Hệ lụy khó lường khi người trẻ "phát cuồng" vì thần tượng

Minh luôn tôn thờ “tình yêu” của mình và thậm chí đặt cả ảnh thần tượng trong… áo ngực cho gần trái tim. Trong khi cô còn chưa tìm ra cách nào để tiếp cận thần tượng thì các trang báo đưa tin nam ca sỹ sắp kết hôn. Minh hụt hẫng, thấy mình bị phản bội nên không thiết học hành nữa, thậm chí còn đòi tự tử vì “sự bội bạc” của thần tượng...  

[links()]Bỏ học, nhịn đói, đứng đợi hơn 10 tiếng đồng hồ đến nỗi ngất xỉu chỉ để lướt nhìn thần tượng; sẵn sàng “ăn thua đủ” với những ai nói xấu thần tượng; chắp hai tay vái lạy, luôn miệng xin lỗi thần tượng; sẵn sàng quỳ xuống để hôn ghế thần tượng vừa ngồi… là những hành động kỳ quặc, quá lố, gây bất bình dư luận của một số người trẻ khi biểu hiện tình cảm đối với thần tượng nước ngoài.

Họ không hiểu rằng những điều họ đang thể hiện khiến người ngoài có cái nhìn sai lệch về con người, đất nước và văn hóa Việt Nam.

