Hệ lụy khi pháo hoa không còn là hàng cấm

(PLO) - Trước đây,  pháo hoa thuộc danh mục hàng cấm, người vận chuyển pháo hoa từ 10kg sẽ bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, Luật Đầu tư 2014 quy định pháo hoa thuộc danh mục hàng kinh doanh có điều kiện, không phải hàng cấm. Vì thế, người nhập lậu pháo hoa chỉ bị xử lý hành chính.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Dịp cuối năm, tại các tỉnh biên giới phía Bắc đang lo ngại tình trạng buôn lậu pháo hoa bùng phát, diễn biến phức tạp bởi vận chuyển lậu mặt hàng này không còn bị hình sự hóa trong khi lợi nhuận mang lại cực cao.

Bùng phát buôn lậu 

Theo tìm hiểu của PLVN, tại Nghị định số 59/2016/NĐ-CP của Chính phủ,  “các loại pháo” thuộc danh mục hàng cấm kinh doanh; nghĩa là các loại pháo, trong đó có pháo hoa, pháo nổ là hàng cấm. Theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 1999, những người sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm sẽ bị xử lý hình sự. Thực tế, trước khi Luật Đầu tư 2014 ra đời, những ai buôn bán, vận chuyển pháo hoa, pháo nổ với số lượng từ 10kg trở lên sẽ bị xử lý hình sự.

Tuy nhiên, sự ra đời của Luật Đầu tư năm 2014, có hiệu lực từ ngày 1/7/2016 đã làm thay đổi tính pháp lý đối với hành vi kinh doanh pháo hoa. Theo đó, tại Phụ lục IV của Luật Đầu tư 2014, “kinh doanh các loại pháo” được xác định là ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện. Như vậy, khi Luật Đầu tư 2014 có hiệu lực, các loại pháo không còn được xem là hàng cấm. Do đó, các hành vi sản xuất, kinh doanh, vận chuyển các loại pháo không thuộc phạm vi điều chỉnh tại Điều 155 Bộ luật Hình sự.

Đến ngày 22/11/2016, Quốc hội đã sửa đổi Phụ lục IV Luật Đầu tư 2014, trong đó bổ sung quy định “kinh doanh pháo nổ” vào ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh. Quy định này có hiệu lực từ ngày 1/1/2017. Như vậy, từ thời điểm này, “pháo nổ” thuộc danh mục hàng cấm và người sản xuất, buôn bán, vận chuyển, kinh doanh pháo nổ sẽ bị xử lý hình sự như trước kia.

Như vậy, Quốc hội chỉ đưa riêng “pháo nổ” vào danh mục hàng cấm kinh  doanh chứ không phải “các loại pháo”. Có thể hiểu, ngoài pháo nổ thì pháo hoa không thuộc danh mục điều chỉnh của quy định này và người sản xuất, buôn bán, vận chuyển pháo hoa không bị xem xét xử lý hình sự. Quy định này khiến tình trạng buôn lậu pháo hoa ở các tỉnh biên giới dễ bùng phát trở lại, nhất là vào dịp cuối năm.

Liên ngành Tư pháp Trung ương cần “tính” lại

Ông Nguyễn Mạnh Hà - Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh cho biết, tình trạng buôn lậu pháo hoa thời gian tới có thể diễn biến phức tạp hơn do quy định mới bỏ hình sự hóa đối với người buôn bán, vận chuyển pháo hoa. Cũng theo vị này, do Luật Đầu tư 2014 áp dụng chưa được bao lâu nên cần thêm thời gian theo dõi thực tế thì mới biết được tình trạng buôn lậu pháo hoa có diễn biến như thế nào. 

Ông Vũ Hồng Thủy - Giám đốc Sở Công Thương Lạng Sơn cho biết, lợi nhuận từ buôn lậu pháo hoa rất lớn, không kém gì so với buôn bán ma túy. Do đó, khi bỏ hình sự hóa với người buôn bán, vận chuyển pháo hoa thì khả năng trong tương lai gần, các khu vực biên giới như Lạng Sơn sẽ rất phức tạp trong việc vận chuyển lậu mặt hàng này. Theo ông Thủy, thực tế cho thấy, khi lực lượng chức năng bắt giữ được người buôn lậu pháo, phải mang hàng hóa đi giám định để biết đó là pháo hoa hay pháo nổ. Điều này gây ra nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng. Khi giám định cho kết quả là pháo hoa, người vận chuyển chỉ bị xử lý hành chính, không đủ sức răn đe, trong khi lợi nhuận lớn.

Đại tá Vũ Hồng Quang - Phó Giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết, 80% số lượng các loại pháo bắt được trong các vụ vận chuyển qua biên giới sau khi giám định là pháo hoa, chỉ có 20% là pháo nổ. Điều đáng lưu ý, theo ông Quang, nhiều loại pháo hoa có mức độ nguy hiểm giống như pháo nổ. “Nhiều vụ sau khi giám định thì ra kết quả pháo hoa, dù loại pháo hoa này có mức độ nguy hiểm giống pháo nổ. Khi đó chúng tôi cũng chỉ có thể tịch thu hàng hóa và xử phạt hành chính”, lời Đại tá Quang.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Công Trưởng, do quy định mới không hình sự hóa người buôn bán, vận chuyển pháo hoa nên dự báo thời gian tới tình hình buôn lậu pháo hoa sẽ rất phức tạp, tràn lan, nhất là dịp cuối năm. Theo ông Trưởng, liên ngành Tư pháp Trung ương nên sớm tìm hướng xử lý vi phạm trong buôn bán, vận chuyển pháo hoa sao cho đủ sức răn đe, tránh tình trạng bùng phát buôn bán, sử dụng pháo hoa ở các tỉnh biên giới, ảnh hưởng đến trật tự xã hội, an toàn cháy nổ trong các dịp Tết Nguyên đán.