Gần đây, trên các báo điện tử và mạng internet đang truyền đi những clip nữ sinh bị đánh hội đồng, bị lột áo, bắt quỳ xin lỗi, nhục mạ hay hãm hại một cách phi nhân tính... bởi chính các nữ sinh khác hoặc nhóm nữ sinh hư, nghỉ học sớm. Clip gây xôn xao gần đây nhất là clip nữ sinh bị đánh hội đồng ở Nghệ An, ba nữ sinh ẩu đả trong tòa nhà Vincom, Hà Nội, nữ sinh bị 6 người đánh hội đồng ở thị xã Cẩm Phả (Quảng Ninh)… mà vụ đánh nhau sau có mức độ phi nhân tính hơn vụ trước.
|
Hình ảnh hành hung bạn học lan tràn trên internet. |
Giữa năm 2010, cũng đã xảy ra vụ đánh nhau giữa 2 nhóm thanh niên 15-16 tuổi, là học sinh lớp 10 Trường THPT Lê Chân và THPT Đồng Hòa, tại khu vực đầu ngõ 81, phố Phạm Hữu Điều, phường Niệm Nghĩa (quận Lê Chân) mà nguyên nhân chỉ vì cho rằng “ nhìn đểu”, và mới đây là vụ đánh nhau giữa hai nhóm học sinh trước cổng trường Herman Gmeiner, trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Hải An)…
Lý do đánh bạn chủ yếu do những mâu thuẫn nhỏ, từ chuyện cho rằng bạn “nhìn đểu”, ganh ghét nhau cách ăn mặc, lời nói, thái độ đến… ghen tuông!. Những hành động đó đã và đang làm hoen ố hình ảnh trong sáng và dịu dàng của nữ sinh nói riêng và phụ nữ Việt Nam nói chung. Một trong những nguyên nhân của sự bùng phát các clip nữ sinh bị đánh hội đồng là do sự buông lỏng quản lý truyền thông đối với những trang web teen, blog… dành cho tuổi mới lớn. Học sinh ngày nay dễ dàng tiếp cận những phương tiện giải trí như game online và truyền hình nên không xa lạ gì những cảnh bạo lực, toàn những cảnh đấm đá man rợ, phần nào ảnh hưởng xấu đến các em.
Hệ quả đau lòng là không chỉ những nhân vật tham gia đánh bạn bị buộc phải thôi học, bị đình chỉ học tập hay bị xử lý theo pháp luật mà chúng còn tạo ra một sức ép dư luận không nhỏ cho những người xung quanh. Mới đây, Công an thị xã Cẩm Phả (Quảng Ninh) vừa ra quyết định khởi tố vụ án làm nhục nữ sinh với 3 tội danh gồm “Gây rối trật tự công cộng”; “Làm nhục người khác” và “Cố ý gây thương tích” để tiếp tục điều tra làm rõ những đối tượng liên quan.
Bên cạnh việc kiên quyết phê phán công khai và xử lý kỷ luật nghiêm đối với hành vi đánh nhau của học sinh, ngành giáo dục, gia đình và xã hội cần tăng cường giáo dục kỹ năng sống và đạo đức, lối sống cho học sinh. Ngành giáo dục cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về hình thức xử lý đối với những trường hợp đánh nhau (chưa đến mức xử lý theo pháp luật) để bảo đảm thống nhất, có tác dụng răn đe nhưng vẫn tạo điều kiện cho các em sửa chữa khuyết điểm. Về phía nhà trường cần đưa vào nội quy để phổ biến cho học sinh về việc nghiêm cấm tuyệt đối các hành vi tổ chức đánh nhau hay che giấu, cổ súy cho các hành động nói trên.
Đối với các trường hợp đánh nhau cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng... cần tùy theo mức độ để có biện pháp xử lý đúng quy định của pháp luật. Trường hợp chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì xử lý hành chính như đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa ra tổ dân phố, trường lớp làm kiểm điểm. Nên chăng, cơ quan quản lý truyền thông có quy định về hạn chế cảnh bạo lực trên các nội dung đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Hoàng Hà