Hành trình "mang tên tuổi của tổ tiên đi thi"

Để Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp quốc (UNESCO) vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2012, Việt Nam đã phải trải qua một kỳ thi dài ngặt nghèo. Tâm niệm công việc này như “mang tên tuổi của tổ tiên đi thi”, trọng trách nặng nề được đặt lên vai các nhà khoa học.

Để Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp quốc (UNESCO) vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2012, Việt Nam đã phải trải qua một kỳ thi dài ngặt nghèo. Tâm niệm công việc này như “mang tên tuổi của tổ tiên đi thi”, trọng trách nặng nề được đặt lên vai các nhà khoa học.

 

Ba lần lựa chọn

Di sản văn hóa này từng gặp không ít khó khăn chỉ riêng trong việc lựa chọn tên gọi. Năm 2008, tỉnh Phú Thọ mở hội nghị mời các nhà khoa học hàng đầu tham gia, đề xuất tên di sản trình hồ sơ ra quốc tế là “Không gian văn hóa Hùng Vương thời đại đồng thau và sắt sớm”. Ý kiến này không nhận được sự ủng hộ của các nhà khoa học, trong đó có PGS.TS Nguyễn Chí Bền, Viện trưởng Viện văn hóa nghệ thuật Việt Nam, vì như ông đã chỉ rõ: “Khi Công ước năm 2003 của UNESCO có hiệu lực, tên gọi “Không gian văn hóa” cho một di sản không còn được dùng nữa”.

Trong cuộc hội thảo lần thứ hai, đề xuất cái tên “Lễ hội đền Hùng” cũng không được đồng thuận. Thế nên trong năm ấy, chủ đề văn hóa về vua Hùng bị “lỡ chuyến tàu”, tỉnh đã lựa chọn Hát Xoan để làm hồ sơ trình UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và năm 2011, yêu cầu này được UNESCO chấp nhận. Tuy nhiên nguyện vọng của người Phú Thọ nói riêng, cả nước nói chung là vẫn mong muốn di sản văn hóa phi vật thể liên quan đến Hùng Vương phải được quốc tế vinh danh.

Lần thứ 3, được một số nhà khoa học tư vấn, tỉnh Phú Thọ đề xuất lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VH, TT & DL) , Hội đồng di sản văn hóa quốc gia tên gọi của hồ sơ trình UNESCO là “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương”. Nhiều luận điểm thuyết phục được kèm theo: Tín ngưỡng này được thờ rất nhiều nơi ở Phú Thọ, rồi lan tỏa khắp các vùng trên cả nước. Nếu chỉ nói về lễ hội đền Hùng thì đó chỉ cái “vỏ” thể hiện bên ngoài, còn thực chất tiềm ẩn bên trong vẫn là tín ngưỡng. Hơn nữa, đây là tín ngưỡng thiêng liêng, ăn sâu vào tâm thức người Việt. Theo thống kê, cả nước có 1472 di tích thờ Hùng Vương và con cháu, tướng lĩnh; ngày giỗ Hùng Vương cũng là ngày Quốc tổ.

Đã đồng thuận tên di sản, việc khó khăn hơn tiếp theo là soạn hồ sơ trình lên UNESCO. Trọng trách này được Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, đơn vị từng thuyết phục UNESCO vinh danh ¾ di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam, đảm nhận.

Gian nan hoàn thiện hồ sơ

Viện trưởng Bền cho biết: “Mỗi bộ hồ sơ chẳng khác nào một bài thi gian khổ vất vả, khi “thi” xong và “làm bài tốt” mới thở phào nhẹ nhõm”. Một hồ sơ trình lên UNESCO bắt buộc phải bao gồm: Bản báo cáo khoa học, bộ ảnh 10 tấm, đoạn phim video thời lượng 10 phút, bản cam kết của cộng đồng, bản báo cáo kết quả kiểm kê khoa học, phần phụ lục khác tùy thuộc vào nội dung di sản. Để trình ra quốc tế một sản phẩm hoàn thiện, hàng trăm người đã làm việc ròng rã suốt hai năm trời. “Rất vất vả”, ông Bền nhớ lại.

