Hệ lụy từ rò rỉ

Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai hôm qua đã chỉ trích việc website WikiLeaks công tố tên của những người cung cấp tin tức liên quan đến vụ rò rỉ tài liệu mật về cuộc chiến tại quốc gia Nam Á này là thiếu trách nhiệm và gây “sốc”, đồng thời gây nguy hiểm cho tính mạng của họ.

Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai hôm qua đã chỉ trích việc website WikiLeaks công tố tên của những người cung cấp tin tức liên quan đến vụ rò rỉ tài liệu mật về cuộc chiến tại quốc gia Nam Á này là thiếu trách nhiệm và gây “sốc”, đồng thời gây nguy hiểm cho tính mạng của họ.

Hơn 90.000 tài liệu mật về cuộc chiến Afghanistan từ năm 2004-2009, giai đoạn mà hàng chục ngàn binh sĩ Mỹ và NATO gia tăng việc chống lại lực lượng nổi dậy Taliban, đã bị đưa lên mạng. Điều này cũng làm dấy lên những lo ngại về cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu. Song, điều đáng nói, theo ông Karzai, tên của hàng chục người dân Afghanistan cung cấp thông tin tình báo cho quân đội Mỹ để giúp lực lượng nước ngoài chống lại Taliban đã bị tiết lộ trong tài liệu.

Xung quanh vụ scandal rò rỉ tài liệu mật lớn nhất trong lịch sử quân sự Mỹ có rất nhiều điều gây “sốc” và được cho là hệ lụy tất yếu. Chẳng hạn như, vụ việc này sẽ gây áp lực cho các Chính phủ châu Âu phải rút quân khỏi Afghanistan. Trong khi đó, Anh có 9.500 binh sĩ đồn trú tại Afghanistan và dự kiến kết thúc sứ mệnh vào năm 2015. Tại Đức, đảng cánh tả đối lập cũng vừa kêu gọi Chính phủ Berlin rút 4.665 binh sĩ khỏi chiến trường Nam Á này. Và lý do mà Wolfgang Gehrcke - người phát ngôn các vấn đề đối ngoại của đảng này - đưa ra dường như rất hợp lý: “Các tài liệu đã minh chứng rõ ràng rằng vì sao chúng ta không nên tham gia trong cuộc chiến này”.

Một hệ lụy khác nữa là Tổng thống Hamid Karzai đang gặp khó khăn trong việc thúc đẩy các đối tác chống khủng bố và cả phía Pakistan - vùng đất bị cho là nơi ẩn náu của các phần tử khủng bố - cũng đang vấp phải những áp lực. Ngày 29-7, nhà lãnh đạo Kabul nói rằng, các đối tác quốc tế của ông cần hành động mạnh mẽ hơn nữa để chống lại khủng bố ở bên ngoài Afghanistan. Ông không chỉ trích đích danh nước láng giềng Pakistan nhưng chỉ ám chỉ rằng, “cộng đồng quốc tế đấu tranh chống khủng bố, nhưng có mối nguy hiểm ở một nơi nào đó và họ không hề hành động”.

Không những Mỹ mà cả Afghanistan cũng đang tiến hành điều tra vụ rò rỉ tài liệu mật. Song, một điều dễ nhận thấy rằng, cuộc chiến chống khủng bố tại Afghanistan sau 9 năm vẫn chưa mang lại hồi kết có hậu cho người dân nơi đây. 

VĨNH AN

Đọc thêm