Tìm lối không để dịch COVID-19 "giữ chân" nông sản

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản của tỉnh Sơn La đang gặp nhiều khó khăn, nguy cơ gây áp lực lưu thông hàng hóa tại địa phương này trong thời gian tới là rất lớn. Để giải quyết vấn đề về thị trường tiêu thụ nông sản, Sơn La đang triển khai đồng bộ các giải pháp từ khâu trồng, thu hoạch, bảo quản và chế biến.

Chủ động kịch bản tiêu thụ nông sản

Cùng với các địa phương có thế mạnh về nông sản trên cả nước, hiện Sơn La cũng đang bước vào mùa thu hoạch với một số loại cây trái chủ lực như mận, xoài, nhãn. Nhưng do dịch COVID-19, nên việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn.

Sản lượng nhãn toàn tỉnh Sơn La trong năm 2021 ước đạt 98.500 tấn, được trồng tập trung tại các huyện Yên Châu, Mai Sơn và nhất là ở Sông Mã; mận khoảng 65.000 tấn và đã tiêu thụ được 35.000 tấn; xoài hơn 65.000 tấn đã tiêu thụ được 3.000 tấn, tính từ ngày 20/5 đến nay.

Trước tình hình đó tỉnh cũng đã giao ban chỉ đạo về chế biến, xuất khẩu nông sản các sản phẩm nông nghiệp và lên phương án chi tiết về việc tiêu thụ nông sản theo từng kịch bản. Nếu tình trạng dịch được kiểm soát ổn định thì tiếp tục xuất khẩu nông sản, đưa vào chế biến và bán ở thị trường nội địa.

Trong trường hợp tình hình dịch bệnh thì có thể triển khai việc đưa sản phẩm nông sản lên các sàn thương mại điện tử và tập trung chế biến sâu. Và với riêng trường hợp giãn cách xã hội sẽ tập trung đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử và bảo quản bằng kho lạnh.

Thời gian gần đây, Sơn La cũng tích cực tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm, phối hợp với các bộ ngành và doanh nghiệp mở rộng các kênh thông tin thị trường nông sản, tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm và chinh phục được các thị trường khó tính như Mỹ, Australia, các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU).

Ngoài ra tập trung phát triển các cơ sở sơ chế, chế biến nhỏ trên địa bàn tỉnh để thu mua và chế biến các loại quả tươi thành sản phẩm quả sấy khô, sấy dẻo. Trước đó, Sơn La chú trọng đến ứng dụng công nghệ cao vào trồng cây nông sản để tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị hiệu quả kinh tế, có thương hiệu và tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm có tính cạnh tranh cao trên thị trường.

Để gỡ khó cho việc tiêu thụ nông sản và thực hiện chủ trương chuyển đổi số, hôm 28/5, địa phương này đã tổ chức "Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ nhãn, xoài Sơn La năm 2021" và Hội nghị "Bàn giao sản phẩm xoài Sơn La theo thỏa thuận tiêu thụ cho các đơn vị chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu và thương mại điện tử năm 2021". Theo đó, mận hậu và xoài tròn Yên Châu của Sơn La chính thức lên sàn thương mại điện tử Shopee và được phân phối chính thức tại thị trường Hà Nội và TP HCM.

Nông sản của Sơn La sẽ được lên sàn thương mại điện tử. Ảnh minh họa: VOV

Nông sản của Sơn La sẽ được lên sàn thương mại điện tử. Ảnh minh họa: VOV

Ngoài ra, tại hội nghị trực tuyến, Sở Công Thương Hà Nội cũng nhấn mạnh sẽ tạo điều kiện, hỗ trợ, kết nối giúp Sơn La tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch COVID-19 khiến việc lưu thông hàng hóa gặp nhiều khó khăn. Riêng các phương tiện vận chuyển trái cây, nông sản cũng phải tuân thủ, chấp hành nghiêm các quy định về phòng chống dịch, các doanh nghiệp bán lẻ tại Hà Nội cũng căn cứ vào nhu cầu, tình hình hoạt động của doanh nghiệp mà hỗ trợ địa phương này.

Tận dụng công nghệ vào tiêu thụ nông sản

Theo đại diện Cục Xúc tiến thương mại, hiện đơn vị này cũng đang lên kế hoạch phối hợp với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) nhằm triển khai Chương trình hỗ trợ bà con nông dân trên cả nước bán nông sản, thực phẩm theo hình thức livestream. Người dân sẽ được tư vấn, tập huấn để có tiếp cận dần với những kỹ năng bán hàng trực tuyến, tìm hiểu về nhu cầu của khách hàng.

Trước đây, khi nhắc đến việc làm thế nào để giảm bớt hậu quả ùn ứ nông sản cho người nông dân trong mùa dịch, phòng trào giải cứu nông sản trên khắp cả nước được nhiều cá nhân, nhóm thiện nguyện kết nối với các hợp tác xã nông nghiệp triển khai đã được đông đảo nhân dân hỗ trợ, phần nào hỗ trợ, khắc phục khó khăn trong giai đoạn dịch. Tuy nhiên đây chỉ là ngắn hạn, trong giai đoạn tạm thời và thiệt hại của người dân vẫn lớn.

Nhưng cùng với sự chung tay của các Bộ, ngành, các địa phương và hiện các sản phẩm nông sản, hàng hóa được giới thiệu, bán trên các gian hàng thương mại điện tử được cho là một trong những giải pháp hữu hiệu, nhằm “giải cứu” kịp thời cho vấn đề “tồn đọng nông sản thời COVID-19”.

Trước xoài và mận Sơn La thì 14/5, vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) cũng được giới thiệu và bán trên sàn thương mại Lazada và tiêu thụ trung bình 2 tấn vải thiều/ngày. Ngay sau đó vải thiều Hải Dương cũng chính thức được bán trên sàn thương mại điện tử Sendo vào ngày 24/5. Sau 3 ngày "lên sàn" đã bán được 14 tấn vải. Vải thiều Bắc Giang cũng đã được đưa lên kệ hàng online của một số sàn trong nước và thậm chí là sàn quốc tế như Amazon, Alibaba.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết trong tháng 6/2021 sẽ phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên xây dựng những mô hình tiêu thụ nông sản cho bà con vùng dịch một cách bài bản, chủ động để vừa tiêu thụ sản phẩm, vừa đảm bảo về chất lượng mà an toàn trong giai đoạn dịch bệnh../

Theo thống kê, tỉnh Sơn La có tổng diện tích cây ăn quả và cây sơn tra trong năm 2021 ước đạt 87.520ha, sản lượng khoảng 448.630 tấn; đã được Cục Bảo vệ thực vật cấp 181 mã số vùng trồng với tổng diện tích 4.700ha cây ăn quả phục vụ xuất khẩu và có 37 cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu cùng 21 sản phẩm sản phẩm nông sản được cấp văn bằng bảo hộ.

Đọc thêm