Xác định “5 ăn 5 thua” khi quyết định nhận công trình
Đơn vị thi công phần việc xương nhất (kè Hồ Gươm) của Dự án Xây dựng, cải tạo, chỉnh trang khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm là Công ty cổ phần Khoa học công nghệ Việt Nam (Busadco). Yêu cầu khó khăn nhất của công trình này là… 12 tiêu chí, được chủ đầu tư đưa ra trong hồ sơ đấu thầu dự án. Có thể ví dụ như không làm thay đổi mực nước hồ; Bảo đảm giữ nguyên trạng nền tự nhiên đáy hồ; Không làm ảnh hưởng đến các công trình di tích, văn hóa lịch sử; Không ảnh hưởng đến giao thông đô thị, đời sống sinh hoạt văn hóa, tinh thần thường ngày của người dân…
Sau gần 2 tháng nghiên cứu những tiêu chí mà chủ đầu tư đưa ra, Busadco mới gửi hồ sơ đầu thầu tham gia một phần dự án. Tiến độ công trình cũng là một thách thức không nhỏ khi công trình buộc phải hoàn thành trước 2/9 để chào mừng 75 năm ngày Quốc khánh. Nhưng chỉ sau 65 ngày đêm thi công, công trình đã về đích trước thời hạn đặt ra. Điều đáng ngạc nhiên, dù được thi công bằng những cấu kiện bê tông cốt phi kim đúc sẵn nhưng Bờ Hồ vẫn giữ được những đường cong mềm mại nguyên thủy.
Những đường cong mềm mại được giữ nguyên thủy trong quá trình thi công |
Tác giả của những đường cong mềm mại của kè Bờ Hồ chính là Anh hùng lao động - Nhà khoa học Hoàng Đức Thảo, Tổng giám đốc Busadco - một người quen mặt trong giới nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ. Chia sẻ với PLVN, ông Thảo cho biết, phải rất dũng cảm và tự tin mới dám thực hiện công trình này bởi những khó khăn, yêu cầu ngặt nghèo được đặt ra đối với một công trình thuộc nhóm A cấp quốc gia đặc biệt.
Tuy nhiên, để có cơ hội có thể đóng góp một phần vào công trình là biểu tượng văn hóa lịch sử của đất nước, ông Thảo xác định chấp nhận 5 ăn 5 thua. “Thật ra được thì chỉ là hoàn thành một công việc khó khăn nhưng nếu mất thì mất rất nhiều. Dù thế tôi vẫn muốn thử sức mình” - Nhà khoa học luôn muốn đương đầu với những việc khó khăn chia sẻ với PLVN.
Những thử thách khó nhằn…
Dù đã nghiên cứu kỹ lưỡng hồ sơ mời thầu với những hiện trạng, các khảo sát điều tra xã hội học, về văn hóa, tâm linh, về di tích, địa chất, địa hình, cây xanh, các hệ sinh thái, thủy sinh… nhưng ông Thảo cũng không ngờ thi công công trình này lại gặp phải nhiều thách thức đến thế.
Không được phạm vào mốc di sản, dù chỉ 1cm; Phải giữ gìn bảo vệ những hàng cây xanh và cây di sản quanh hồ; Rồi đối mặt với hàng loạt dây cáp ngầm khi chỉ biết chúng hiện diện dưới vỉa hè ngay lòng hồ mà không xác định được vị trí cụ thể… mới chỉ là những khó khăn được lường đến trước khi thi công.
Bắt tay vào thi công, ông Thảo mới thấy những khó khăn được lường trước không… là gì so với thực tế công trường. Nào là 18 vị trí giao cắt với hệ thống cấp thoát nước, không hề biết chính xác thuộc khu vực nào vì qua nhiều quá trình xây dựng khác nhau, không tìm được hiện trạng; Nào là hệ thống cáp ngầm, dây diện chạy bên dưới vỉa hè, ngay mép hồ; Rồi rễ cây mạch đá rất nhiều ở dưới ngầm; Rồi bảo vệ cây xanh ra sao khi máy cẩu phải liên tục quần mình ở Bờ Hồ để đưa cấu kiện vào… Rất nhiều thứ phát sinh mà phải rất tỉ mỉ, khéo léo và cẩn trọng, đội ngũ người lao động Busadco mới vượt qua được.
Anh hùng lao động Hoàng Đức Thảo (trái) luôn nhắc nhờ người lao động phải cẩn trọng từng chút một trong các bước thi công kè Bờ Hồ |
“Bật mí” về phương án giữ được những đường cong mềm mại uốn lượn quanh Bờ Hồ, nhà khoa học Hoàng Đức Thảo cho biết, để chuẩn bị cho công trình này, Busadco đã phải chế tạo ván khuôn theo đường cong nguyên thủy của Bờ Hồ và chế tạo đơn chiếc. Mỗi kè có một kích thước riêng, thỉnh thoảng có những đoạn thẳng tắp thì sử dụng các cấu kiện kè giống nhau nhưng lại xuất hiện rất ít những đoạn này.
Trong khi đó, những đường cong lại có nhiều kích thước khác nhau. Busadco đã sử dụng đến 60 ván khuôn để chế tạo ra những cấu kiện kè phù hợp với từng đường cong quanh hồ, trong đó 45 ván khuôn có thể sửa chữa để tạo ra những cấu kiện kè phù hợp với điểm cong khác quanh hồ. “Chế tạo cấu kiện kè cong lồi, cong lõm Busadco đã làm không ít nhưng chưa có công trình nào mà những đường cong lại xuất hiện nhiều như ở Bờ Hồ” - ông Thảo cho biết.
Một góc Bờ Hồ sau khi hoàn thành kè |
Tác giả của những đường cong mềm mại của kè Bờ Hồ khẳng định, thi công công trình này thật sự khác biệt và khó nhằn hơn nhiều công trình khác do bản thân tính chất lịch sử của nó. Nhưng tất cả những khó khăn thử thách khó nhằn ấy đã ở lại phía sau… Giờ đây Nhà khoa học Hoàng Đức Thảo và cán bộ, người lao động Busadco đã có thể thở phào sau 65 ngày đêm gồng mình thi công ở một vị trí đặc biệt, trong một bối cảnh đặc biệt…