Chương trình hoạt động xã hội “Hành trình xanh xuyên Việt”, bắt đầu thực hiện từ năm 2008, đã quy tụ và tập hợp hàng nghìn sinh viên các trường đại học, cao đẳng, THCN trong cả nước.
|
|||
Hành trình xanh - Hành trình đạp xe xuyên Việt. |
Tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên, chương trình do Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc miền Trung-Tây Nguyên tổ chức, được phát động gần 3 năm qua đã quy tụ, tập hợp hơn 300 sinh viên các trường đại học, cao đẳng, THCN ở các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế. Mục đích chương trình là đoàn kết cộng đồng, chia sẻ nỗi đau, giúp đỡ người nghèo, bảo vệ môi trường và kết nối trái tim. Chương trình Hành trình xanh đã thiết lập được trang web với tên miền: http://hanhtinhxanh.vn/ từ năm 2008.
Chủ tịch chương trình tại miền Trung-Tây Nguyên là em Lê Thái Việt, sinh viên năm 3 Trường Đại học Duy Tân, Đà Nẵng, Phó Chủ tịch là Nguyễn Ngọc Bắc, sinh viên năm thứ nhất, Trường Cao đẳng Kế hoạch kinh doanh Đà Nẵng.
Chương trình không chỉ tập hợp những sinh viên có “máu” hoạt động xã hội, phong trào, mà có lẽ hơn thế, đó là những trái tim biết sống vì cộng đồng với những khát vọng xanh, của những sẻ chia và lòng yêu thương con người. Có thể kể đến những điển hình như Nguyễn Thị Quỳnh Oanh, sinh viên năm thứ 4, khoa Ngoại ngữ, Đại học Duy Tân, Đà Nẵng; là Nguyễn Thị Thùy Dung, sinh viên năm thứ nhất, khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Kinh tế Đà Nẵng; là chàng thủ lĩnh chương trình Lê Thái Việt năng nổ, hoạt bát; là Nguyễn Ngọc Bắc ngày đêm lăn lộn, gánh vác công việc để duy trì và phát triển phong trào… Và, còn rất nhiều những gương mặt ưu tú khác.
Khi được hỏi, trong quá trình thực hiện chương trình, các em gặp những thuận lợi, khó khăn gì nhiều không? Nguyễn Ngọc Bắc thật thà tâm sự: Khó khăn, trở ngại nhất là tụi em sợ thời tiết không thuận lợi, dạo này trời hay mưa, khi thực hiện những chuyến đi về cơ sở, hơi vất vả. Bởi lẽ, các em chủ yếu di chuyển bằng xe đạp.
|
|||
|
Chương trình Hành trình xanh được tổ chức rất bài bản, có 8 Ban chuyên trách, gồm: Ban báo chí lo viết bài để đăng tải trên trang web, tài liệu tuyên truyền nội bộ; Ban Hậu cần lo việc cơm áo gạo tiền, ngủ nghỉ khi đoàn đi về cơ sở; Ban Văn nghệ lo chuẩn bị chương trình văn nghệ để khi về cơ sở biểu diễn; Ban Y tế lo sức khỏe cho đoàn, vận động tài trợ để mua thuốc men phục vụ khi có ai đó ốm đau; Ban Kỹ thuật chủ yếu lo sửa chữa xe đạp lúc đang đi đường nếu có sự cố xảy ra hư hỏng, không phải vào tiệm sửa xe; Ban Lễ tân lo chuyện quà cáp khi đi thăm các địa phương, đơn vị; Ban An ninh lo giữ gìn ANTT khi đoàn đi về cơ sở, hoặc trong khi tập luyện; Ban Tài chính đi vận động tài trợ kinh phí của các cơ quan, doanh nghiệp trong địa bàn. Phó Chủ tịch chương trình Nguyễn Ngọc Bắc tiết lộ, hiện tại trong “két” còn được 1.000.000 đồng từ nguồn tài trợ. Ngoài ra, mỗi thành viên khi tham gia chương trình đóng góp vào quỹ 3.000 đồng/người để mua băng-rôn, khẩu hiệu, cờ cổ động, phục vụ cho các chuyến đi về cơ sở.
Đã hơn 2 tháng nay, thay vì về quê nhà nghỉ hè sau một năm học và mùa thi căng thẳng, hằng ngày từ 17 giờ 30, các em tập trung tại Công viên 29-3 để tập luyện, chủ yếu là tập luyện thể lực và các kỹ năng cơ bản về sơ cứu y tế, kỹ thuật sửa xe đạp, đến khoảng 20 giờ 30 về lại chỗ trọ để học văn hóa. Phần đông các em ở các tỉnh xa về Đà Nẵng học nên phải thuê nhà để trọ, chỉ một số ít ở nhờ nhà bà con, người quen; nhiều em phải đi dạy kèm để kiếm thêm tiền trang trải chuyện ăn uống, chi tiêu và trả tiền thuê nhà trọ. Đến cuối tuần thì các em lại đi thực tế về cơ sở.
Trước khi tổ chức các chuyến đi, các em đều có nhóm tiền trạm đến trước để đặt vấn đề với địa phương, khảo sát địa bàn, xem xét vấn đề gì ở địa phương cần mà các em có thể giúp được trong điều kiện và khả năng cho phép để triển khai công việc một cách cụ thể khi đoàn đến.
Vừa qua, các em đã về Hội An một ngày, đến thăm một số gia đình chính sách, học sinh nghèo học giỏi, thăm và tặng quà cho 5 em ở Trung tâm Trẻ mồ côi Hội An, các món quà nho nhỏ như: sách vở, giấy bút, bộ ấm chén, bánh kẹo, sữa. Các em còn đứng ra vận động các thành viên chương trình đóng góp sách vở cũ, bút mực để làm quà tặng cho các em học sinh nghèo hiếu học, mồ côi ở địa bàn thành phố Hội An.
Cũng trong dịp này, các em đã về xã Tam Ngọc, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, ở lại một ngày hai đêm, vào thắp hương nghĩa trang liệt sĩ, thăm một số gia đình chính sách, tổ chức đêm văn nghệ “cây nhà lá vườn” tự biên tự diễn, phục vụ nhân dân và các em thiếu nhi trong xã.
Sau mỗi chuyến đi thực tế, phụ trách chương trình đều tổ chức cho các em làm bài test. Trên cơ sở đó, sẽ tuyển chọn những thành viên ưu tú nhất về thể lực, một số kỹ năng cơ bản về văn nghệ, tổ chức trò chơi, sinh hoạt cộng đồng… để chuẩn bị cho kế hoạch dài hơi hơn, đó là tham gia vào chương trình Hành trình xanh xuyên Việt quốc gia.
Phó Chủ tịch chương trình Nguyễn Ngọc Bắc cho biết, đến cuối tháng 7 này, chương trình tại miền Trung-Tây Nguyên sẽ tuyển chọn một số thành viên ưu tú để gia nhập vào chương trình Hành trình xanh xuyên Việt, diễu hành bằng xe đạp, đi qua 19 tỉnh, thành phố trong cả nước, xuất phát từ thành phố Hồ Chí Minh và kết thúc tại thủ đô Hà Nội.
Hy vọng rằng, với những ước mơ, khát vọng nhằm chia sẻ cộng đồng, kết nối trái tim, cùng với các bạn sinh viên cả nước, các em sẽ gặt hái thành công trong chuyến hành trình xuyên nước Việt mến yêu.
Đinh Hoàng Minh