Hệ thống gas trung tâm tại các chung cư: Nhiều nỗi bất an!

(PLO) - Tại các khu chung cư cao tầng,  tiện ích hiện đại khiến người ta càng quen dần với cụm từ “gas trung tâm”. Phải thừa nhận việc cung cấp gas bằng hệ thống đường ống như trên đã trực tiếp mở ra một hướng mới cho việc ứng dụng khí gas trong các hộ dân ở chung cư. Giá thành rẻ, không phải mất chi phí vận chuyển nhiều lần, ẩn họa cháy nổ từ việc nạp, thay gas…
Hệ thống gas trung tâm ở Việt Nam hiện nay chưa có tiêu chuẩn trong nước
để vận hành
Hệ thống gas trung tâm ở Việt Nam hiện nay chưa có tiêu chuẩn trong nước để vận hành

Ưu việt là vậy nhưng nếu xét riêng về độ an toàn thì gas trung tâm vẫn khiến không ít người bất an, đặc biệt là khi tiêu chuẩn xây lắp hệ thống gas trung tâm hiện nay vẫn chưa rõ ràng.

Nhiều tiện ích, nhưng…

Nếu như trên địa bàn Hà Nội thời điểm năm 2009 hệ thống gas trung tâm chỉ được thiết kế và xuất hiện trên một số tòa nhà hiện đại thuộc khu Trung Hòa - Nhân Chính và khu Mỹ Đình II… thì nay hầu khắp các tòa nhà được xây mới đều được thiết kế hệ thống cung cấp gas chung này. Nói như vậy để thấy rằng, mô hình cung cấp gas này có nhiều ưu điểm.

Bà Lê Kim Liên, một hộ dân sống tại khu M3M4 Láng Hạ khẳng định: “Nội thất căn nhà sẽ đẹp hơn vì không phải xếp đặt vị trí cho bình gas, toàn bộ hệ thống là đồng bộ, khép kín, chỉ có đầu chờ tại vị trí sử dụng để nối với thiết bị đốt”.

Chưa hết, những người sử dụng gas trung tâm cũng không còn phải lo lắng trở thành nạn nhân của hiện tượng sang chiết gas thiếu khối lượng. Hay nói cách khác, theo tiểu chuẩn phòng cháy, chữa cháy vì có hệ thống gas trung tâm, các bình gas dân dụng 12kg, 13kg sẽ không được phép vận chuyển bằng cầu thang máy dân dụng.

Bởi vậy, sẽ không có cảnh tượng khuân vác bình gas lên các hộ gia đình như tại các khu tập thể và các khu dân cư, hiện tượng tiếp thị bán bình gas, sang chiết bình gas lậu cũng không có “đất” để phát triển.

Ngoài ra, theo các chuyên gia trong lĩnh vực trên, với áp lực trong bình rất cao, khoảng 12 bar (đơn vị đo áp suất -  PV), có thể ví mỗi bình gas đơn lẻ là một quả bom. Còn riêng với hệ thống gas trung tâm, áp lực đường khí trong nhà rất nhỏ, chỉ khoảng 0,3 bar. Mặt khác, toàn bộ hệ thống từ nơi chứa gas, đường ống là đồng bộ, được kiểm soát bằng những thiết bị tiêu chuẩn quốc tế như van an toàn, van chống cháy ngược (tự bịt kín đường ống khi có hiện tượng cháy), van đóng ngắt, đồng hồ đo đếm… nên chúng đặc biệt an toàn.

Ngoài ra, hệ thống còn được bổ sung thêm thiết bị báo rò rỉ gas tại từng căn hộ. Thiết bị này sẽ phát ra tín hiệu khi có rò rỉ khí gas để người sử dụng biết và khoá van chặn lại. Với hệ thống này, người tiêu dùng không phải đối mặt hàng ngày với những nguy cơ từ bình gas không đảm bảo chất lượng.

