Hành vi chạm ngưỡng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mới đây, sự việc xảy ra ở huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An khiến dư luận xôn xao: Trong Văn phòng Công chứng, một người đàn ông rút súng dí vào ngực người khác để một phụ nữ xé Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà vợ ông này.

Vụ việc đang được Công an địa phương làm rõ sau đơn tố cáo của khổ chủ nhưng hành vi dùng súng đe dọa cùng với việc xé sổ đỏ thể hiện một cách ứng xử thô bạo, phản cảm nơi công cộng, gây nên sự bất bình và phẫn nộ của dư luận xã hội cần phải xử lý đến nơi, đến chốn.

Hình ảnh người đàn ông cầm súng tại một văn phòng công chứng ở thị trấn Nghĩa Đàn.

Hình ảnh người đàn ông cầm súng tại một văn phòng công chứng ở thị trấn Nghĩa Đàn.

Đáng phải lưu tâm là hành vi rút súng đe dọa người khác từng xảy ra và bị nghiêm trị đích đáng, có ông Giám đốc Công ty bảo vệ thực hiện hành vi này khi ra tòa đã bật khóc vì hối hận và nhận án tù. Thế mà hành vi đó vẫn tiếp diễn thì đó là sự “coi trời bằng vung”.

Tại một diễn biến khác, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh vừa có công văn khẩn chỉ đạo Giám đốc Sở LĐ-TB&XH thực hiện ngay việc minh bạch số tiền kêu gọi quyên góp cứu trợ đồng bào mùa dịch sau khi có đơn tố cáo về những khuất tất trong lĩnh vực này. Động thái này làm dư luận liên tưởng ngay đến việc cách đây không lâu, ông Giám đốc này từng phát ngôn “chưa ai bị thiếu ăn, thiếu mặc, khốn khổ” trong đại dịch. Bị dư luận phản ứng gay gắt, ông đổ lỗi cho báo chí đưa tin sai lệch về phát ngôn của ông. Khi bằng chứng ghi âm được đưa ra, ông xin lỗi nhân dân nhưng không hề xin lỗi báo chí.

Ngay trước ngày Phụ nữ Quốc tế 8/3, tại TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương có một phụ nữ tìm cách trốn khỏi quán karaoke “do bị ép tiếp khách” theo lời kể của nạn nhân và đã bị rơi từ lầu 3 xuống đất trọng thương. Bất kể vì lý do gì nhưng đây thực sự là một cú sốc đối với dư luận vì vẫn còn những thân phận phụ nữ như thế trong xã hội chúng ta.

Không liên quan gì đến hành vi ứng xử thô bạo nhưng là biểu hiện của một sự vô cảm “sống chết mặc bay, tiền thày bỏ túi”. Đó là việc một công trình nước sạch cho người nghèo ở Điện Biên giá trị 5 tỷ đồng, nghiệm thu xong thì bỏ hoang từ đó đến giờ không sử dụng được. Đây không chỉ là một sự lãng phí lớn mà còn là lương tâm và trách nhiệm của những chủ dự án và thi công công trình này. Nó đã chạm đến ranh giới của việc xử lý theo pháp luật hình sự.

Điểm qua một vài cách ứng xử xảy ra trong cùng một thời gian ngắn cho thấy văn hóa ứng xử trong xã hội hiện tại ở một số người vẫn chưa được coi trọng. Buồn thay!

Đọc thêm