Hành quân đi Shigatse
Ngày thứ 5, chúng tôi hành quân đi Shigatse, cách Lhasa hơn 300 km. Trên hành trình dài Lhasa – Shigatse, chúng tôi qua hồ Yamdrok. Để đến được hồ Yamdrok, chúng tôi phải vượt qua đèo cao trên 5.000 m của dãy núi Nyinchenkhasa. Từ dưới thung lũng độ cao 4.000 m lên đỉnh đèo toàn khúc cua tay áo, chúng tôi lại sốc độ cao 1 lần nữa.
Thăm hồ Yamdrok: Hồ Yamdrok Tso là một trong ba hồ nước linh thiêng của Tây Tạng, còn được gọi với cái tên khác là hồ San hô (Coral lake). Hồ này nằm ở vùng đất Nhagartse, cách Lhasa khoảng hơn 100km về phía tây nam. Nước hồ xanh như ngọc, màu xanh của nó quá kỳ lạ và rực rỡ. Bao quanh hồ Yamdrok Tso là các dãy núi lớn như Nyinchenkhasa, Chetungsu và Changsamlhamo cao trên 6.000m. Hồ nằm dưới chân của ngọn Nojin Kangsa cao 7223m.
|
Đường xuống hồ Yamdrok |
Tiếp tục cuộc hành trình. Sau khi chúng tôi men theo sườn núi về phía cuối để sang bờ bên kia hồ Yamdrok, đến một xóm nhỏ ven đường. Dừng lại ăn trưa vì lúc này cũng đã hơn 1 giờ chiều. Một mặt để lấy sức chuẩn bị vượt đèo Kharola. Và nữa là sợ không kịp thời gian để vào tham quan ngôi đền Kumbum. Đi cả một chặng đường dài từ Lhasa, qua hồ Yamdrok, chỉ có một thị trấn nhỏ duy nhất có nơi để ăn trưa. Đèo Kharola gần ngay trước mặt. Đường đi đến đỉnh đèo Kharola chạy sát dãy núi Nojin Kangsa. Chỉ thấy đá sỏi khô cằn, các ngọn núi tuyết chạy dọc đường đi. Núi tuyết tràn ra cạnh bên đường.
Vượt qua đèo Kharola cao 5.560m, chúng tôi tiếp tục đi về phía tây. Dãy núi trọc đầy mầu sắc chạy dọc 2 bên đường. Sông Yalung vào mùa khô, nước cạn chỉ còn các rạch nhỏ, trơ cát đá. Chúng tôi dọc con sông can nước, núi non hiểm trở hoang vu, thi thoảng mới gặp ngôi làng Tạng. Ở vùng này, làng đã bắt đầu xây bằng gạch, sống quần tụ như làng quê Việt Nam, không giống như vùng hồ Namtso sống du mục trong các túp lều. Lúc này đã gần 4 giờ chiều, chúng tôi còn khoảng 50km nữa thì mới tới được thị trấn Giang Tử. Vội vàng xuống chụp mấy kiểu ảnh để ghi nhớ con đèo cuối cùng của chặng đường quanh co, gian nan nhất Tây Tạng.
Qua Giang Tử (Gyantse): Nằm ở trên độ cao gần 4000m, cao hơn Lhasa khoảng hơn 300m. Trước kia, Giang Tử là một trung tâm thương mại và là đô thị lớn thứ ba của Tây Tạng, nối giữa Lhasa và Shigatse. Cũng chính vì thế người Anh đã tiến hành một cuộc xâm lược đổ máu vào năm 1904. Thị trấn này còn mang tên người Anh hùng trong cuộc chiến đấu chống quân Anh xâm lược – thị trấn Anh hùng Jiang Zi. Ngày nay, Giang Tử là một đô thị khá yên tĩnh và có phần hơi buồn tẻ. Khách du lịch đến đây sẽ được tham quan một số địa điểm nổi tiếng như tu viện Palkhor, ngôi đền Kum bum và Man Đa La vĩ đại ba chiều.
|
Một cảnh khá lạ trên đất Tây Tạng |
Đền Kumbum và tu viện Palkhor: Kumbum là linh tháp lớn nhất, kiến trúc độc đáo nhất Tây Tạng. Tháp Kumbum nằm trong khuôn viên của tu viện Palkhor, từng là nơi sống và tu luyện của cùng lúc nhiều giáo phái Lạt Ma thời kỳ thế kỉ 13-14. Cấu trúc của các bảo tháp Kumbum - Tây Tạng chia thành năm phần, tầng tượng trưng cho yếu tố Đất là vuông, Nước là tròn, Lửa là hình tháp cụt, Khí là hình trăng cong và Thức nhỏ nhất ở trên đỉnh. Tầng sáu của Kumbum, có đôi mắt Phật vẫn thật từ bi, độ lượng dõi theo bốn hướng. Đây là linh tháp đầu tiên và duy nhất vẽ đôi mắt ở phần tháp hình trụ tròn, biểu tượng cho yếu tố Nước. Người ta nói đó là " Nước mắt Bồ Tát".
|
Đền Kumbum còn được gọi là Đền Thập Vạn Phật. Trong linh tháp có tới 100.000 bức tranh tường, những bức tượng Phật, các chư vị Bồ Tát. Đền gồm có 9 tầng, 108 cửa và 77 khám thờ, mỗi khám chính là một Ma da la. Người Tây Tạng quan niệm đi một vòng Kumbum từ dưới lên trên là đi một vòng từ vòng tử sinh luân hồi đến Niết-bàn.