Tiêu chuẩn chưa rõ ràng

Cần phải khẳng định, các nước tiên tiến đã có kinh nghiệm hàng chục năm sử dụng hệ thống gas trung tâm. Những ưu điểm và tính hiện đại của hệ thống gas trung tâm khó có thể phủ định. Tuy nhiên, khoảng năm 2014, liên tiếp 2 tòa nhà ở New York (Mỹ) bị đổ sập do rò rỉ khí gas đã khiến không ít người lo ngại. 

Ở Việt Nam, theo thống kê chưa đầy đủ, hiện tại Hà Nội có 95% số hộ dân dùng khí gas để đun nấu... Tuy nhiên, khi hỏi về thời gian bảo trì, bảo dưỡng bếp, bình gas, dây dẫn thì rất ít người quan tâm. Theo khảo sát riêng của người viết, tại tòa nhà 27 Huỳnh Thúc Kháng, 299 Cầu Giấy… những khu vực đã và đang vận hành, sử dụng hệ thống gas trung tâm thì hiện nay đa phần họ chuyển sang dùng gas đơn lẻ. 

Một nhân viên bảo vệ tòa nhà 27 Huỳnh Thúc Kháng (Hà Nội) khẳng định: “Trước kia nơi đây đúng là có dùng hệ thống gas trung tâm, thế nhưng bây giờ đã bỏ hẳn rồi vì thấy nguy hiểm. Nghe đâu ít năm trước gas rò rỉ, gây ra sự cố nên dân cư ở đây không dám dùng nữa”.

Thậm chí, không ít hộ dân thuộc tòa nhà 299 Cầu Giấy, khi được hỏi phần lớn đều không biết hệ thống vận hành gas này là gì. Nhiều người còn nghĩ đó là… ống nước. Nói như vậy để thấy rằng, bản thân các hộ gia đình ở Việt Nam phần lớn đều chưa được trang bị đủ trình độ, ý thức trong việc sử dụng hệ thống gas hiện đại… Hay nói cách khác, việc sử dụng gas hiện phần lớn vẫn mang tính đơn lẻ. Điều này rất dễ gây ra thảm họa nếu sự cố không may xảy ra. 

Với người dân là vậy, thế nhưng riêng các nhà quản lý, thiết kế và xây dựng nhà cao tầng, khu chung cư cũng ít khi tuân thủ khâu đoạn thiết kế, vận hành gas trung tâm. Minh chứng rõ nhất đó là, theo quy định, hệ thống gas trung tâm phải nằm cách công trình cao tầng khoảng 30m. Thế nhưng đa phần các tòa nhà đều triển khai theo kiểu “mạnh ai nấy làm”. Nói cách khác, khi được hỏi đa phần họ đều khẳng định chi tiết về kỹ thuật được vận dụng theo các tiêu chuẩn của châu Âu, Mỹ, Pháp… chứ hoàn toàn không có tiêu chuẩn thống nhất chung trong nước. 

Một câu hỏi khác đặt ra là, không ít các vụ hoả hoạn lớn liên tiếp xảy ra trong những năm gần đây đã gây thiệt hại lớn cả về con người và vật chất, liệu với những toà nhà chung cư cao tầng, các nhà quản lý, thi công đã có đủ trình độ để đảm bảo an toàn cho hệ thống gas hiện đại này? s.b

Sau hàng loạt sự cố nổ ga trung tâm trên thế giới, nhiều nước cho rằng gas trung tâm tồn tại nhiều nhược điểm, tính rủi ro lớn nên đã quay lại ứng dụng các hệ thống cung cấp khí đốt cũ. Chẳng hạn như Indonesia đã quay trở lại với việc dùng bình gas đơn lẻ. Còn ở Singapore, từ chỗ dùng hệ thống gas trung tâm họ chuyển sang dùng gas đơn lẻ hoặc dùng điện để phục vụ đun nấu…

(Còn tiếp)

Đọc thêm