Họ làm mọi cách để được “ngắm” thần tượng của mình. Ảnh minh họa.
Đòi tự tử vì thần tượng “bội bạc”
Không ít người trong giới trẻ hiện nay mắc hội chứng đam mê thái quá đối với những nhân vật nổi tiếng và tôn thờ họ như thần tượng, đặc biệt là các ngôi sao ca nhạc, thể thao, điện ảnh. Các fan (người hâm mộ) theo dõi sát sao mọi thông tin, diễn biến về thần tượng của mình qua các phương tiện truyền thông với mục đích giải trí và mở rộng sự quan hệ cũng như mối quan tâm của mình như: sưu tầm đĩa nhạc, tranh, ảnh, địa chỉ, điện thoại, những thông tin về thần tượng của mình…  
Người hâm mộ có ảo tưởng rằng giữa mình và thần tượng có một sợi dây liên kết đặc biệt, ví dụ như khi biểu diễn, ca sĩ hướng ánh mắt về phía đông khán giả, hoặc cảm ơn khi được tặng hoa, quà, gọi điện… thì họ nghĩ rằng cử chỉ đó, thái độ quan tâm đó chỉ dành cho một mình mình…
Nhiều bạn trẻ đi xem ca nhạc về thổn thức đến mấy ngày vì… khi biểu diễn ca sĩ hay nhìn về phía mình, hay cười với mình, mặc dù nếu tỉnh táo mà suy xét, thì họ thừa biết rằng họ lẫn trong số hàng nghìn khán giả mờ mịt ở phía dưới.
Thần tượng quá khiến nhiều fan bị đi…lạc hướng. Như cô bé Thu Minh, lớp 11, trường PTTH Đống Đa (Hà Nội), từ một học sinh giỏi bỗng sa sút, bỏ nhà đi lang thang. Thì ra, cô rất hâm mộ một nam ca sỹ và lúc nào cũng ấp ủ ước mơ sẽ được làm người yêu của “anh ấy”.
Minh luôn tôn thờ “tình yêu” của mình và thậm chí đặt cả ảnh thần tượng trong… áo ngực cho gần trái tim. Trong khi cô còn chưa tìm ra cách nào để tiếp cận thần tượng thì các trang báo đưa tin nam ca sỹ sắp kết hôn. Minh hụt hẫng, thấy mình bị phản bội nên không thiết học hành nữa, thậm chí còn đòi tự tử vì “sự bội bạc” của thần tượng.
Hàng loạt các ngôi sao có “tem mác” của nhạc Hàn Quốc như Super Junior, CN Blue, Beast, Sistar, Secret, Davichi, MBLAQ, IU “tràn vào” đêm nhạc Music Bank Việt Nam tháng 3 đã khiến cho hàng chục ngàn bạn trẻ mất ăn, mất ngủ.
Họ làm hàng ngàn cách để có thể “ngắm” thần tượng của mình cho dù thoáng qua chỉ... một giây. Những fan không có tiền, không may mắn mua được vé thì bỏ học, trốn bố trốn mẹ, cất công "phi xe" mấy chục cây số, ăn chờ, nằm trực ở sân bay để mong vài giây gặp thần tượng.
Sảnh chờ khách ở sân bay Nội Bài hôm 14/3 vừa qua đông nghẹt fan từ các tỉnh thành như Cà Mau, TP. HCM, Huế, Quảng Ninh, Hà Nội quy tụ với đủ băng rôn, khẩu hiệu… từ sáng sớm cho tới tận đêm khuya để chờ đón thần tượng của mình.
Do Ban tổ chức không công khai lịch trình của các nghệ sĩ nước bạn, nhưng với tâm lý không muốn để lỡ dù chỉ một giây, một phút được gặp "người trong mộng" nên hàng ngàn bạn trẻ đói cũng không dám đi ăn vì sợ mất chỗ, chờ suốt mười mấy tiếng đồng hồ ở sân bay chỉ với bánh mì và nước lọc cầm hơi, mòn mỏi chờ đợi... Rất nhiều người trong số đó bị ngất xỉu vì “chùn chân mỏi gối”. 
Trong suốt đêm diễn ca nhạc của xứ Hàn, không ít các fan khi nhìn các thần tượng của mình nhún nhảy trên sân khấu Mỹ Đình đã ngồi khóc tu tu. Hỏi vì sao không nghe ca nhạc mà cứ khóc, những fan này gạt nước mắt trả lời: “Khóc vì sướng!”.  
Vái lạy và hôn ghế thần tượng đã ngồi
Các fan Việt chạy theo xe chở Super Junior làm náo loạn đường phố
Cách đây vài ngày, một bức ảnh các fan Việt chạy theo xe chở Super Junior làm náo loạn đường phố đã gây “chấn động” giới hâm mộ K.pop ở khắp Châu Á.  
Trong ảnh là cảnh tượng chiếc xe chở những ca sĩ đình đám của ban nhạc Super Junior tiến từ trong khách sạn di chuyển ra ngoài ngay lập tức đã bị rất đông fan Việt bám theo. Bất chấp việc xe đã di chuyển ra đến đoạn đường nơi có rất đông các phương tiện khác đang tham gia lưu thông, các fan hâm mộ quá khích vẫn không màng đến vi phạm luật giao thông, bỏ mặc sự nguy hiểm của tính mạng, hò nhau chạy bộ đuổi theo ô tô của thần tượng khiến những người đi đường hốt hoảng.
Các fan ấy đã coi rẻ tính mạng của mình chỉ để được nhìn thấy thần tượng. 
