Bên lề buổi giao lưu trực tuyến về chủ đề quản lý games, Phóng viên đã có cuộc trao đổi thân mật với Nguyễn Ngọc Trung, chủ nhân tấm Huy chương Vàng của Đoàn Việt Nam tại kỳ thi Olympic Toán quốc tế lần thứ 51, tổ chức tại Astana, Kazakhstan vào tháng 7/2010. Trong hơn một giờ, Nguyễn Ngọc Trung đã mở lòng với người viết về rất nhiều điều, từ niềm say mê Toán học, sở thích chơi games cho tới thần tượng Ngô Bảo Châu…Không phải “thần đồng Toán học” Trong số những học sinh Việt Nam từng đạt Huy chương Vàng thi Olympic Toán quốc tế (International Mathematical Olympiad - IMO), có rất nhiều những “thần đồng Toán học”. Đó là những học sinh yêu thích Toán từ bé và cũng sớm khẳng định được năng khiếu của mình trong môn học này. Trong số những chủ nhân HCV IMO này cũng có không ít những “gà nòi” - những người sinh ra trong các gia đình có truyền thống Toán học và được học tập dưới sự chỉ dẫn tận tình của các thầy giáo giỏi từ khi còn rất nhỏ.
http://hungyentintuc.ru/vckm/editors/editarticle |
Nguyễn Ngọc Trung tại tòa soạn Báo điện tử VTC News sáng 11/8. (Ảnh: Hà Thành) |
Với Nguyễn Ngọc Trung, đó lại là một điều hoàn toàn khác. Sinh ra trong một gia đình nghèo, có bố làm thợ mộc, mẹ là công nhân, Trung không có điều kiện tiếp xúc với Toán học từ bé. Càng kỳ lạ hơn khi nghe Trung nói về niềm say mê Toán học muộn mằn của mình. “Em chỉ bắt đầu thích học Toán từ năm học lớp 7” - Trung tâm sự. Khi được hỏi “Có khi nào em đánh mất tình yêu, niềm say mê Toán học không?”, Trung thành thật: “Dạ có ạ. Đó là giai đoạn em học lớp 10, 11”. Nhưng rất may, Trung đã tự điều chỉnh lại giờ giấc một cách hợp lý để học tập. “Đến lớp 11, niềm đam mê Toán trở lại với em. Tự nhiên em thấy hứng thú học Toán trở lại và em lao vào làm bài tập."- Trung thổ lộ. Có thể nói, Nguyễn Ngọc Trung là điển hình cho tấm gương tự học thành tài. Với câu hỏi “Em có liên hệ và nhận được sự giúp đỡ từ các đàn anh, những người đã tham gia thi Toán quốc tế không?”, người viết không khỏi bất ngờ khi nghe em tâm sự: “Em không liên hệ với các anh ấy mà chủ yếu tự học”. Học tập tại một ngôi trường ở tỉnh lẻ, Trung cũng không có điều kiện tiếp xúc với nhiều sách vở, tài liệu bằng tiếng Anh như các bạn bè tới từ các thành phố lớn. “Em chỉ đọc một vài cuốn sách bằng tiếng Anh và thỉnh thoảng tham gia diễn đàn Toán mathlinks.ro mà thôi” - Trung cười bẽn lẽn. Tất nhiên, khi được tham gia tập huấn để chọn đội tuyển thi Toán quốc tế, Trung đã nhận được sự chỉ dạy của nhiều thầy giáo giỏi, có tâm huyết. Trung tỏ lòng biết ơn tới những người thầy đã chỉ dạy mình, trong đó có các thầy nhiều năm dạy đội tuyển thi Olympic quốc tế Hà Huy Khoái, Nguyễn Khắc Minh. Những dạng Toán mà Trung say mê nhất là Số học, Đa thức và Phương trình hàm số.Quyết tâm sống chết cùng Toán Đạt Huy chương Vàng Toán quốc tế, Trung được tuyển thẳng vào Đại học và nghiễm nhiên có một suất trong lớp Cử nhân khoa học tài năng, Trường Đại học khoa học tự nhiên - Đại học quốc gia Hà Nội. Trung cho biết sẽ theo học lớp này để theo đuổi nghiệp Toán và niềm say mê với môn học cuốn hút này.
Nguyễn Ngọc Trung (trái) cùng các thành viên trong Đội Việt Nam thi Toán quốc tế 2010. (Ảnh: Internet) |
Với câu hỏi “Nhiều học sinh đạt giải trong các kỳ thi Toán quốc tế đã chọn các lĩnh vực khác và đa số đều thành công, tại sao em không chuyển hướng, lựa chọn một trường Kinh tế hoặc Kỹ thuật nào khác?”, Trung cười: “Em chọn Toán vì cảm thấy đó là ngành phù hợp nhất đối với mình. Nếu chuyển sang lĩnh vực khác, em không thể có niềm đam mê như với môn Toán”. Trong thời gian tới, Trung sẽ tăng cường học tiếng Anh để đi du học. Trung cho biết rất muốn nhận được học bổng đến Mỹ, nơi có rất nhiều đàn anh đang theo học như Lê Hùng Việt Bảo (Huy chương Vàng IMO 2003, 2004, hiện theo học tại Đại học Harvard), Phạm Kim Hùng (Huy chương Vàng IMO 2004, Huy chương Bạc IMO 2005, hiện theo học tại Đại học Stanford)…“Em muốn được như Ngô Bảo Châu” Sự kiện Giáo sư Toán học Ngô Bảo Châu về nước, được Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân tới thăm nhà riêng và mời ở lại làm việc đã thu hút được sự quan tâm của rất nhiều người, trong đó có Nguyễn Ngọc Trung. “Những ngày gần đây, em thường xuyên đọc thông tin về chú Ngô Bảo Châu trên các báo điện tử”. Trung cũng tỏ ra chú ý đặc biệt tới những công trình và cơ hội giành giải thưởng Fields của Ngô Bảo Châu tại Đại hội Toán học thế giới ở Ấn Độ sắp tới. “Theo em, cơ hội cho Ngô Bảo Châu là 90%” - Trung đánh giá.
Ngô Bảo Châu là tấm gương cho Trung học tập. |
Cùng được Huy chương Vàng Toán quốc tế như Ngô Bảo Châu, Trung không giấu mơ ước sẽ giành được nhiều thành công trong Toán học như người tiền bối hơn mình 20 tuổi. “Ngô Bảo Châu là tấm gương cho em học tập. Em rất muốn một ngày nào đó sẽ giành được nhiều thành công, làm rạng danh khoa học nước nhà, cũng như sự ghi nhận của bè bạn đồng nghiệp như chú Ngô Bảo Châu”. Trung chia sẻ, nếu được tới Mỹ du học, em sẽ liên hệ để tham khảo ý kiến cũng như sự giúp đỡ của Ngô Bảo Châu cũng như nhiều đàn anh đang làm việc tại các trường Đại học, các Viện nghiên cứu ở Mỹ.
Theo VTC News