Hãy thụ hưởng, hỗ trợ, chứ đừng "giải cứu" vải thiều

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang tiếp tục có những diễn biến phức tạp, bảo vệ thương hiệu vải thiều để tăng giá trị xúc tiến tiêu thụ là một trong những vấn đề được các hợp tác xã và chính những người trồng vải rất quan tâm.
Người dân trồng vải ở Lục Ngạn hy vọng mùa vải 2021 đạt kết quả cao cả về năng suất và sản lượng.
Người dân trồng vải ở Lục Ngạn hy vọng mùa vải 2021 đạt kết quả cao cả về năng suất và sản lượng.

Cùng với vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) thì vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) được đánh giá là giống vải có chất lượng rất đặc thù, thơm ngon lừng danh. Hiện nay, Vải thiều Lục Ngạn được bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở 8 quốc gia trên thế giới, được bảo hộ tại toàn bộ Liên minh Châu Âu; được xếp là Top 50 loại trái cây nổi tiếng nhất Việt Nam, được bảo hộ chỉ dẫn địa lý quốc gia theo số đăng ký 00015 tại Quyết định số 1012/QĐ-SHTT ngày 20/6/2008 của Cục Sở hữu trí tuệ.

Thế nhưng thị trường trong nước với phân khúc vải thiều loại 1 vẫn chưa được quan tâm và khai thác trong nhiều năm qua. Tại vụ vải năm 2020, giá bán lẻ vải thiều bán tại thị trường Hà Nội trung bình giao động từ 30.000 – 35.000 đ/kg. Nhưng tại Lục Ngạn cùng thời điểm, Vải thiều loại 1 vẫn được thu mua xuất khẩu với giá từ 35.000 đ – 40.000 đ/kg, thậm chí lên tới 55.000 đ/kg. Theo một số hợp tác xã thì các dòng sản phẩm loại 1 hầu như không được tiêu thụ trong nước mà chủ yếu dành cho xuất khẩu.

Còn ở thời điểm 30/5/2021, Vải sớm Lục Ngạn mới đầu vụ thu hoạch với các dòng chủ yếu là Vải U hồng và Vải lai sớm, chiếm 25% sản lượng toàn vụ. Mức giá loại 1 để xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn được thu mua giao động từ 28.000 – 32.000 đ/kg. Mức giá loại thấp hơn cho thị trường trong nước là từ 17.000 – 20.000 đ/kg. Trong khi đó, ở nhiều nơi (kể cả ở Hà Nội), vải thiều được bán với giá 20.000 đ/kg thậm chí thấp hơn.

Trao đổi với báo PLVN về vấn đề tiêu thụ vải thiều trong thời điểm dịch bệnh, nhất là cùng lúc phải quyết liệt gắn với bảo vệ thương hiệu sản phẩm, bà Hồ Kiều Oanh – Phó Giám đốc HTX Lục Ngạn Xanh chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng, tâm lý giải cứu nông sản trong mùa dịch sẽ gây tác động không tốt tới thương hiệu Vải thiều. Từ bài học về giải cứu nông sản ở Hải Dương và nhiều địa phương khác, giá nông sản giải cứu thường được tiêu thụ dưới giá thành sản xuất. Người nông dân, người bán hàng không có lãi, thậm chí lỗ vốn. Một bộ phần người sản xuất vì tâm lý bán giải cứu nên chưa quan tâm nhiều tới chất lượng, quy cách sản phẩm, dịch vụ bán hàng, người tiêu dùng mua với tâm lý ủng hộ là chính.

Tất cả điều đó kéo theo giá trị gia tăng của sản phẩm không được tạo ra, thương hiệu vải thiều trong nước có thể vì vậy mà bị giảm sút, ảnh hưởng tới cả hoạt động xuất khẩu. Sự việc tung tin vải bán ra với giá 2000 đ/kg là một ví dụ có tác động tiêu cực tới tình hình chung của thị trường. Nếu không được đánh giá, xử lý tốt, những vụ việc như trên có thể tạo tác động tiêu cực, làm tổn thất cho người dân hàng nghìn tỷ đồng".

