Hành vi bạo lực gia đình bị xử lý như thế nào?

(PLVN) - Bạn Nguyễn Hiền (Hà Nội) hỏi: Chị tôi thường xuyên bị chồng bạo hành về thể chất lẫn tinh thần, mặc dù đã cố gắng nhẫn nhịn nhưng tình trạng này không thay đổi. Xin hỏi, người có hành vi bạo lực gia đình sẽ phải chịu hình phạt nào theo quy định pháp luật hiện nay? Các biện pháp để ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình?
Luật sư Chu Quỳnh Vương.

Luật sư Chu Quỳnh Vương - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho biết: Theo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022, hành vi bạo lực gia đình không chỉ làm tổn thương về thể chất mà còn gây ra những tổn hại lớn đến tinh thần, danh dự, nhân phẩm của người bị hại. Các biện pháp ngăn chặn và bảo vệ người bị hại được quy định rõ ràng. Những biện pháp này sẽ giúp bảo vệ an toàn cho người bị bạo lực trong thời gian xử lý vụ việc:

Buộc người gây bạo lực chấm dứt hành vi bạo lực gia đình (Điều 23, 24 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022): Người có thẩm quyền giải quyết vụ việc có thể được áp dụng ngay các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật để chấm dứt hành vi bạo lực gia đình và đặc biệt khi sự việc xảy ra thì Trưởng Công an xã có quyền yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình để làm rõ thông tin, giải quyết vụ việc, đây được coi là biện pháp ngay tức khắc, kịp thời để bảo vệ người bị bạo hành.

Cấm tiếp xúc với người bị hại (Điều 25, 26 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 và hướng dẫn chi tiết tại Chương III Nghị định 76/2023/NĐ-CP): Người gây bạo lực có thể bị cấm tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với nạn nhân trong tối đa 6 tháng. Điều này giúp ngừng ngay các hành vi tiếp diễn của người gây bạo lực.

Hỗ trợ nơi tạm lánh và hỗ trợ nhu cầu thiết yếu (Điều 28 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022): Người bị hại sẽ được đưa vào nhà tạm lánh, cơ sở bảo trợ xã hội, nơi cung cấp chỗ ở an toàn, chăm sóc y tế, tư vấn pháp lý và hỗ trợ tâm lý miễn phí.

Giáo dục hành vi cho người gây bạo lực (Điều 31 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022): Người gây bạo lực có thể bị yêu cầu tham gia các chương trình tư vấn, giáo dục chuyển đổi hành vi. Những chương trình này giúp người vi phạm nhận thức được mức độ nghiêm trọng của hành vi của mình và có sự thay đổi tích cực trong hành vi.

Bên cạnh đó, để xử lý những hành vi này, pháp luật hiện hành quy định các mức xử lý như sau:

Xử phạt hành chính, căn cứ Điều 52, Điều 53, Điều 54 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định, hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình, hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình, hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình sẽ bị phạt tiền 5 - 20 triệu đồng. Hành vi cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý sẽ bị phạt tiền 5 - 30 triệu đồng theo quy định tại Điều 55 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

Xử lý hình sự: Nếu hành vi bạo lực gia đình nghiêm trọng, gây tổn thương về thể chất, có thể bị xử lý theo Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Cụ thể, Điều 134 tại Bộ luật này quy định Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với mức phạt tù có thể lên tới 20 năm, tùy theo mức độ tổn thương. Điều 140 quy định Tội hành hạ người khác, mức phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm. Điều 143 quy định Tội cưỡng ép quan hệ tình dục, hình phạt có thể lên tới 15 năm tù tùy vào mức độ vi phạm. Điều 185 quy định về Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình mức phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Ngoài hình phạt tù, người phạm tội còn có thể bị buộc bồi thường thiệt hại cho nạn nhân, bao gồm chi phí điều trị, chi phí phục hồi sức khỏe, tổn thất tinh thần và những thiệt hại khác liên quan đến hành vi phạm tội của mình.

Xử lý về Đảng: Đối với những trường hợp người bạo lực là đảng viên thì còn có thể bị chịu các hình thức kỷ luật Đảng (từ khiển trách đến khai trừ), cụ thể quy định tại Điều 18 Quy định 37-QĐ/TW năm 2021 quy định về những điều đảng viên không được làm, trong đó có bạo lực gia đình và Điều 50 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 quy định về kỷ luật tổ chức Đảng và đảng viên vi phạm.

Để bảo vệ quyền lợi của mình, người bị hại cần thực hiện: Lập biên bản chứng minh hành vi bạo lực, cung cấp chứng cứ về hành vi bạo lực như hình ảnh, video, báo cáo y tế về thương tích, lời khai của nhân chứng. Trình báo công an hoặc chính quyền địa phương, người bị hại hoặc người thân có thể đến công an xã/phường để tố cáo hành vi bạo lực, đồng thời yêu cầu áp dụng các biện pháp bảo vệ tạm thời. Yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp ngừng hành vi bạo lực, nếu hành vi bạo lực vẫn tiếp diễn, người bị hại có thể yêu cầu tòa án ra lệnh bảo vệ, như cấm tiếp xúc hoặc yêu cầu người gây bạo lực rời khỏi nơi cư trú. Nhận hỗ trợ pháp lý, nạn nhân có thể liên hệ với các tổ chức hỗ trợ phụ nữ hoặc tư vấn pháp lý miễn phí để được hướng dẫn cụ thể về các quyền lợi và cách thức thực hiện.

Đọc thêm