Hạt dưa “mắc cạn”

Sau Tết Canh Dần, trong khi các doanh nghiệp cả nước bắt tay ngay vào việc sản xuất hàng hóa cho thị trường thì đối với các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh hạt dưa, họ vẫn chưa thoát ra khỏi “cuộc khủng hoảng” từ việc tẩy chay hạt dưa bẩn của người tiêu dùng.

Sau Tết Canh Dần, trong khi các doanh nghiệp cả nước bắt tay ngay vào việc sản xuất hàng hóa cho thị trường thì đối với các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh hạt dưa, họ vẫn chưa thoát ra khỏi “cuộc khủng hoảng” từ việc tẩy chay hạt dưa bẩn của người tiêu dùng.

Ế ẩm hạt dưa.

Ế ẩm hạt dưa. 

Hiện tại, số lượng các lò cung cấp hạt dưa ra thị trường Đà Nẵng như: Tấn Lợi, Hải Phát (TP. Hồ Chí Minh), Tân Ký (Huế), Tấn Phát, Tâm Thanh (Bình Thuận) bị thu hẹp đáng kể. Trước đây, cứ một hộ kinh doanh mặt hàng này trung bình tiêu thụ khoảng 50 - 200kg hạt dưa/(tháng Tết), ngày thường cũng mấy kg, nay vài lạng cũng không ai hỏi mua. Tiểu thương chợ Hàn còn cho biết, từ sau Tết, các quán cà-phê, nhà hàng tiệc cưới thường đặt hàng hạt dưa, nhưng bây giờ thì những mối hàng này không lấy nữa. Nhiều chị em do trữ trước thời điểm có thông tin xấu về hạt dưa, nay không bán được, phải chịu lỗ hàng chục triệu đồng. 

Chúng tôi liên hệ qua điện thoại với một cơ sở sản xuất tại Phú Yên (đề nghị không nêu tên) và được biết: Từ trước Tết, vì không bán được hàng, cơ sở đã ngừng sản xuất và cho hàng chục lao động về quê. Chủ cơ sở này đang tìm thị trường để sản xuất mặt hàng nước rửa chén. Nhiều lò sản xuất tại miền Trung và TP. Hồ Chí Minh đang thu hẹp công suất hoặc giảm bớt lao động. Những doanh nghiệp lớn như Tấn Phát, Thiên Hương giờ đang cố gắng tìm cách xốc lại thị trường, củng cố niềm tin đối với bạn hàng, khách hàng bằng những công bố chính thức về chất lượng hạt dưa của các cơ quan chức năng.

Những ngày này, khi đi tìm hiểu thị trường hạt dưa, đến chợ nào, chúng tôi cũng bị các chị tiểu thương kéo lại than trách. Chị Đỗ Lan (quầy thực phẩm số 5 chợ Cồn) nói: “Chẳng thà người dân tẩy chay loại hạt dưa có hóa chất độc hại đã đành, ngay cả những loại đã được kiểm nghiệm và công bố tiêu chuẩn rõ ràng, họ cũng không mua. Cứ nhìn thấy hạt dưa bày bán trong quầy là người ta khuyên nhau tốt nhất là không nên ăn nữa”. Ảnh hưởng dây chuyền, nhiều loại bánh kẹo, mứt xuất xứ từ các cơ sở tư nhân khác cũng bị người tiêu dùng né tránh. Bà Trần Thị Thơm (quầy hàng 145, đình 6, chợ Cồn) thở dài: “Các khách hàng đều tỏ ra xét nét từng món hàng. Họ bảo nhau nên mua trong các siêu thị cho bảo đảm an toàn. Chúng tôi buôn bán bằng uy tín lâu năm, đâu ai muốn mình bán hàng kém chất lượng để bị mất khách hàng”.  

Cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra hạt dưa tại các chợ.

Cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra hạt dưa tại các chợ. 

Vụ hạt dưa bị phát hiện chứa chất Rhodamine B không phải là trường hợp ngoại lệ đối với nhóm hàng thực phẩm. Tuy nhiên, nói một cách khách quan, hạt dưa chỉ là loại thực phẩm ăn “chơi”, không thuộc nhóm hàng thiết yếu, cho nên chịu số phận cô lập. Trong khi đó, nhiều loại hàng hóa khác đã bị phát hiện sử dụng nhiều hóa chất gây nguy hại cho con người như sữa, nước tương, tương ớt lại ít chịu ảnh hưởng lâu dài như hạt dưa.

Bởi vì những thực phẩm kể trên có mặt thường xuyên trong bữa cơm của người dân, vì thế dù có sợ, thì sau một thời gian ngắn, bắt buộc người ta vẫn phải sử dụng. Còn đối với hạt dưa, chỉ dùng nhiều vào dịp lễ Tết, do đó tâm lý người tiêu dùng “không ăn cũng chẳng mất mát gì”, nên đã ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ngành hàng này, người lao động cho doanh nghiệp bị mất việc làm… Vì vậy, các cơ quan chức năng cần có hướng xử lý để các cơ sở sản xuất, kinh doanh hạt dưa có điều kiện trở lại hoạt động bình thường, tạo việc làm cho người lao động.

Bài và ảnh:Duyên Anh

Đọc thêm