Palkhor là 1 đại tu viện nằm trên sườn đồi, chạy dọc trên đỉnh đồi là một bức tường thành bao xung quanh. Từ đỉnh Kumbum nhìn sang tu viện Palkhor, trong Cách mạng văn hóa Tu viện đã bị hồng vệ binh phá hủy gần hết. Chỉ còn sót lại bức tường thành, với những ngôi nhà hoang vắng. Tu viện Palkhor trước đây là 1 tổng thể gồm 16 tu viện. Là nơi tập hợp của nhiều tăng sĩ và quan trọng nhất đây là nơi mà ba giáo phái Tây Tạng cùng nhau tu học.
|
Từ Gyantse đi về phía Tây khoảng 100km là đến Shigatse. Đường từ Gyatse tới Shigatse là cao nguyên xanh tươi nằm trên độ cao 4000m, chạy dọc theo sông Nyang Chu. Sông Nyang Chu chỉ là sông nhỏ, nhưng đủ nước để tưới cho các cánh đồng đại mạch trên Cao nguyên này. Cánh đồng lúa mì rộng mênh mông, trải dài tới chân núi. Đây là vựa lúa lớn nhất Tây Tạng, là nơi cung cấp lương thực cho cả Tibet.
Chúng tôi đến Shigatse thì trời đã tối. Đây là đô thị lớn thứ hai sau Lhasa và bộ mặt của nó đang biến đổi dần thành một thành phố nhỏ của Trung Quốc. Shigatse đã được xây dựng trên độ cao 3900m, hình thành trong thế kỷ thứ 13. Đến lúc này, chúng tôi đã thực sự quen với độ cao. Đi lại thoải mái, có thể đi nhanh, thâm chí có thể chạy như người dân Tạng. Chẳng dùng đến thuốc, không phải ôm khư khư bình oxy, chúng tôi thấy thật nhẹ nhàng thanh thản, giống như bao người trên cao nguyên Tây Tạng này. Con người đúng là điều kỳ diệu
Chúng tôi may mắn khi đến Shigatse vào ngày Đức Phật sống thứ 11 về thăm Tashilumpo cả thành phố cờ hoa rực rỡ để đón Ngài.
Tu viện Tashilumpo: Từ xa đã thấy mái điện mạ vàng của Tashilumpo sáng rực. Tu viện có rất nhiều công trình, được bao bọc xung quanh bởi một lớp tường thành. Tashilumpo là nơi trú ngụ của Panchen Lạt Ma (các Đức Phật sống), còn tại Lasa ở cung điện Potala là nơi của các Đa Lai Lạt Ma (các vị vua). Phật sống là cấp bậc cao nhất mà 1 Lạt Ma có thể đạt được. Tashilumpo được xây dựng vào thế kỷ 15, trên diện tích 18.5 ha với 50 giảng đường và 3.600 phòng dành cho các Lạt Ma. Ánh sáng ban mai chiếu nghiêng qua các mái ngói làm tu viện nổi bật lên giữa nên núi Thượng Tích. Làm tăng thêm vẻ huyền bí của tu viện. Mầu trắng, đỏ của các bức tường càng tôn thêm vẻ trang nghiêm vốn có của tu viện.
|
Giờ ôn bài của các Lạt Ma |
Tạm biệt Tây Tạng ở cung điện Potala
Chúng tôi lên xe về Lhasa, từ Shigatse về Lhasa chúng tôi đi theo đường khác - quốc lộ 318. Đường này Chính phủ Trung Quốc mới mở được gọi là "new road” và chỉ cách Lhasa 350 km, gần hơn đường cũ 50 km. Xe chạy dọc theo Yarlung Tsangpo đi về hướng đông.
Cũng giống như từ hồ Namtso về, dọc đường 318 rất nhiều trạm kiểm tra, mỗi trạm chúng tôi đều xuống xuất trình giấy tờ và đóng dấu vào giấy thông hành. Mỗi xe lưu thông trên đường từ Shigatse về Lasa đều phải có 1 giấy này. Qua mỗi trạm kiểm soát, vào đóng dấu và ghi giờ đi. Nếu đến trạm sau sớm so với giờ qui định thì phạt rất nặng. Đấy cũng là cách hay, họ quy định tốc độ tối đa được chạy trên đường, chia trung bình trên cây số của các trạm ai đến sớm phạt, giảm thiểu tối đa các tài xế muốn “mát ga” và cảnh sát cũng không ăn hối lộ được.