Tôn sùng quá thái khiến không ít fan đặt thần tượng lên “bệ thờ”, sẵn sàng vái lạy thần tượng của mình. Một lần có ban nhạc nước ngoài tới Việt Nam biểu diễn, một nhóm fan đã xếp hàng cùng chắp tay vái lạy thần tượng, vừa vái lạy vừa luôn miệng xin lỗi thần tượng vì… “Việt Nam không có ai hát hay đến thế?!”.
Không chỉ vái lạy, một số fan còn có hành động quá trớn khác là quỳ xuống và hôn chiếc ghế của ngôi sao ca nhạc Hàn Quốc - Bi Rain đã ngồi, trong đêm lưu diễn tại Nhà hát lớn vừa qua. Sự việc này như giọt nước tràn ly khiến nhiều người bực mình cho rằng: “Văn hóa fan thể hiện nhận thức của chính fan. Fan không có văn hóa, ngông cuồng, thái quá... thể hiện một cái đầu thiếu suy nghĩ, thiếu nhận thức. Phông văn hóa, lòng tự tôn dân tộc những fan này đã để “rơi” ở đâu?”. 
Nhạc sỹ Huy Tuấn: 
Tuổi thiếu niên dễ bị ảnh hưởng và cũng dễ thất vọng nhất về thần tượng
Ns Huy Tuấn
Ở thời kỳ hội nhập với thế giới, sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông là điều kiện và cơ hội để giới trẻ tiếp cận với văn hóa các nước nói chung, âm nhạc nói riêng. Giới trẻ vẫn luôn là đối tượng chịu ảnh hưởng lớn nhất khi tiếp nhận cái mới, âm nhạc cũng không ngoại lệ.
Điều không thể phủ nhận là nhạc ngoại luôn thể hiện tính xu hướng, có thể dễ lôi kéo giới trẻ yêu nhạc chuộng những gì thời thượng, trong khi thị trường nhạc Việt luôn ở tình trạng chưa hoàn thiện và còn trong tình thế chạy theo, học hỏi. Vì thế không ít giới trẻ tôn sùng thần tượng những nghệ sĩ nước ngoài, trong số ấy có nhiều người tỏ thái độ, tình cảm quá thái dẫn tới phản cảm.
Trong lúc “chờ” thị trường nhạc Việt phát triển cũng như các nghệ sĩ trẻ có “chỗ đứng” trên bản đồ âm nhạc thế giới thì tôi mong rằng, giới truyền thông cũng cần thận trọng trong các đánh giá một người nổi tiếng, bởi tuổi thiếu niên là đối tượng dễ bị sức ảnh hưởng của các ngôi sao nhất và dễ thất vọng nhất khi một ngày nào đó chúng khám phá ra sự giả dối đã được tô vẽ cho thần tượng của chúng.
Bà Linh Phương, Chuyên viên tư vấn tâm lý thuộc Trung tâm tư vấn Hạnh phúc – Kỹ năng cuộc sống: 
Thần tượng thái quá ảnh hưởng tới nhân cách
Vị thành niên là lứa tuổi rất quan trọng đánh dấu mốc trong cuộc đời, dễ biến đổi tâm sinh lý, và có những rung động đầu đời về giới. Các em gái dễ lý tưởng hóa một hình tượng nào đó, còn ở nam thì các em thích thể hiện mình.
Chuyện đó hết sức bình thường, ai cũng có thần tượng của riêng mình. Cha mẹ nên tôn trọng và chia sẻ với các em, đồng thời hướng cho các em tới những hoạt động lành mạnh khác. Lúc lứa tuổi bồng bột qua đi, tự các em sẽ tự buồn cười khi nhớ về sự hâm mộ si cuồng một thời của mình. Thường những biểu hiện hâm mộ hay sụp đổ thái quá đương nhiên đều ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển và hình thành nhân cách
TS. Nguyễn Ngọc Mai, Trung tâm Tư vấn và Đào tạo kỹ năng, Viện Nghiên cứu con người:
Nếu thần tượng sai sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy
Ts. Nguyễn Ngọc Mai
Thần tượng hóa là hiện tượng không chỉ xuất hiện ở Việt Nam mà là một trào lưu chung của thế giới. Đó là chuyện rất bình thường của xã hội. Bởi, mỗi đứa trẻ khi lớn lên đều có một cái đích để hướng tới, đó chính là thần tượng hóa. Tuy nhiên, nếu chúng ta có một lý tưởng sống tốt thì mục đích phấn đấu của chúng ta sẽ đạt được và ngược lại. Nếu thần tượng sai, mục đích phấn đấu cũng sai, kéo theo đó là những hành động sai trái và rất nhiều hệ lụy.
Thực chất thần tượng hóa chính là do “hiệu ứng đám đông”. Việt Nam là một đất nước có nền văn minh lúa nước nên càng coi trọng tính cộng đồng. Nhưng nếu cộng đồng nhiều quá, cá nhân sẽ bị lẫn với cộng đồng, sẽ không khẳng định được bản lĩnh của cá nhân. Là cha mẹ, chúng ta nên định hướng cho con cái rằng đám đông không phải bao giờ cũng đúng.
Trong xã hội cũng có người tốt, người xấu, người thông minh, người ngu dốt. Tốt nhất ta nên tạo được một cái gì đó của riêng mình, một phong cách sống riêng. Học cách biết quan sát đám đông, tìm ra những điểm tích cực mà học tập, loại trừ những tiêu cực, khám phá ra bản tính tích cực của cá nhân mình và hãy yên tâm mà sống.

Nhóm phóng viên

Đọc thêm