Ngạn ngữ có câu: “Chiến tranh không mang gương mặt của người đàn ông với áo bào nhuộm màu thuốc súng. Chiến tranh mang gương mặt của người đàn bà mòn mỏi vì chờ đợi”. Hơn một tháng sống trên đất Quảng Nam – mảnh đất có số Mẹ Việt Nam anh hùng nhiều nhất cả nước với 7.475 mẹ, trong đó 461 mẹ còn sống - người nữ họa sĩ ấy đã có những kỷ niệm không thể nào quên…
|
Họa sĩ Đặng Ái Việt bên bức tranh vẽ Mẹ Nguyễn Thị Thứ |
Câu nói nghĩa tình ở… trạm xăng
Khi thấy tôi mãi đứng tần ngần bên bức ký họa chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ, nữ họa sĩ Đặng Ái Việt (người đã có cuộc hành trình xuyên Việt bằng xe máy để vẽ chân dung những Mẹ Việt Nam anh hùng trên khắp cả nước và đang có triển lãm Nét vẽ tri ân chân dung các Mẹ tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, HN kéo dài đến hết tháng 9/2012) đã đến gần hỏi chuyện. Biết tôi là người gốc Quảng Nam, bà đã dành cho tôi những câu chuyện không giống như với các nhà báo khác. Đó là ký ức cảm động về những ngày bà sống và vẽ trên đất Quảng.
Khi chiếc xe máy Chaly nhỏ bé lăn bánh vào địa phận Quảng Nam, từ trong sâu thẳm con tim người nữ họa sĩ bỗng trào dâng một nỗi xúc động ngập tràn. Bởi bà biết mình đang được đứng trên mảnh đất vốn được mệnh danh là “vành đai trắng” trong thời Mỹ - ngụy với chính sách giết sạch, đốt sạch để diệt trừ Cộng sản. Không một mái nhà, không một làn khói, không một ngọn cây hay tiếng gà ban trưa nhưng mảnh đất ấy vẫn sống và chiến đấu. Biết bao nhiêu những chàng trai, cô gái đã lên đường trong ánh mắt đau đáu và bàn tay nắm chặt chéo khăn để giấu đi những nỗi lo, kìm nén những giọt nước mắt của mẹ. Để rồi các anh, các chị không về, lòng mẹ nát tan, chát đắng…
Trên con đường hành trình đến với các bà Mẹ Việt Nam anh hùng đất Quảng, nữ họa sĩ đã ghé một trạm xăng trên đường, trạm xăng Thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, Quảng Nam. Một trạm xăng bình thường những bao trạm xăng khác trên nẻo đường đất nước. Nhưng lại có một điều khác. Đó là chàng trai bán xăng nhất quyết không nhận số tiền 25 nghìn đồng tiền đổ xăng cùng một câu nói giản dị: “Bác cho con gửi một ít xăng để bác đi vẽ tiếp chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng”. Nước mắt đã rơi trên gương mặt nữ họa sĩ vì câu nói đó.
Hơn một tháng trời, 40 bức chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng đất Quảng đã được vẽ trong niềm xúc động trào dâng từng ngày ở từng vùng đất Điện Bàn, Đại Lộc, Tam Kỳ… Đây Mẹ Phạm Thị Mai sinh năm 1917 có chồng và 3 con hy sinh, đây Mẹ Nguyễn Thị Quốc sinh năm 1916 có chồng và hai con hy sinh, đây mẹ Phạm Thị Đệ sinh năm 1922 có ba người con hy sinh… Đã đi gần hết những nẻo đường đất nước, mỗi miền đất, con người đều có sắc thái riêng, nhưng nét đọng lại trong lòng nữ họa sĩ về những Mẹ Việt Nam anh hùng đất Quảng Nam đó là nét khắc khổ trên gương mặt các Mẹ. Nét khắc khổ được hình thành từ những năm tháng ác liệt của chiến tranh khi nơi đây là vành đai trắng, được hình thành từ sự mỏi mòn chờ đợi của cuộc chiến tranh “mang gương mặt người đàn bà”, được hình thành từ nỗi đau khổ tột cùng vì sự mất mát quá lớn khi cả người chồng thân yêu lẫn hai, ba thậm chí là sáu, bảy đứa con ra đi không trở về.
Quyết định chớp nhoáng để đời
Sở dĩ tôi đứng tần ngần rất lâu ở bên bức tranh mẹ Nguyễn Thị Thứ, bởi đây là bức tranh duy nhất trong số hàng trăm bức tranh mà nữ họa sĩ vẽ một Mẹ Việt Nam anh hùng trong tư thế đang nằm. Ký ức dội về theo từng lời kể của người vẽ…
Trên chặng đường đi vẽ, nữ họa sĩ đã gặp rất nhiều Mẹ Việt Nam anh hùng, nhưng nếu như lỡ đến đúng khi Mẹ ốm, nằm liệt giường thì thường không nỡ bắt tội Mẹ ngồi dậy để vẽ, vừa khổ Mẹ mà thần sắc bức tranh cũng kém sinh động. Những lúc như vậy nữ họa sĩ chỉ thường ôm hôn và chụp với Mẹ một tấm ảnh kỷ niệm. Hôm đó, ngày 28/4/2010, khi nữ họa sĩ gặp Mẹ Nguyễn Thị Thứ, Mẹ cũng đang ốm nặng và được người con trai là anh Lê Tự Thận đưa ra Đà Nẵng chăm sóc. Mẹ Thứ có 9 người con, 2 cháu ngoại và 1 con rể hy sinh, con gái lớn của Mẹ - bà Lê Thị Trị cũng là Mẹ Việt Nam anh hùng. Chín lần nhận tin báo tử là chín lần Mẹ Thứ chết đi sống lại. Cứ thế, nấm mồ này cỏ chưa xanh đã lại phải đắp thêm một nấm mộ mới cho những người con ruột thịt. Tin dữ của người con út khi anh hy sinh ngay chân cầu Sài Gòn trong ngày giải phóng đã đánh gục Mẹ Thứ ốm liệt một thời gian dài. Gặp Mẹ, dù không dậy được nhưng thần thái mẹ Thứ vẫn rất minh mẫn, Mẹ nghe hết câu chuyện và khẽ nắm tay nữ họa sĩ.
Câu chuyện ấy, dáng hình ấy, thần thái ấy của người mẹ đã khiến cho người họa sĩ không nén được cảm xúc và quyết định vẽ Mẹ ngay trong tư thế đang nằm, vừa vẽ vừa khóc. Và để rồi, quyết định chớp nhoáng ấy đã biến bức tranh Mẹ Thứ thành bức tranh độc đáo duy nhất và trở thành tư liệu vô cùng quý giá cuối cùng về Mẹ Thứ vì không lâu sau đó Mẹ qua đời…
Hồng Minh