Sở dĩ có tên gọi trên do xuất phát từ Nghị quyết số 03 NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Hưng ngày 28/4/1992 “Về tiếp tục đổi mới tổ chức và quản lý Hợp tác xã nông nghiệp”. Tại mục 2 - Chủ trương và biện pháp chung có nêu: “Về đất canh tác: Trên dưới 95% quỹ đất canh tác phải được giao ổn định lâu dài cho hộ xã viên trên cơ sở tôn trọng Luật Đất đai và Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị”.
Đây là Nghị quyết cụ thể hóa, mở rộng việc khoán 10 “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm và người lao động trong hợp tác xã sản xuất nông nghiệp”, vốn được thực hiện thí điểm theo Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị ngày 05/4/1988 thành việc giao quyền sử dụng ruộng đất ổn định lâu dài cho hộ nông dân.
Từ Nghị quyết này, các hộ gia đình trên địa bàn tỉnh Hải Hưng được giao đất ruộng ổn định lâu dài phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tên gọi “loại đất 03” hay “ruộng 03” là cách gọi “tắt”, gọi kiểu “dân gian”, đặt tên gọi dễ gợi nhớ đến nguồn gốc văn bản của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Hưng chủ trương giao ruộng cho người dân trên địa bàn. Tên gọi “loại đất 03” chỉ gắn với đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Hưng cũ, nay là tỉnh Hưng Yên và tỉnh Hải Dương mà không tồn tại ở địa bàn địa phương khác.
![]() |
Tên gọi “loại đất 03” chỉ gắn với đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Hưng cũ, nay là tỉnh Hưng Yên và tỉnh Hải Dương. (Ảnh minh họa: VGP) |
Trước đây thông tin về đất 03 hay ruộng 03 được lưu trữ trên các nền tảng số không thực sự đầy đủ bởi lẽ Nghị quyết số 03 NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Hưng ngày 28/4/1992 “Về tiếp tục đổi mới tổ chức và quản lý Hợp tác xã nông nghiệp” không dễ tìm thấy trên môi trường mạng Internet. Do đó, các thông tin mà người dân nhận được khi tìm hiểu dường như không được tiếp cận Nghị quyết này.
“Sau nhiều năm hành nghề, tôi đã tiếp cận được tập các văn bản giấy do Sở Nông nghiệp tỉnh Hải Hưng ấn hành năm 1993 về Giao quyền sử dụng ruộng đất cho hộ nông dân và đổi mới tổ chức quản lý hợp tác xã nông nghiệp để từ đó đưa những ý kiến như trên” - Luật sư Lực cho biết.