Hành trình thanh long đao trở về sau 418 năm

Trong khu tưởng niệm vương triều Mạc mới xây dựng có một báu vật  mà ai đến thăm cũng phải bất ngờ khi bắt gặp. Đó là thanh long đao gần 500 tuổi để thờ ngay trước tượng Mạc Thái tổ. Chung quanh thanh long đao này có nhiều câu chuyện cảm động.

Trong khu tưởng niệm vương triều Mạc mới xây dựng có một báu vật  mà ai đến thăm cũng phải bất ngờ khi bắt gặp. Đó là thanh long đao gần 500 tuổi để thờ ngay trước tượng Mạc Thái tổ. Chung quanh thanh long đao này có nhiều câu chuyện cảm động.

Thanh long đao lớn nhất Đông Nam Á

Ông Mạc Như Duyễn, thành viên Ban hội đồng gia tộc họ Mạc ở Cổ Trai (Kiến Thụy) phấn khởi giới thiệu: “Theo nhiều nhà khảo cổ học, thanh long đao này hiện là long đao lớn nhất khu vực Đông Nam Á với chiều dài 2,55m, cân nặng 25,6 kg bằng sắt rỗng, phần lưỡi dao dài 95 cm, cán dao dài 1,6 m. Thanh long đao của Mạc Thái Tổ nặng hơn thanh long đao của Tống Thái tổ nhà Bắc Tống, nên thời đầu thế kỷ thứ 16, thanh long đao của Mạc Thái tổ được mệnh danh là “Định Nam đao”. Theo gia phả dòng họ và truyền ngôn của các bậc cao niên, thời còn làm tướng, đức Mạc Thái tổ thường sử dụng thanh đại đao này xông pha trận mạc. Khi Mạc Thái tổ băng hà, thanh đại đao được thờ ở Thái miếu, sau lại được đem về thờ ở Lăng miếu Cổ Trai. Năm 1592, nhà Mạc thất thủ ở Thăng Long. Lúc ấy Thân vương Mạc Đăng Thận là người coi giữ Sơn Lăng Cổ Trai. Trước ngày nhà Trịnh tấn công tàn phá Dương Kinh, Thân vương Mạc Đăng Thận đã cho hoá trang mộ phần rồi mang 500 quân ra trấn giữ Đồ Sơn. Triều đình ly tán, Thân vương Mạc Đăng Thận buộc phải rời Đồ Sơn, giả làm nhà buôn, mang theo thanh long đao của tiên đế cùng “của gia bảo” xuống thuyền lánh nạn. Thân vương giong thuyền vào cửa Lạng Môn, về đất Kiên Lao định cư. Ông đổi họ thành họ Phạm, giữ bộ thảo đầu chữ Mạc để con cháu các đời sau ghi nhớ nguồn cội tổ tông. Trải qua 4 đời ở đất Kiên Lao, dòng họ Phạm gốc Mạc có sự phân chi. Ông Phạm Công An, trưởng nam ở lại Kiên Lao, trông coi mộ phần tiên tổ. Người thứ hai, ông Phạm Công Úc được mang thanh bảo đao về định cư ở Ngọc Tỉnh (Xuân Trường, Nam Định). Người thứ 3, ông Phạm Đình Tú được mang theo phả đồng đi lập ấp Hoành Tây. Thanh long đao về Ngọc Tỉnh đến nay tròn 418 năm, dòng họ truyền đời phải gìn giữ.

Gìn giữ long đao- kỳ tích

Trong dòng người tế rước thanh bảo đao có một người đàn ông trung tuổi mắt rưng rưng, bần thần nhìn theo kiệu rước. Đó là ông Phạm Đức Thụ, người trực tiếp trông giữ từ đường họ Phạm gốc Mạc ở Xuân Trường (Nam Định), cũng là người trông giữ thanh bảo đao này suốt 20 năm qua. Ông Thụ nói trong xúc động : “Đối với dòng họ Phạm gốc Mạc, thanh bảo đao này là một báu vật, gắn bó máu thịt suốt 418 năm qua. Sáng nay, khi tế lễ ở từ đường họ Phạm gốc Mạc ở Nam Định trước khi rước thanh long đao về Cổ Trai, tất cả con em trong dòng họ đều khóc, cúi lạy báu vật của tiên tổ”. Để bảo vệ di vật này của tiên tổ, dòng họ Phạm gốc Mạc đã trải qua không ít khó khăn, thậm chí là cả máu và nước mắt. Suốt 418 năm về đất Xuân Trường, Nam Định cây bảo đao không ít lần bị đánh cắp nhưng lần nào cũng không thành. Khi thì kẻ trộm bị tai nạn, khi thì phải tự mang cây bảo đao trả lại. Năm 1821, triều vua Minh Mạng, Phan Bá Vành khởi binh, chống lại triều đình, muốn mượn thanh long đao của Mạc Thái tổ làm linh khí trên chiến địa. Để bảo vệ báu vật, họ Phạm ở Ngọc Tỉnh đã chôn giấu thanh long đao ngay trong đêm, không để báu vật của tiền nhân vào tay “vua Phan Bá Vành”. Thế rồi mưa nắng nhiều năm làm mất dấu tích nơi chôn giấu. Đến năm 1938, họ Phạm ở Ngọc Tỉnh trùng tu từ đường, đào hồ bán nguyệt, tìm thấy thanh long đao sau hơn 90 năm chìm trong lòng đất. Thanh long đao được rước về từ đường phụng thờ như trước. Sau này, ngẫm lại, mới thấy trước khi được tìm thấy, khu vực gò chôn giấu long đao ở phía đông nam từ đường họ Phạm gốc Mạc thường xuyên tự bốc cháy. Nhiều lần lửa bùng lên, bén vào rơm rạ, vải giắt trên mái nhà. Người dân gọi gò đất này là “Gò con hoả”. Nhưng sau khi họ Phạm tìm thấy thanh long đao tại đây, thì gò Con hoả lại không tự nhiên phát lửa nữa. Năm 1957, Bảo tàng tỉnh Nam Định tha thiết đề nghị dòng họ đưa thanh long đao về bảo tàng lưu giữ. Nhưng các cụ trong dòng họ kiên quyết không tán thành nên thanh long đao vẫn tại vị tại từ đường họ Phạm. Để bảo vệ thanh long đao khỏi sự phá huỷ của thời gian, dòng họ Phạm gốc Mạc ở Nam Định đã tìm đủ mọi cách giữ gìn bảo vật, khi thì để trong hòm kính, khi thì để trong hòm tôn, ngâm hoàn toàn trong nhớt để chống gỉ sét. Lần này, thể theo nguyện vọng của tiên tổ và các chi họ Mạc, gốc Mạc trên toàn quốc, họ Phạm gốc Mạc quyết định rước thanh long đao trở về Cổ Trai đúng dịp kỷ niệm 469 năm ngày mất của Mạc Thái tổ, khánh thành công trình khu tưởng niệm Vương triều Mạc, công trình chào mừng 1000 năm Thăng Long- Hà Nội”…

Ngày đưa thanh long đao của Mạc Thái tổ về đất Cổ Trai sau 418 năm, như một sự linh ứng kỳ diệu, đúng thời khắc đưa thanh long đao vào hộp kính đặt phía trước tượng Mạc Thái tổ, trên bầu trời xuất hiện 5 áng mây vàng hình rồng chầu về phía Nhà chính điện. Hiện tại Nhà chính điện có bức ảnh lớn ghi lại thời khắc đặc biệt này. /.

Hoàng Yên

Đọc thêm