Khó khăn đầu tiên là tìm hiểu tư liệu về thời kỳ Hùng Vương thông qua nhiều phương diện như khảo cổ, hiện vật, lịch sử... Những tài liệu khảo cổ viết về thời kỳ này thì nhiều, nhưng viết về tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thì lại hiếm hoi. Tài liệu đồ sộ, liên quan nhiều đến Hán Nôm, viện phải mời một số nhà khoa học ở Viện Hán Nôm cùng tham gia dịch tài liệu. Một số tài liệu còn tản mạn ở một số nước như Trung Quốc, Anh, Mỹ, Đài Loan… đơn vị lại tốn kém không ít thời gian và tiền bạc đi thu thập. Các nhà khoa học còn điền dã, kiểm kê khoa học trên địa bàn 13 huyện thuộc tỉnh Phú Thọ; đến từng làng ăn ở cùng người dân; quay từng thước phim sống động về lễ hội, các nghi thức tín ngưỡng thờ cúng.

Để tổng hợp, chọn lọc, trình bày cho ra đời một báo cáo hoàn chỉnh phải bằng tiếng Anh hoặc tiếp Pháp, viện “cầu viện binh” là cán bộ ở nhiều viện nghiên cứu khác. Công đoạn dịch tài liệu tín ngưỡng thờ cúng làm sao cho người nước ngoài hiểu là một “bài toán khó”. “Luật chơi” của UNESCO quy định số lượng chữ trong hồ sơ rất ngặt nghèo, có mục chỉ được dài 200 chữ và toàn bộ nội dung hồ sơ gói gọn từ 16 - 17 trang, nếu mục nào thừa một chữ cũng bị coi là “phạm quy”, bị loại ngay lập tức. Để lựa chọn kỹ càng từng từ ngữ sao cho đúng – trúng – đủ - phù hợp nhất, những người dịch thuật và các nhà khoa học chuyên ngành phải thảo luận, mổ xẻ từng con chữ.

Hạnh phúc vỡ òa

Viện trưởng Nguyễn Chí Bền giải thích quy trình làm hồ sơ của một di sản thường trải qua các công đoạn như sau: Sau đề xuất của địa phương (hoặc Cục Di sản văn hóa), hồ sơ được trình lên Bộ, lên danh mục trình Thủ tướng phê duyệt làm hồ sơ trình UNESCO. Hồ sơ tiếp tục được chuyển sang Hội đồng di sản văn hóa quốc gia gồm 27 thành viên là các nhà khoa học hàng đầu về di sản do Thủ tướng bổ nhiệm. Cuối cùng, khi hồ sơ được tất cả các “ban giám khảo” trong nước chấp nhận, Thủ tướng sẽ ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ VH, TT & DL ký hồ sơ, gửi đi Paris cho UNESCO.

Hồ sơ di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được nộp ra nước ngoài từ tháng 3/2011. Khi ấy, các nhà khoa học thêm nhiệm vụ tổ chức các cuộc hội thảo quốc tế, mời các nhà khoa học đến Phú Thọ để quảng bá sự kiện ra thế giới. Vào lúc 12h09’ giờ Paris (tức 18h09’ giờ Việt Nam) ngày 6/12/2012, tại kỳ họp thứ 7 của Uỷ ban liên chính phủ theo Công ước 2003, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Việt Nam” nhận được 24/24 phiếu bầu của các quốc gia thành viên, chấp thuận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trong lần tham dự  xét tuyển đợt này, hàng trăm hồ sơ được nộp và chỉ 36 hồ sơ được đưa ra thảo luận đánh giá, biểu quyết góp ý gay gắt từng trường hợp để hoặc đồng thuận, hoặc đánh rớt. Để đạt được 100% ý kiến ủng hộ, đoàn Việt Nam đã lập một kỳ tích.

Nhớ lại thời điểm này, Viện trưởng Nguyễn Chí Bền vẫn không khỏi xúc động: “Khi tiếng gõ búa của Chủ tịch kỳ họp vang lên, chúng tôi thở phào nhẹ nhõm, vỡ òa trong sung sướng đã hoàn thành trọng trách, không làm thất vọng niềm tin của hơn 80 triệu người Việt Nam”.

Năm 2012 được coi là năm di sản Việt Nam “bội thu”: Ngoài Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được thế giới vinh danh; Vịnh Hạ Long được xếp hạng là kỳ quan thiên nhiên thế giới mới; Mộc bản kinh phật chùa Vĩnh Nghiêm – Bắc Giang được vinh danh là di sản ký ức và tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương…

Trịnh Ninh

Đọc thêm