Hành trình hơn 30 năm xin làm... công dân của một phụ nữ

Hơn 30 năm nay, chị Lê Thị Liên (SN 1960, tạm trú xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn) không hề có bất cứ giao dịch, liên hệ nào với chính quyền, dù ở tại TP.HCM. Không đi học, không làm việc cho bất cứ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nào, không chồng, không con, không có nhà đất, không bảo hiểm y tế…, và mất cả quyền bầu cử, một trong những quyền quan trọng của công dân.

Hơn 30 năm nay, chị Lê Thị Liên (SN 1960, tạm trú xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn) không hề có bất cứ giao dịch, liên hệ nào với chính quyền, dù ở tại TP.HCM. Không đi học, không làm việc cho bất cứ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nào, không chồng, không con, không có nhà đất, không bảo hiểm y tế…, và mất cả quyền bầu cử, một trong những quyền quan trọng của công dân.

Chị Liên đã sống ngay giữa TP.HCM trong hơn 30 năm qua mà không có bất cứ tờ giấy tùy thân nào “lận lưng”
Chị Liên đã sống ngay giữa TP.HCM trong hơn 30 năm qua mà không có bất cứ tờ giấy tùy thân nào “lận lưng”

Từ bộ đội trở thành “công dân vô danh”

Cuộc đời chị Liên là một câu chuyện khá kỳ lạ. Vào tháng 10/1978, chị vừa tròn đôi tám, cái tuổi đẹp nhất của người phụ nữ. Đang ở tại phường 1, quận Tân Bình cùng gia đình, chị viết đơn tự nguyện xin nhập ngũ.

Theo lời chị kể, đơn vị đầu tiên chị công tác là Quân khu 7. Một thời gian sau, chị được chuyển về Quận đội Tân Bình, rồi sau đó nữa được chuyển về Quân y viện 7B (Biên Hòa, Đồng Nai) làm người giữ kho. Tuổi trẻ còn nông nổi, không chịu được gian khổ, hơn hai năm sau chị đã đào ngũ, quay về nhà.

Lúc vào bộ đội, hộ khẩu của chị vẫn còn tại địa chỉ 26 Nguyễn Minh Chiếu, phường 1, quận Tân Bình. Sợ bị bắt lại, chị ra phường đội nói lúc đi bộ đội chưa cắt hộ khẩu, nay nhờ cắt, thế là phường đội cắt hộ khẩu của chị luôn.

Chị không suy nghĩ gì nhiều. Quay lại làm người phụ nữ bình thường, chị đi giúp việc lặt vặt cho mấy người quen ngoài chợ, về sau chuyển qua bán bánh tằm, cốm dẹp, lúc ở chợ này, lúc ở chợ khác.

Cuộc sống giản đơn cứ thế dần trôi qua bên gia đình. Nhưng cũng từ đó, chị trở thành “công dân vô danh”. Ngoài cái tên và mối quan hệ với gia đình, chị không có bất cứ giấy tờ tùy thân nào “lận lưng”.

Trước giải phóng, chị chưa đủ tuổi nên không được cấp thẻ căn cước. Sau giải phóng, đến tận ngày nhập ngũ khi đã 18 tuổi, chị chưa được cấp chứng minh nhân dân.

Khi đào ngũ, chị cũng không còn giữ được bất cứ giấy tờ gì liên quan đến tư cách quân nhân của mình. Hộ khẩu thì đã cắt. Có lúc mẹ chị đưa chị giữ giấy khai sinh từ hồi chế độ cũ cấp, nhưng rồi chị làm mất nốt khi nào không hay. Đơn vị cũ không gửi bất cứ giấy tờ gì về gia đình chị để thông báo việc chị đào ngũ. Ngay cả sổ tạm trú KT3 chị cũng không có.

“Từ đó đến giờ chị có đụng chuyện gì liên quan đến chính quyền không?. Như bị xử phạt hành chính chẳng hạn?”, phóng viên hỏi. Chị Liên lắc đầu: “Không. Chị chỉ buôn bán, không làm gì vi phạm cả. Không chồng con, không tạm trú tại chỗ nào khác ngoài nhà của mẹ mình. Chứ giờ tạm trú ở đâu cũng phải có chứng minh nhân dân”.

