Hệ sinh thái tận dụng FTA: Kết nối được doanh nghiệp dệt may với các đơn vị cung cấp nguyên phụ liệu

(PLVN) - Bộ Công Thương với tư cách là cơ quan đầu mối về đàm phán và thực thi FTA đã và đang tăng cường kết nối với bộ ngành, địa phương, hiệp hội và các bên liên quan để tạo hệ sinh thái liên kết nhằm giúp ngành dệt may tận dụng FTA hiệu quả.
Ông Ngô Chung Khanh – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) giải đáp "nóng" một số ý kiến tại Hội nghị.

Chương trình tọa đàm trao đổi trực tiếp với lãnh đạo doanh nghiệp về hệ sinh thái tận dụng FTA thế hệ mới trong lĩnh vực dệt may, được tổ chức tại Đà Nẵng vào ngày 19/11/2024 do Vụ Chính sách thương mại đa biên – Bộ Công Thương phối hợp với Sở Công Thương TP Đà Nẵng tổ chức, nhằm lấy ý kiến góp ý của các đơn vị liên quan đến ngành dệt may như doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp lĩnh vực dệt may, nguyên phụ liệu dệt may, logistics, ngân hàng… để hoàn thiện xây dựng hệ sinh thái tận dụng FTA thế hệ mới trong lĩnh vực dệt may. Từ đó, hỗ trợ doanh nghiệp ngành dệt may tận dụng hiệu quả các lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là các FTA thế hệ mới như EVFTA, CPTPP, UKVFTA…

Tại sự kiện này các doanh nghiệp và đại diện các cơ quan chức năng bày tỏ mong muốn hệ sinh thái tận dụng FTA sẽ sớm đi vào thực thi để giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phát triển bền vững và tận dụng tối đa cơ hội từ các FTA.

Tọa đàm trao đổi trực tiếp với lãnh đạo doanh nghiệp về hệ sinh thái tận dụng FTA thế hệ mới trong lĩnh vực dệt may tại TP Đà Nẵng.

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Đà Nẵng Đỗ Thị Quỳnh Trâm, dệt may là một trong những ngành sản xuất, xuất khẩu đóng góp tương đối lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu của Đà Nẵng (chiếm khoảng 25-26%). Trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 30 doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt, may có hoạt động xuất nhập khẩu trực tiếp. Khoảng gần 10/30 doanh nghiệp có hoạt động sản xuất - xuất nhập khẩu có giá trị lớn và tương đối ổn định.

Kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2023 trên địa bàn thành phố ước đạt 484 triệu USD, giảm 10,3% so với năm 2022; 10 tháng đầu năm 2024 ước đạt 426 triệu USD (chiếm 26,7% kim ngạch xuất khẩu), tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2023. Về thị trường xuất nhập khẩu, doanh nghiệp dệt may thành phố đã xuất sang hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Dẫn số liệu từ Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực miền Trung (Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương), đại diện Sở Công Thương TP Đà Nẵng cho biết, tình hình tận dụng các ưu đãi đãi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) của doanh nghiệp khu vực miền Trung khá tích cực, một số thị trường ghi nhận có sự gia tăng cả về số lượng C/O được cấp và giá trị xuất khẩu.

Có thể nói, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã tạo ra nhiều cơ hội thuận lợi cho ngành dệt may Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc quá mức vào một thị trường nào đó. Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã và đang tích cực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đóng vai trò quan trọng trong các khâu từ sản xuất nguyên liệu, gia công, đến phân phối sản phẩm.

Đây cũng là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đóng góp quan trọng và tỷ trọng của nền kinh tế. Theo số liệu thống kê, 10 tháng năm 2024, dệt may đứng thứ 4 trong nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất cả nước với 30,572 tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu dệt may sang các thị trường có FTA tăng trưởng rất tốt.

Bà Đỗ Thị Quỳnh Trâm - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Đà Nẵng bày tỏ ý kiến.

Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Đà Nẵng Đỗ Thị Quỳnh Trâm cũng cho biết, số lượng doanh nghiệp dệt may thành phố có giá trị xuất nhập khẩu lớn không nhiều; phần lớn xuất khẩu theo đơn hàng gia công, được chỉ định nhập khẩu nguyên phụ liệu từ Trung Quốc hoặc các nước khác không thuộc danh sách quốc gia được hưởng ưu đãi từ Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, chưa đáp ứng tiêu chí xuất xứ hàng hóa trong các Hiệp định nên chưa tận dụng được hết lợi thế từ các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA .

Thực tế này cũng đang tồn tại đối với nhiều doanh nghiệp dệt Việt Nam.

Chia sẻ tại Tọa đàm, ông Ngô Chung Khanh – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, 5 vấn đề chính của ngành dệt may Việt Nam đang gặp phải đó là: nguồn cung nguyên phụ liệu còn phụ thuộc lớn vào nhập khẩu; đơn hàng và thị trường chưa ổn định, chủ yếu là hàng gia công; thiếu vốn, khó tiếp cận tín dụng; thiếu thông tin, chính sách của thị trường nhập khẩu; chưa xây dựng được thương hiệu".

Để có thể tìm được lời giải cho bài toán như đề cập trên, ông Ngô Chung Khanh chia sẻ thêm: “Hệ sinh thái tận dụng FTA trong lĩnh vực dệt may sẽ kết nối các cơ quan quản lý trung ương; cơ quan quản lý địa phương; các doanh nghiệp/hiệp hội doanh nghiệp lĩnh vực dệt may, các tổ chức tín dụng; các đơn vị cung cấp nguyên phụ liệu dệt may để tạo thành một hệ sinh thái hỗ trợ các doanh nghiệp tối ưu hóa lợi ích từ các FTA. Đặc biệt đối với ngành dệt may là kết nối được doanh nghiệp dệt may với các đơn vị cung cấp nguyên phụ liệu”.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng Đỗ Thị Quỳnh Trâm mong muốn việc xây dựng hệ sinh thái tận dụng FTA sẽ sớm hoàn thiện và triển khai vào thực tiễn. Sở Công Thương Đà Nẵng sẵn sàng tham gia và đồng hành với Vụ Chính sách thương mại đa biên - Bộ Công Thương để hỗ trợ doanh nghiệp tốt nhất. Đặc biệt, cần có sự tham gia nghiêm túc, tương tác tích cực từ phía các doanh nghiệp - chủ thể chính hướng tới hỗ trợ của hệ sinh thái tận dụng FTA.

Tại tọa đàm các doanh nghiệp và các chuyên gia, đơn vị quản lý đã trao đổi, thảo luận về mô hình hệ sinh thái, lợi ích khi tham gia mô hình cũng như góp ý xây dựng mô hình này. Hoạt động này giúp Bộ Công Thương, Cơ quan soạn thảo có thêm cơ sở thực tiễn để triển khai xây dựng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tính khả thi của mô hình nhằm đem lại hiệu quả thiết thực, giúp doanh nghiệp ngành dệt may tận dụng các Hiệp định FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới.

Đọc thêm