Hát Sắc bùa ngày xuân

Hồi nửa đầu thế kỷ XX, làng Chấn Sơn, tổng Đức Thượng, nay thuộc xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) có hai hội Sắc bùa: Hội của ông Nguyễn Sư Lưỡng và hội của ông Hai Trừng, người họ Đỗ.
Hồi nửa đầu thế kỷ XX, làng Chấn Sơn, tổng Đức Thượng, nay thuộc xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) có hai hội Sắc bùa: Hội của ông Nguyễn Sư Lưỡng và hội của ông Hai Trừng, người họ Đỗ. Trong đó, hội của ông Nguyễn Sư Lưỡng có quy mô hơn với 12 thành viên. Ông Lưỡng nguyên người gốc làng Hà Dục, nay thuộc xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc. Sau khi lấy vợ người làng Chấn Sơn, ông về lập nghiệp hẳn bên quê vợ và lập hội Sắc bùa do mình làm cái. Ông sử dụng trống cơm, các thành viên còn lại 7 người sử dụng sinh tiền và 4 người sử dụng phách tre.

Khi đi sắc, cả hội đều đội khăn đóng, mặc áo dài đen, quần trắng.
Tương truyền, hội Sắc bùa của ông Nguyễn Sư Lưỡng đông người nên khi vào nhà ai, cả hội phải ngồi. Nhà giàu cũng ngồi mà nghèo cũng ngồi. Nhà giàu xưa thường có bộ ván gỗ rộng, cả hội được ngồi trên bộ ván gỗ ấy biểu diễn. Còn nhà nghèo phải trải chiếu ngay dưới đất mà ngồi… Đặc biệt, các hội Sắc bùa ở Chấn Sơn biểu diễn được bao nhiêu tiền không chia cho các thành viên mà làm quỹ chung để sắm áo quần, nhạc cụ và… nuôi heo. Đến cuối năm, vào ngày 28 tháng chạp âm lịch, các thành viên tập trung tại nhà ông hội trưởng, dự lễ cúng tổ Sắc bùa, liên hoan trước khi bắt đầu đi biểu diễn. Lễ vật cúng tổ có thịt heo, thịt gà, xôi, bánh tét… Tối ba mươi, các hội Sắc bùa mới chính thức đi biểu diễn.

Thứ tự các tiết mục biểu diễn hát Sắc bùa ở Chấn Sơn cũng như nhiều nơi khác ở xứ Quảng. Đầu tiên là bài “Mở ngõ” rồi “Mở cửa”. Kế tiếp là bài “Chúc xuân”, bài “Dâng hương” và những bài hát chúc gia chủ trước khi cả đội nghỉ ngơi, dùng chút trà rượu ngày Tết, nhận ít tiền thưởng. Sau đó, là bài “Dán bùa” và cuối cùng là bài “Đi ra”. Khi đi sắc, cả hội đều đội khăn đóng, mặc áo dài đen, quần trắng, chân đi guốc mộc. Có một người xách chiếc lồng đèn đi trước. Lồng đèn này bằng giấy, hình tam giác, thắp bằng dầu phụng, dưới gắn bốn tua đủ màu sắc cho đẹp.
Riêng lá bùa có hình chữ nhật, dài khoảng 30cm, rộng gần 10cm, màu vàng nghệ. Trên mặt tấm bùa có vẽ những hình thù kỳ quái màu đỏ. Lá bùa này được dán ngay trên cửa chính ra vào, đối diện với bàn thờ tổ tiên. Dĩ nhiên, khi dán bùa, hội phải hát bài “Dán bùa”. Người làm cái vỗ trống, lên giọng xướng, sau đó, cả đội cùng sắc: “Thần kim táo thỉnh trấn Bắc Đại Vương/ Nhớ thuở xưa làm Chúa bên Nam/ Trời đã định Cao Bằng thả diều giấy/ Kẻ bốn biển người lại muốn trâm/ (...) Bắt con ông lên chầu Đức Phật Bà/ Đức cha Đại Tướng quốc gia/ Áng linh linh lảng lảng úp địa lộ thôi thôi/ Roi truyền thần nhịp bùa Huỳnh Đế/ Có chữ công danh toại vị”.

Theo lệ xưa ở Chấn Sơn, các hội Sắc bùa không bắt buộc phải đi biểu diễn ở đình chùa, miếu mạo như một số nơi khác mà cứ ai mời thì đến hát. Mỗi đêm hát từ 3 đến 4 nhà. Thường thì giữa khuya mới về. Trong quá trình biểu diễn, thật khó tránh khỏi những “tai nạn” nho nhỏ. Nhiều người còn nhớ hồi năm 1938, hội Sắc bùa của ông Nguyễn Sư Lưỡng được ông Hội Mẹo, người làng An Mỹ, mời đến hát. Ông Hội Mẹo giàu có tiếng ở tổng Đức Thượng, huyện Đại Lộc. Ổng không những đất ruộng nhiều mà còn có trâu bầy, nhà ngói. Đêm hội Sắc bùa biểu diễn là đêm mồng hai Tết. Sau khi hát bài “Mở ngõ”, “Mở cửa”... đến phần hát chúc gia chủ, không hiểu sao hội lại hát bài “Chúc thợ rèn”. Nguyên văn như sau: “...Thợ rèn thợ rèn/ Nghề nghiệp đã quen/ Lưu truyền con cháu/ Rèn gươm rèn giáo/ Rèn mác rèn chàng/ Của để ngàn trùng/ Rèn rìu rèn rựa/ Nào ai khéo nữa/ Đánh cuốc đánh cưa...”.

Mới hát nửa chừng, ông Hội Mẹo bỗng đứng lên, cao giọng: “Mời các ông ra cho!”. Cả hội kinh ngạc, nhao nhao hỏi: “Ủa, làm răng ông lại đuổi tụi tui? Tụi tui có làm chi sai mô mà đuổi”. Ông Hội Mẹo trợn mắt: “Nhà tui đâu phải mạt đến mức phải đi làm thợ rèn mà các ông chúc. Bộ các ông muốn tui làm thợ rèn hay răng ?”. Đến lúc này, hội Sắc bùa của ông Lưỡng mới hiểu ra, vội vàng xin lỗi và xin chuyển sang bài khác. Kỳ thực, ông Hội Mẹo bắt bẻ chủ yếu để hội rút kinh nghiệm chứ không hề có ác ý gì. Hơn thế nữa, anh em cũng đã xin lỗi. Cơn giận ông nhanh chóng xẹp xuống. Mà, năm hết Tết đến, ai nỡ giận lâu. Cho nên, ông Hội Mẹo giảng giải một hồi để anh em hiểu và bỏ qua lỗi, cho tiếp tục hát, bồi dưỡng đầy đủ. Anh em trong hội, khi ra về, mới bảo nhau rằng năm mới, xui mà hên, chắc sẽ may mắn cả năm. Từ đó về sau, mỗi lần đến sắc nhà ai, hội Sắc bùa Chấn Sơn đều xem nghề nghiệp của gia chủ là gì mới hát chúc bài ấy.

Theo lời ông Lê Nhì, sinh năm 1925, người làng Chấn Sơn, thì vì nhiều lý do, đến nay hội Sắc bùa của làng không tồn tại. Và, mỗi lần Tết đến Xuân về, lớp người cao tuổi trong làng vẫn nhớ mãi về Ca xuân Sắc bùa, nhớ “tai nạn” nghề nghiệp khó quên ngày xa xưa ấy...

PHẠM HỮU ĐĂNG ĐẠT

Đọc thêm