Theo bà Oanh, những năm qua ngành nông nghiệp và tỉnh Bắc Giang đã quan tâm, đầu tư rõ rệt cho sản phẩm vải thiều, coi đây là sản phẩm đặc thù định hướng xuất khẩu. Từ đó, giá trị thương hiệu được nâng cao, việc tổ chức sản xuất cũng được chuyên môn, chuyên nghiệp hơn theo hướng hiện đại, sạch, chất lượng. Tuy nhiên, việc khai thác giá trị của thương hiệu vải thiều, nhất là vải thiều Lục Ngạn trong thời gian qua còn nhiều hạn chế.

Về mặt nhận diện sản phẩm và bảo hộ độc quyền sản phẩm. Hộ sản xuất, hợp tác xã và người dân địa phương vẫn chưa thấy được ý nghĩa của việc gắn tem chỉ dẫn địa lý lên sản phẩm. Ít doanh nghiệp và hệ thống phân phối trong nước hiểu và có nhu cầu sử dụng dấu hiệu chỉ dấn địa lý khi kinh doanh. Vì vậy, người tiêu dùng hầu như không quen và có khái niệm sử dụng sản phẩm cần có logo bảo hộ. Công tác quản lý, xử phạt các vi phạm về sử dụng dấu hiệu gặp khó khăn.

Trong thời buổi dịch bệnh COVID-19 bất thường như hiện nay, Phó Giám đốc HTX Lục Ngạn Xanh nhận thấy các doanh nghiệp, đầu mối tiêu thụ cần chủ động tổ chức việc xúc tiến tiêu thu vải thiều cho người dân, có cách làm mới, đồng thời càng phải quyết liệt gắn với bảo vệ thương hiệu của sản phẩm. Phát huy tốt hơn nữa hệ thống phân phối truyền thống, hiện đại sẵn có bằng cách hỗ trợ thiết lập càng sớm càng tốt mối quan hệ giữa các nhà phân phối với người sản xuất. Khi có khó khăn do dịch bệnh thì hệ thống này sẽ được kích hoạt, hạn chế ứ đọng cục bộ.

Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để phát huy lợi thế về tiếp thị kỹ thuật số (online marketting) trong quảng bá và tiêu thụ sản; Đẩy mạnh công tác truyền thông theo sự định hướng của Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh Bắc Giang đó là không "giải cứu" nông sản, không vận hành mô hình tiêu thụ kiểu giải cứu mà thay bằng mô hình liên kết, thúc đẩy, xúc tiến tiêu thụ vải thiều. "Có như vậy Vải thiều Lục Ngạn nói riêng và nông sản nói chung sẽ chiến thắng trong mùa tiêu thụ 2021”- bà Oanh tin tưởng nói.

Hiện các địa phương đang bước vào vụ thu hoạch nông sản và vẫn đang làm tốt công tác thông tin truyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về thương hiệu, chất lượng nông sản nói chung và vải thiều nói riêng; các biện pháp kiểm soát dịch bệnh COVID-19. Trong thời gian tới, các bộ ngành sẽ xây dựng những mô hình tiêu thụ nông sản cho bà con vùng dịch để vừa tiêu thụ sản phẩm, vừa đảm bảo về chất lượng mà an toàn trong giai đoạn dịch bệnh.

Sản xuất vải thiều năm 2021 diễn ra trong điều kiện thuận lợi, nhờ sự quan tâm chỉ đạo và hướng dẫn sát sao, kịp thời của các cơ quan chuyên môn và chính quyền các cấp nên vụ vải năm 2021 đang đạt kết quả cao cả về năng suất, sản lượng và chất lượng. Dự kiến thời gian thu hoạch vải chín sớm sẽ tập trung thu hoạch từ ngày 20/5-10/6/2021, vải chính vụ sẽ thu hoạch từ ngày 10/6-20/7/2021.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 trên thế giới và trong nước vẫn diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng đến công tác sản xuất và tiêu thụ quả vải thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Kế hoạch số 2099/KH-UBND ngày 13/5/2021 nhằm sản xuất vải thiều đảm bảo an toàn dịch bệnh COVID-19../