Hào hùng lễ tái hiện Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế

Tối 9/1, tại Quảng trường núi Bân (phường An Tây), UBND thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức khánh thành tượng đài Quang Trung và Lễ hội tái hiện khung cảnh Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế.

Tối 9/1, tại Quảng trường núi Bân (phường An Tây), UBND thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức khánh thành tượng đài Quang Trung và Lễ hội tái hiện khung cảnh Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế.

Lễ cắt băng khánh thành có sự tham gia của các vị Lãnh đạo Bộ, tỉnh

Lễ hội này mở đầu cho các hoạt động hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, và các hoạt động văn hoá lớn trong năm nay của Thừa Thiên - Huế.

Tượng đài Quang Trung - Nguyễn Huệ được đặt ở vị trí trang trọng tại công trình tưởng niệm vị anh hùng dân tộc ở núi Bân. Tượng cao 2,1 m, chất liệu đá thanh được làm từ 8 khối đá với 18 mảng, mỗi mảng nặng 10 - 60 tấn. Tác phẩm do nhà điêu khắc Lê Đình Quỳ sáng tác và Công ty TNHH xây dựng mỹ thuật Hà Nội thực hiện với tổng kinh phí đầu tư là 19,8 tỷ đồng.

Ngoài tượng đài, ở đây còn có sân hành lễ, nhà thờ hoàng đế Quang Trung và hoàng hậu Lê Ngọc Hân cùng các quan văn võ; nhà trưng bày tư liệu hiện vật của phong trào khởi nghĩa Tây Sơn; cùng hệ thống cây xanh và các công trình khác.

Tượng đài vị anh hùng dân tộc Quang Trung được đặt ở vị trí trang trọng tại công trình tưởng niệm ở núi Bân.
 

Phần tái hiện Lễ hội Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế bắt đầu bằng một hồi trống trận rền vang, biểu tượng sức mạnh và hào khí của đoàn quân Tây Sơn thuở nào. Từ lối vào bên cánh trái khu tưởng niệm, vua Quang Trung ngồi trên voi tiến vào khu vực hành lễ, theo sau là nữ tướng Bùi Thị Xuân và đoàn tuỳ tùng hộ giá. Có tới 1.480 diễn viên, nhạc công được bố trí thành các đạo binh gồm: bộ binh, kỵ binh, thuỷ binh với các voi chiến, ngựa chiến, súng đại bác dẫn dắt người xem và khách du lịch vào đại lễ.


Màn múa cờ, võ cổ truyền Bình Định, đồng diễn võ thuật tái hiện thuỷ quân, luyện tập hành quân thần tốc của các binh sĩ dưới trang phục muôn màu sắc của các dân tộc anh em trong đoàn quân tiến ra Bắc đánh tan 20 vạn quân Thanh, giải phóng thành Thăng Long xuân Kỷ Dậu 1789.

Màn múa cờ, võ cổ truyền Bình Định

Lễ đăng quang hào hùng với "Lời tuyên cáo", "Chiếu lên ngôi" giữa ba quân tướng sĩ, và hàng loạt phát đại bác khai hoả. Quang Trung đứng dậy, dõng dạc: "Đánh cho để dài tóc. Đánh cho để đen răng. Đánh cho nó chích luân bất phản, đánh cho nó phiến giáp bất hoàn. Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ." Dứt lời, nhà vua tuốt gươm khỏi vỏ, giơ cao lên trời thể hiện ý chí quyết chiến, quyết thắng của dân tộc. Vua Quang Trung cùng Bùi Thị Xuân cỡi voi đi giữa trùng điệp những đạo quân, hành quân tiến ra trận tiền chống giặc ngoại xâm, thu giang sơn về một mối...

Nguồn: VTC

Đọc thêm