Hệ thống chợ bị “lãng quên”!

(PLO) - Góp ý dự thảo đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ về phát triển và quản lý ngành phân phối, các chuyên gia pháp luật và cộng đồng doanh nghiệp cho rằng cần phải xem xét lại tính hợp lý của dự thảo, bởi chợ không phải là đại diện của ngành phân phối.
Hệ thống chợ bị “lãng quên”!

Dự thảo Nghị định “mặc áo” quá rộng?

Theo Dự thảo thì Nghị định này có mục tiêu bao trùm toàn bộ các vấn đề về “phát triển và quản lý ngành phân phối”, nhằm khắc phục những bất cập phát sinh từ thực tiễn thi hành các văn bản quy định về phát triển và quản lý chợ (Nghị định số 02/2003/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ và Nghị định 114/2009/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 02/2003/NĐ-CP) và tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, cửa hàng và trung tâm đấu giá hàng hóa cũng như các hoạt động kinh doanh bán buôn, bán lẻ, đại lý, nhượng quyền thương mại, mua bán sáp nhập có liên quan. Đồng thời, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hội nhập kinh tế quốc tế về phát triển và quản lý ngành phân phối. 

Theo quan điểm các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp nêu ra trong bản góp ý Dự thảo Nghị định mà Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) gửi Bộ Công Thương, việc xác định mục tiêu quá rộng như vậy dường như là chưa thật sự cần thiết và thuyết phục.

Tại Công văn số 12070/VPCP của Văn phòng Chính phủ nêu ý kiến Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương rà soát, đánh giá việc thực hiện Nghị định 02, Nghị định 114 “trên cơ sở đó đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung trình Chính phủ theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật”. Cả hai Nghị định trên đều quy định về “phát triển và quản lý chợ”. Như vậy, việc Dự thảo mở rộng phạm vi ra cả ngành phân phối (trong đó bao gồm các cửa hàng, trung tâm đấu giá hàng hóa, siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, cửa hàng … ) dường như là vượt quá tinh thần chỉ đạo tại Công văn số 12070/VPCP.

Hơn nữa, về tính hợp lý, mặc dù là hình thức phân phối chiếm một tỷ trọng đáng kể trong hệ thống phân phối hiện tại, “chợ” chỉ là một bộ phận của hệ thống phân phối hiện đại (với nhiều thành tố khác như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng bán lẻ chuyên ngành, cửa hàng bán lẻ của doanh nghiệp sản xuất…). Do đó, những vấn đề liên quan tới phát triển và quản lý chợ không đại diện cho toàn bộ vấn đề của hệ thống phân phối, từ đây việc mở rộng phạm vi của Nghị định từ “chợ” ra toàn bộ “ngành phân phối” có thể cũng sẽ gượng ép, thiếu hiệu quả.

Bộc lộ rõ sự lúng túng

VCCI cũng nêu rõ sự lúng túng được bộc lộ ngay trong chính bản Dự thảo. Ví dụ, theo dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ về phát triển và quản lý ngành phân phối, thì văn bản điều chỉnh các hoạt động của siêu thị, trung tâm thương mại (Quyết định 1371/2004/QĐ-BTM ngày 24/9/2004 của Bộ trưởng Bộ Thương mại về việc ban hành quy chế siêu thị, trung tâm thương mại) không còn phù hợp về giá trị pháp lý cũng như thực tiễn phát triển, nhưng không thể chỉ ra những bất cập, cũng như không nêu được định hướng phát triển của hình thức này trong mối tương quan với toàn bộ hệ thống phân phối. 

Trong khi đó, Dự thảo hướng tới mục tiêu “cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hội nhập kinh tế quốc tế về phát triển và quản lý ngành phân phối” nhưng quy định dự kiến tại Nghị định lại được thiết kế theo hướng thêm nhiều ràng buộc một số hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (ví dụ: quy định về khuyến mại, quảng bá, cách đặt tên siêu thị, trung tâm thương mại …) mà không rõ mục tiêu quản lý nhà nước cụ thể ở đây là gì, thậm chí có nguy cơ dẫn tới sự can thiệp, cản trở bất hợp lý hoạt động của doanh nghiệp.

Cũng như vậy, Dự thảo dự kiến một số quy định khống chế đối với nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia hoạt động siêu thị, trung tâm thương mại (ví dụ: yêu cầu về nhân sự là người Việt Nam, yêu cầu số lượng gian hàng cho các sản phẩm có nguồn gốc từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam …). Tuy nhiên, dự kiến này dường như chưa tính tới Nghị định 09/2018/NĐ-CP quy định về việc quy định chi tiết Luật Thương mại và Luật Quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Theo các chuyên gia, Dự thảo có tham vọng thiết lập chính sách cho hệ thống phân phối ở Việt Nam, nhưng các dự kiến hiện tại của Dự thảo lại chỉ có thể chi tiết ở hình thức “chợ”, và một vài nội dung rất chung về “siêu thị, trung tâm thương mại”, hoàn toàn chưa có bất kỳ định hình nào về các hình thức phân phối khác, càng chưa có cái nhìn toàn cảnh nào về toàn bộ hệ thống phân phối. 

“Trường hợp muốn nhân cơ hội này để thiết lập chính sách chung cho toàn bộ hệ thống phân phối ở Việt Nam thì cần có nghiên cứu rất thấu đáo về thực trạng của hệ thống, nhận diện được vấn đề của mỗi hình thức phân phối, dự báo được triển vọng của toàn mô hình phân phối trong tương lai, xác định được mối quan hệ giữa các hình thức phân phối trong mô hình đó để từ đó đưa ra các định hướng, chính sách phù hợp, thống nhất, nhuần nhuyễn và hiệu quả”, cộng đồng doanh nghiệp đề nghị. 

Đọc thêm