Hãy yêu thương nhau khi còn có thể

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Suy cho cùng, ở đời sinh - lão - bệnh - tử là hành trình mà ai cũng phải trải qua. Ta thường né tránh nói về cái chết vì nó mang đến sự sợ hãi.
Hãy yêu thương nhau khi còn có thể, bởi chẳng ai biết được ngày mai sẽ ra sao
Hãy yêu thương nhau khi còn có thể, bởi chẳng ai biết được ngày mai sẽ ra sao

Tuy nhiên, nếu không đối mặt và chuẩn bị từ trước, ta sẽ rất dễ rơi vào những hố sâu của những nỗi đau. Và có hố sâu của nỗi đau nào sâu hơn “cái hố” của sự dằn vặt: Tại sao chúng ta đã không yêu thương nhau trước khi chia lìa, để đến bây giờ đã thành quá muộn?

Gia đình tôi có thói quen chụp ảnh cả đại gia đình mỗi khi có dịp, để rồi có khi những bức ảnh cả năm chẳng được giở xem lại một lần vì những người trong ảnh vẫn còn đó, vẫn ngày ngày nhìn thấy nhau, cười nói với nhau. Nhưng cuộc đời con người như bóng câu qua cửa sổ, quá ngắn và quá nhanh. Người già thì già đi nhanh chóng, người trẻ như cánh chim bay đi bốn phương trời. Từ lúc nào chẳng biết, không khí buồn tẻ hiu quạnh ngự trị nơi căn nhà, trong mỗi bữa ăn. Và cũng từ lúc nào chẳng biết, những bức ảnh đại gia đình được treo lên tường để cho những người ở lại cảm thấy ấm áp, để cho những người đi xa nhớ về…

Rồi những nụ cười trong ảnh vì sự hữu hạn của cuộc đời mà lần lượt “biến mất”, để lại cho người ở lại những nỗi buồn vô bờ bến. Không chỉ thế, sự “biến mất” của những nụ cười trong ảnh còn gieo cho người ở lại một nỗi sợ vô hình nhưng cũng đầy ám ảnh. Sợ rằng một ngày nào đó, sau hồi chuông điện thoại là tin dữ ập về.

Viết đến đây tôi bỗng nhớ tâm sự của một cô gái vốn là du học sinh. Trong khi mọi người chia sẻ với nhau về những nỗi niềm của du học sinh thì cô lại chọn cho mình một câu chuyện. Và tôi tin rằng câu chuyện của cô cũng là câu chuyện của nhiều người, duy chỉ có điều họ không muốn nhắc đến, không muốn “gõ cửa” một nỗi đau mà thôi.

Trong câu chuyện của mình, cô gái kể rằng, trong những tháng đi học xa nhà, lúc nào trong cô cũng có một nỗi sợ hãi thường trực: Nếu gia đình có chuyện gì mình liệu có về kịp. Rồi một buổi sáng, mở điện thoại cô thấy tin nhắn từ mẹ: “Con về ngay nhé”. Ở sân bay đợi chuyến, cô thấy mỗi giây phút trôi qua sao mà lâu đến thế. Giá như cô có đôi cánh để có thể bay về nhà ngay.

Khi máy bay hạ cánh, linh cảm chợt ào ạt đến nhắc cô rằng, đây là những giây phút bình yên cuối cùng, vì mọi việc đã xảy ra. Về đến nhà, nhìn mẹ òa khóc, cô hiểu bố đã không chờ được con gái về: “Vậy là nỗi sợ mình đeo bám mình những năm tháng du học đã thành sự thật”.

Đọc câu chuyện này, tôi bỗng nghĩ tới nước mắt của mình hơn hai chục năm trước khi tôi không kịp trở về tiễn cha lần cuối dù chỉ cách nhà vài cây số. Cuộc đời quá ngắn cho những niềm vui, nhưng lại quá dài cho những nỗi niềm ân hận, nghĩ suy dằn vặt và khổ đau.

Sáng nay gấp lại trang cuối cuốn sách “Để con chăm sóc cha - mẹ”, tôi bỗng nhận ra rằng mình không hề “cá biệt” trong hành trình học “bài học yêu thương từ cái chết” này. Bởi cái chết là một phần của sinh mệnh, nhưng phần lớn ta vẫn né tránh nói về nó, càng không có sự chuẩn bị và sắp xếp cho “con đường” đi đến trạm cuối cùng này. Nếu phải học bài học ấy từ chính cha mẹ mình, ta sẽ đau đớn đến tột cùng.

Đây cũng chính là câu chuyện của tác giả Miew - một họa sĩ vẽ truyện tranh người Malaysia. Cô đã trải qua mười hai năm trong vai trò người chăm sóc, phải từng bước chứng kiến cha mẹ rời xa vì bạo bệnh. Trải nghiệm đau thương ấy đã khiến Miew giam mình trong vũng lầy đau buồn, không thể hòa nhập lại với cuộc sống. Cho đến một ngày, cô nhận ra mình có thể kể lại câu chuyện qua những nét vẽ. Điều này không chỉ giúp cô đối diện và xoa dịu nỗi đau mà còn để sống lại những ký ức bên cha mẹ. Sự ra đi của người thân yêu là một vết thương nhưng đồng thời cũng là một bài học mà mỗi người chúng ta phải học trong đời. Cái chết của người cha đã dạy cho Miew về sự vô thường của cuộc sống, để từ đó cô biết cách yêu thương và trân trọng những người bên cạnh mình...

Kể lại câu chuyện của mình Miew chỉ mong rằng những ai đang hoặc sẽ trải qua hành trình trở thành người chăm sóc sẽ có chuẩn bị, sắp xếp để có thể đồng hành cùng người thân yêu một cách trọn vẹn cho đến lúc cuối cùng. Vì “vô thường sẽ gõ cửa bất cứ lúc nào, chúng ta chẳng hề có cái gọi là ngày mai vô tận, xin đừng phung phí những thời khắc hiện tại bên nhau”, như Miew đã viết.

Hãy ôm thật chặt, hôn thật chậm, cười thật tươi, yêu thật chân thành và tha thứ thật nhanh cho những người thân yêu xung quanh ta. Bởi giản đơn mỗi người chỉ có một gia đình, mất đi không bao giờ có lại...