trong tua diễn năm nay, tại Hà Nội 2 ngày trước khi diễn ra chương trình, toàn bộ số vé phát ra được mua hết. Còn tại Hải Phòng, phong trào nghe hòa nhạc vẫn trầm lắng. Mức giá mà ban tổ chức đưa ra nhằm khuyến khích công chúng tới Nhà hát. Tuy nhiên, lượng khán giả đến buổi biểu diễn có lẽ vẫn chưa được như mong đợi khi còn khá nhiều ghế trống trên tầng 2.
Lê Thị Minh Hằng, làm việc tại Khu công nghiệp Normura Hải Phòng cho biết, đây là lần đầu đi nghe hòa nhạc. Phần đầu của chương trình khá hay và thú vị nhưng đến gần cuối thì hơi “oải” vì khó hiểu. Cũng theo Hằng, nếu được thường xuyên nghe những chương trình hòa nhạc như thế này, chắc chắn nhạc giao hưởng không khó cảm nhận đối với người yêu nhạc Hải Phòng. Hy vọng, thời gian tới, sẽ có nhiều chương trình hòa nhạc tại Hải Phòng để công chúng thành phố Cảng được tiếp xúc, thưởng thức nhạc giao hưởng thường xuyên hơn và từ đó nhen lên niềm yêu thích, đam mê đối với loại hình âm nhạc đầy trí tuệ và tinh tế này.
Hồng Châm