- Luật sư Lê Thị Thùy - Đoàn Luật sư TP Hà Nội tư vấn: Theo quy định tại khoản 1 Điều 86 Luật BHXH năm 2014, người sử dụng lao động có trách nhiệm hằng tháng đóng 3% vào quỹ ốm đau, thai sản trên quỹ tiền lương đóng BHXH của NLĐ để thực hiện giải quyết chế độ ốm đau, thai sản cho NLĐ.
Bên cạnh đó, tại khoản 3 Điều 18 Nghị định 115/2015/NĐ-CP cũng quy định, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng đủ BHXH, BHTN, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định đối với NLĐ đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, BHTN cho NLĐ.
Về điều kiện hưởng trợ cấp thai sản, theo khoản 2, khoản 3 Điều 31 Luật BHXH năm 2014, lao động nữ sinh con được hưởng chế độ thai sản khi đã đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con; hoặc đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 3 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
Đặc biệt, tại khoản 4 Điều 31 Luật BHXH năm 2014 quy định, NLĐ đủ điều kiện theo quy định đã nêu trên mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định.
Đồng thời, theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại Công văn số 1025/LĐTBXH-BHXH ngày 23/3/2023 và hướng dẫn của BHXH Việt Nam tại Công văn số 1880/BHXH-CSXH ngày 21/6/2023, thì NLĐ vẫn có thể được giải quyết chế độ thai sản nếu doanh nghiệp thuộc một trong các trường hợp đang làm thủ tục phá sản; đã có quyết định phá sản của tòa án; không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký; không có người đại diện theo pháp luật.
Trong các trường hợp này, thời gian thực đóng BHXH của NLĐ đến thời điểm doanh nghiệp còn đóng sẽ được xác nhận trên sổ BHXH để làm căn cứ giải quyết chế độ.
Nếu sau này doanh nghiệp hoặc nguồn tài chính khác đóng bù phần BHXH còn thiếu và làm thay đổi mức trợ cấp, cơ quan BHXH sẽ điều chỉnh mức hưởng và chi trả bổ sung theo quy định.
Như vậy, căn cứ theo các quy định nêu trên, nếu NLĐ đóng từ đủ 6 tháng trong vòng 12 tháng trước khi sinh thì sẽ được hưởng chế độ thai sản bình thường mà hoàn toàn không liên quan đến việc công ty của bạn có giải thể hay không.
Tiền hưởng chế độ thai sản là do cơ quan BHXH chi trả, người sử dụng lao động chỉ có trách nhiệm nộp hồ sơ và chuyển tiền thai sản cho người được hưởng chế độ. Do vậy, nếu công ty bạn làm thủ tục báo giảm cho NLĐ đó trước khi công ty giải thể thì thay vì công ty bạn lập hồ sơ hưởng chế độ thai sản và nộp lên cơ quan BHXH cho NLĐ thì nay bạn phải trực tiếp đi nộp cho cơ quan BHXH nơi công ty bạn đóng BHXH.
Theo Điều 101 Luật BHXH năm 2014 quy định hồ sơ hưởng chế độ thai sản như sau: Bản sao giấy khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con; Bản sao giấy chứng tử của con trong trường hợp con chết, bản sao giấy chứng tử của mẹ trong trường hợp sau khi sinh con mà mẹ chết; Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về tình trạng người mẹ sau khi sinh con mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con; Trích sao hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ trong trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh; Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc lao động nữ phải nghỉ việc để dưỡng thai đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 31 Luật BHXH năm 2014.