Hành xử văn minh không thể có bạo lực

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Bạo lực - dù với lý do là gì đi nữa, đều không phải là hành động mà người văn minh nên làm. Đặc biệt là hành động bạo lực thực hiện trước sự chứng kiến của người thân trong gia đình.
Diễn viên Will Smith tát MC vì có ngôn ngữ khiếm nhã với vợ mình.
Diễn viên Will Smith tát MC vì có ngôn ngữ khiếm nhã với vợ mình.

Tranh cãi quanh cái tát “bảo vệ bạn đời”

Tuần qua, hình ảnh cái tát của nam diễn viên Will Smith trên sân khấu Oscar trở thành đề tài bàn tán, tranh luận của khán giả từ Tây sang Đông, trong đó có một bộ phận người Việt.

Bực tức vì nam MC có ngôn ngữ khiếm nhã đùa cợt trước tình trạng bệnh của vợ mình, Will Smith đã tiến lên sân khấu, trước ánh mắt của bao người, bất chấp đang trên sóng trực tiếp, cho Chris Rock một cú tát. Cú tát ấy đã trở thành hình ảnh nổi bật nhất của giải Oscar năm nay, chiếm sóng trên mạng xã hội.

Một bộ phận phụ nữ lẫn nam giới háo hức, hả hê và đồng tình với hành xử của Will Smith bởi dám đứng ra bảo vệ người thân yêu của mình, dù bảo vệ bằng nắm đấm. Có không ít ý kiến của cánh đàn ông đồng thuận rằng “phải là tôi, nếu đối xử với vợ tôi như trên thì tôi cũng hành xử như thế”.

Một bộ phận phái đẹp, trong đó có cả những người nổi tiếng, lên tiếng ngợi khen hành động của Will Smith là “chính nghĩa”, dám nghĩ, dám làm để bảo vệ người đầu ấp tay gối của mình. Một nữ ca sĩ trẻ đã chia sẻ rằng: “Nếu chồng tôi hành động như thế vì tôi, tôi sẽ rất cảm động. Qua việc anh ấy bỏ qua những rắc rối có thể xảy đến cho sự nghiệp để bảo vệ vợ mình, đó là một người đàn ông đúng nghĩa”.

Ở một chiều người lại, có không ít người cho rằng, hành động bạo lực bộc phát ấy chẳng mang ý nghĩa tốt đẹp gì, thậm chí còn mang theo nhiều yếu tố tiêu cực. Một số ngôi sao nổi tiếng của phương Tây cũng đã lên tiếng phản ứng không đồng tình trước hành động bạo lực nói trên.

Tại Việt Nam, có không ít người cho rằng, nam diễn viên có thể lựa chọn hành xử khác, thay vì tát vào mặt đồng nghiệp giữa chốn đông người. Một nữ giảng viên đại học ở Hà Nội, trong bài viết của mình đã phân tích rằng, một người đàn ông không kiểm soát được hành động bạo lực trước đông người, trước hết anh ấy không văn minh.

Thứ hai, việc bạo lực lại diễn ra trước mắt vợ và vì trên truyền hình trực tiếp, nên có khả năng các con của anh ấy cũng sẽ chứng kiến. Những hành động không hay ấy sẽ để lại ấn tượng không hay trong lòng con trẻ. Thậm chí, con cái cũng rất có khả năng học theo khuynh hướng bạo lực của nam diễn viên. Giá mà trước những câu đùa cợt khiếm nhã của MC, nam diễn viên tiến lên sân khấu để nghiêm túc đòi hỏi một lời xin lỗi dành cho vợ mình, có lẽ sẽ văn minh hơn, đẹp hơn nhiều.

Hậu quả của bạo lực

Trên thực tế, không phải người vợ nào cũng cảm thấy “cảm động” hay “tự hào” khi được chồng dùng nắm đấm với người khác để bảo vệ mình. Cách đây ít lâu, trên mạng xã hội có chia sẻ một clip quay lại cảnh người chồng, phản ứng trước chuyện người đàn ông khác va quệt phải vợ mình với thái độ xấu nên đã hành hung người nọ. Trong khi đó, người vợ và con gái lao đến ôm chặt cha mình, van xin hết lời đừng đánh nhau với người khác. Có thể thấy được trong clip, người vợ không hề tự hào vì hành động “bênh vực” của chồng mà hoảng loạn, xấu hổ, còn cô con gái nhỏ thì sợ hãi trước hành vi của bố mình.

Những câu chuyện như thế có không ít trong cuộc sống, khi người chồng, người cha nổi máu “yêng hùng” ngoài đường phố, khiến vợ con rúm ró vì bất an, chỉ mong cho mọi chuyện mau chóng kết thúc. Chẳng mấy người vợ xúc động hay tự hào vì hành vi bạo lực của chồng trước đám đông, cho dù là nhân danh bảo vệ vợ con.

Mở rộng ra, có những chuyện nhân danh sự bảo vệ, dùng nắm đấm nói chuyện để lại hậu quả đau thương. Đã biết bao câu chuyện về những thanh niên trai trẻ thừa nhiệt huyết, thiếu suy nghĩ, cãi nhau, đánh nhau ngoài đường vì “chướng mắt” trước hành vi trêu cợt người yêu, bạn nữ của mình. Kết quả người chết, kẻ bị thương. Hay những chàng trai trẻ kéo cả băng nhóm đi để trả đũa kẻ đã khiếm nhã với bạn gái mình, để rồi buổi đòi công bằng trở thành ẩu đả, và trong cơn hăng máu, án mạng xảy ra, sau đó là tù tội, khép lại tương lai.

Người ta có thể bao biện bằng nhiều lý do khác nhau, cho rằng có những hành động bạo lực được coi là chính nghĩa. Nhưng, một lần nữa, có rất nhiều cách giải quyết vấn đề thay vì nắm đấm và cú đá. Một hạt giống bạo lực rơi xuống, sẽ nảy ra cả một khu vườn, sẽ trở thành thói quen xấu, thành nhận thức lệch lạc cho cả một thế hệ, một xã hội. Bạo lực không bao giờ là hành vi của người đàn ông văn minh và thông minh, dẫu nhân danh bất kì điều gì đi nữa.