Mùa thu đã về trên cao nguyên Tây Tạng, cây cối muôn mầu khoe sắc. Đã gấn về đến Lhasa, cánh đồng đại mạch hai bên đường gặt sớm, để lại những đụn rơm lúp xúp. Thành phố Lhasa nằm trong thung lũng rộng bao quanh là dãy núi hùng vĩ, đây là nơi hai sông Kyi Chu và Yarlung Tsangpo gặp nhau. Trước đây các nhà vua Tây Tạng bỏ thung lũng Yarlung Tsangpo để về Lhasa. Chúng tôi đã về đến Lhasa, bầu trời Lhasa như xanh hơn ngày đầu tiên chúng tôi đến đây. Từ xa cung điện Potala đã hiện ra rực rỡ trong nắng chiều.
|
Potala trong nắng chiều |
Gần một ngày trời, vừa đi thăm Ban thiền Đại sư linh tháp (Tashilunpo), vừa trải qua chặng đường 350 km từ Seagatse về. Đến Lhasa lúc này trời đã về chiều. Những tia nắng cuối cùng vương lại trên đỉnh núi cao, bầu trời dần dần thẫm lại, se lạnh. Đoàn chúng tôi vẫn hăm hở leo lên vị trí ở góc quảng trường để chụp ảnh cung điện Potala.
Lên cao, cung điện uy nghi lộng lẫy hòa lẫn với mầu xanh của bầu trời tạo thành bức tranh đầy mầu sắc. Cung điện Potala được xây trên đỉnh núi Hồng Sơn, cao 13 tầng. Lâu đài chiếm diện tích khoảng 130.000 m2 với 1.500 gian phòng, chứa hơn 10.000 Phật điện, 20.000 tượng điêu khắc lăng mộ của 8 vị Lạt Ma cùng rất nhiều bức tranh quý. Toàn bộ lâu đài đều làm bằng đá và gỗ. Trên nóc lâu đài có 8 tháp Vàng biểu tượng cho mỗi Lạt Ma, có tháp phải dùng đến 9 vạn lượng vàng.
|
Cung Potala |
Cung Potala có thể nói là một thế giới của các bức bích hoạ. Trong các cung điện và trên các hành lang đều có treo rất nhiều bích hoạ, khiến cho các cung điện và hành lang này càng trang hoàng lộng lẫy hơn. Các bức bích hoạ trong cung Potala đều được vẽ từ năm 1684, đó là công sức trong vòng hơn mười năm của 63 vị hoạ sĩ người Tây Tạng.
Potala đúng là một pháo đài kiên cố, đường đi quanh co không ai nhớ nổi. Trong ánh sáng mờ ảo chúng tôi như lạc vào cõi thần tiên của giớ Phật. Trong các góc hành lang, các nhân viên an ninh giám sát chặt chẽ các khách du lịch. Cũng đúng thôi, toàn bộ lâu đài được xây bằng gỗ, chứa hiện vật vô giá, chỉ 1 vô ý của du khách cúng có thể thiêu trụi tài sản này.
Bất chấp sự phát triển của Lhasa trong những năm gần đây, cùng với sự thay đổi nhanh chóng của các công trình theo phong cách hiện đại, cung điện Potala vẫn còn nổi bật trong cảnh quan thành phố. Trong mỗi người dân Tây Tạng Potala là trái tim tồn tại mãi với thời gian.
|
Tạm biệt Tây Tạng |
Ngày thứ 8, chúng tôi tạm biệt Lhasa, lên máy bay về Tứ Xuyên. Máy bay lướt qua những đỉnh núi hàng triệu năm tuyết bao phủ. Mây bao phủ bầu trời, nhưng những hình ảnh ở Tây Tạng hiện rõ trong chúng tôi. Một Lhasa " Nóc nhà thế giới ", cung điện Potala - một huyền thoại, một Trái tim của Tây Tạng. Kum Bum với Man đa la vĩ đại 3 chiều cùng "Đôi mắt Bồ Tát " dõi nhìn 4 phương. Bức tượng Phật bằng đồng cao nhất thế giới ở Tashilumpo với lăng mộ bằng vàng của Đà Lai Lạt Ma thứ nhất. Một Đại Chiêu Tự linh thiêng và huyền bí, một Sê Ra với khu vườn học sôi động. Những thảo nguyên bát ngát với những đàn gia súc nhởn nhơ gặm cỏ dưới đỉnh núi tuyết. Những thánh hồ trong vắt, xanh như ngọc.... Tất cả là kỷ niệm đẹp khó quên.
Ai đó đã nói rằng : "Từ Lhasa ra đi không giống như từ giã một thành phố nào đó. Dễ trở lại một nơi nào bất kỳ, nhưng Lhasa là không thể đạt tới, hầu như nó nằm ngoài thế giới này. Từ đó ra đi cũng như tan một giấc mơ mà không biết rằng nó có trở lại không". Nhưng, chúng tôi hứa với lòng mình: Nhất định chúng tôi sẽ trở lại!
(Tổng hợp từ lời kể của các thành viên noicomdien, focus S, hanoi341956 – Diễn đàn Otofun). Ảnh do nhân vật cung cấp