Vấn đề được đề cập tại Diễn đàn Khởi nghiệp lần thứ III do Báo Diễn đàn DN tổ chức hôm 9/11.
Khởi nghiệp phải gắn với đổi mới sáng tạo
Theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, với cuộc cách mạng 3.0, chúng ta chưa hề có sự chuẩn bị nào, chính vì thế nền kinh tế Việt Nam hay các DN Việt Nam bị tụt hậu xa và mất một thời gian dài nữa mới có thể hoàn thiện cuộc cách mạng công nghiệp 3.0…
“Do vậy, nhiệm vụ của chúng ta bây giờ là phải tối giảm khoảng cách với nền kinh tế và công nghệ thế giới bằng việc xây dựng, phát triển mạnh đội ngũ DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) biết vận dụng, áp dụng các công nghệ mới, mô hình mới, ý tưởng mới vào trong phát triển sản phẩm, sản xuất kinh doanh của mình” – Thứ trưởng nhấn mạnh.
Ông nhớ lại, năm 2013, bà Thạch Lê Anh, Chủ nhiệm Đề án Thung lũng Silicon Việt Nam có đến gặp Bộ KH&CN bày tỏ quan điểm Việt Nam nhất định phải phát triển khởi nghiệp theo hướng ĐMST chứ không phải khởi nghiệp để mưu sinh một cách đơn thuần. Đất nước phải hướng tới 1 triệu DN là các DN khởi nghiệp nói chung, trong đó có một phần nhỏ là các DN ĐMST. Sau đó Bộ KH&CN đã xây dựng Đề án 844 phát triển khởi nghiệp sáng tạo, có yếu tố sáng tạo để gây khác biệt, nó mau chóng phát triển mở rộng và được sự hỗ trợ của các nhà đầu tư.
Thực tiễn cho thấy, về hoạt động hỗ trợ tài chính cho khởi nghiệp ĐMST có khoảng 30 quỹ đầu tư mạo hiểm đang hoạt động tại Việt Nam, khoảng 20 cơ sở ươm tạo và 10 tổ chức thúc đẩy kinh doanh được thành lập. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã hình thành được một số mạng lưới cố vấn hỗ trợ DN khởi nghiệp như: Mạng lưới hỗ trợ DN nhỏ và vừa (SMEs Mentoring Network), Tổ chức SECO (Thụy Sĩ), Chương trình Đối tác ĐMST Việt Nam - Phần Lan (IPP)…
Từ chính sách đến thực thi
Bà Đỗ Thị Tú Anh – Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp (sYs) chia sẻ: “Các bạn khởi nghiệp rất cô đơn, không biết đi hướng nào, gặp hai anh “cá mập” thì mỗi người một ý không biết tin ai. Cùng với đó, ở Việt Nam các bạn khởi nghiệp không được đào tạo bài bản, những doanh nhân thành công đã phải tự làm, tự ngã và tự đứng dậy…”.
TS. Nguyễn Trung Dũng – TGĐ Cty BK Holdings cũng cho rằng các starup của chúng ta đang trong giai đoạn “bơi lội hố tử thần” – giai đoạn rất khó khăn nên cần có tính liên kết trong chu trình từ ươm tạo tới khi khởi nghiệp và Đề án 844 đã đi trúng đích. “Việc giáo dục từ cấp lãnh đạo về ĐMST, tới starup và kể cả các nhà đầu tư thiên thần là điều cần thiết” – ông nhấn mạnh – “Khi có đầy đủ hạt giống tốt và những nhà lãnh đạo tốt thì việc gọi vốn kể cả trong nước và ngoài nước sẽ tốt hơn rất nhiều”.
Chia sẻ về kinh nghiệm từ các nước, Chủ nhiệm Đề án Thung lũng Silicon Việt Nam, bà Lê Anh cho biết, trong tất cả các quốc gia có HSTKN đặc biệt phát triển như Mỹ, Singapore, Hàn Quốc, Anh, Ấn Độ... đều có sự tham gia của Chính phủ và không chỉ với vai trò chính sách mà dưới vai trò nhà đầu tư cho Quỹ.
“Nếu Việt Nam muốn tập trung phát triển Startup để làm đòn bẩy kinh tế, Chính phủ cần tham gia đầu tư trực tiếp để kích thích tăng trưởng về số lượng và chất lượng Startup, đặc biệt là giai đoạn đầu. Đồng thời qua đó thu hút khối tư nhân cùng đầu tư Startup!”- bà Lê Anh đề nghị.
Bà Lê Anh cũng đề xuất giảm 30%- 50% thuế nếu đầu tư vào giai đoạn gieo mầm cho Statup; Không tính thuế trên lãi thu được của những khoản đầu tư Thiên thần kéo dài trên 3 năm; Khoản lỗ từ đầu tư Thiên thần có thể được bù đắp từ các khoản thuế; Đồng thời, thành lập Hiệp hội đầu tư mạo hiểm bởi hiệp hội còn là cầu nối giữa những nhà đầu tư tư nhân với các tổ chức đầu tư mạo hiểm, giúp cho việc lựa chọn đơn vị quản lý danh mục đầu tư được chuẩn xác hơn.
Chuyên gia tư vấn khởi nghiệp –Chủ tịch LP Group, Luật sư Nguyễn Văn Lộc cho rằng, Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa có đối tượng hỗ trợ thứ hai là startup, nhưng vướng là khi đã có mô hình, đã khởi động các mô hình, nhưng hiệu quả ra sao vẫn là câu chuyện cần bàn. Ông dẫn chứng: Nếu trong trường hợp Bộ KH&CN ủng hộ cho Fintech, các ngân hàng không đồng lòng thì sẽ tạo “nút thắt”.
“Như vậy, khi đã có chính sách rồi thì câu chuyện thực thi phải cao lên. Giả sử Bộ KH&ĐT trải thảm cho DN, nhưng tồn tại rào cản về thuế thì con đường đó cũng không thông suốt và hiệu quả không tức thì…”- Luật sư Lộc lo ngại.