Khi được hỏi có đi bầu cử không, chị cũng lắc đầu trả lời hơn 30 năm nay chưa đi bầu cử lần nào vì người ta không phát thẻ cử tri cho chị.

Luẩn quẩn: hộ khẩu – khai sinh đòi nhau

Thời trẻ bôn ba thời vận không sao, nhưng ngày càng có tuổi thì chị càng lo lắng. Việc lo nhất bây giờ là mua bảo hiểm y tế. Với kẻ “vô danh” như chị, làm gì cơ quan bảo hiểm chịu cho mua bảo hiểm y tế. Vì vậy, cách đây hai tháng, người anh rể bắt đầu chạy lo giấy tờ để xin cho chị nhập lại hộ khẩu.

Gia đình chị có lúc từ phường 1 chuyển sang phường 5 cùng quận sinh sống. Cách đây mười năm, hoàn cảnh khó khăn, mẹ chị đã bán căn nhà tại phường 5 rồi chuyển cả nhà về xã Bà Điểm xây căn nhà cấp bốn sinh sống, dù hộ khẩu thường trú vẫn còn tại phường 5, quận Tân Bình.

Khi lục hộ khẩu gốc, Công an quận Tân Bình xác nhận bản khai nhân khẩu lập năm 1976 có ghi đầy đủ thông tin về chị, nơi sinh tại “Tân Sơn Hòa, Tân Bình, Gia Định” (cũ), cả tên cha mẹ chị.

Trong giấy chứng nhận đăng ký nhân khẩu thường trú cấp cùng năm cũng ghi rõ: “Lê Thị Liên, sinh năm 1960, xóa khẩu đi nghĩa vụ quân sự tháng 10/1978”. Thế nhưng, Công an quận Tân Bình yêu cầu chị phải có giấy khai sinh mới giải quyết.

Giấy khai sinh chế độ cũ cấp đã mất, gia đình chị hy vọng bộ khai sinh gốc vẫn còn nên đến Phòng Tư pháp quận xin trích lục bản sao khai sinh. Không ngờ bộ khai sinh xã Tân Sơn Hòa, quận Tân Bình, tỉnh Gia Định (cũ) năm 1960 đang lưu trữ tại UBND quận Tân Bình không tìm thấy tên của chị.

Gia đình chị còn đến Sở Tư pháp TP.HCM nhờ lục tìm từ bộ khai sinh gốc lưu trữ tại đây, tiếc thay kết quả cũng là con số không.

Phòng Tư pháp quận liền cấp giấy xác nhận để chị liên hệ UBND xã Bà Điểm, nơi chị đang tạm trú, đăng ký lại việc sinh và cấp giấy khai sinh mới. Nhưng cũng giống như một số trường hợp báo chí từng đưa tin, chị lại rơi vào cái vòng lẩn quẩn: hộ khẩu đòi khai sinh, khai sinh lại đòi hộ khẩu, trong khi cả hai giấy đó chị đều không có.

UBND xã Bà Điểm xin ý kiến Phòng Tư pháp huyện Hóc Môn thì được trả lời là chị phải có sổ tạm trú KT3 mới được làm khai sinh lại. Chị đã làm đơn và được công an xã xác nhận tạm trú liên tục tại xã này từ tháng 5/2010 đến nay nhưng vẫn không được chấp nhận.

Mẹ chị năm nay 72 tuổi, tóc đã bạc phơ. Bà nói: “Con tôi không có phá phách gì hết. Tôi ở đây mười năm rồi. Ông tổ trưởng ổng biết”. Người em trai cũng lo lắng cho chị: “Chị tôi không chồng, không con. Lo nhất khi về già mà không có bảo hiểm y tế, khi trở bệnh nặng sẽ rất khốn khó”.

Những lỗi lầm của chị trong quá khứ đã thuộc về quá khứ. Cuộc sống của chị hiện rất cần sự hỗ trợ của chính quyền để một phận người không bị bỏ quên ngoài lề xã hội.

Giờ chỉ còn một “cửa” duy nhất là gửi đơn nhờ giúp đỡ đến Sở Tư pháp TP.HCM để sở này tìm cách gỡ vướng về thủ tục khai sinh lại cho chị. Nếu làm được khai sinh mới, chị sẽ được nhập lại hộ khẩu và được làm chứng minh nhân dân, trở lại làm một công dân với đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình.

Theo Xa lộ pháp luật

Đọc thêm