Hết bão lại đến áp thấp đe dọa nước ta

Theo Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương, hiện nay một áp thấp nhiệt đới đang hoạt động ở vùng biển phía Đông đảo Lu - Dông (Philippin).

Theo Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương, hiện nay một áp thấp nhiệt đới đang hoạt động ở vùng biển phía Đông đảo Lu - Dông (Philippin).

Hồi 7h ngày 18/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 15,0 đến 16,0 độ Vĩ Bắc; 121,5 đến 122,5 độ Kinh Đông, trên vùng bờ biển phía Đông đảo Lu - Dông (Philippin). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km một giờ), giật cấp 7, cấp 8.

Áp thấp nhiệt đới này có khả năng mạnh lên thành bão và ảnh hưởng đến Việt Nam. Ảnh: Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km và còn có khả năng mạnh thêm. Như vậy khoảng đêm nay (18/7), áp thấp nhiệt đới có khả năng đi vào phía Đông biển Đông. Đến 7h ngày 19/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 15,5 đến 16,5 độ Vĩ Bắc; 118,0 đến 119,0 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, cấp 7 (tức là từ 39 đến 61 km một giờ), giật cấp 8.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, vùng biển phía Đông biển Đông gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, giật cấp 8. Biển động mạnh.

Ít nhất một người chết do tắm biển khi bão

Về công tác chuẩn bị phòng chống cơn bão số 1 vừa qua, thống kê cho thấy, Ban Chỉ huy PCLB&TKCN các tỉnh, thành phố từ Ninh Bình đến Hải Phòng đã khẩn trương triển khai công tác sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Các tỉnh Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình đã hoàn thành công tác sơ tán dân vào hồi 15h /17/7/2010, riêng tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện công tác sơ tán dân tại chỗ. Tổng số dân đã sơ tán 19.185 người (trong đó Ninh Bình: 1.100 người; Nam Định: 3.798 người; Thái Bình: 6.019 người; Hải Phòng: 8.268 người).

Theo Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, tính đến 6h sáng nay, 18/7 như sau: đã có 1 người chết do tắm biển trước khi bão vào tại bãi biển Hải Hoà, Tĩnh Gia, Thanh Hoá, 11 người mất tích trong đó Quảng Ngãi 6 người (trên tàu QNg 55940 ở Hoàng Sa), Quảng Ninh 5 người (1 người bị sóng đánh trôi ở khu vực đảo Cống Đỏ, 4 người trên tàu vận tải HD 0120/04 bị chìm tại khu vực hòn Gà Chọi). Thông tin cũng cho biết thêm đã có 3 người dân tại Hải Phòng bị thương.

Các thiệt hại khác: 303 nhà Nhà bị tốc mái (Quảng Ninh 200; Hải Phòng 103); 27 tàubị đắm, vỡ (Quảng Ninh 15; Hải Phòng 5; Quảng Ngãi 6; Hà Tĩnh 1); 13 chiếc lồng bè nuôi trồng hải sản bị vỡ (Quảng Ninh 12; Hải Phòng 1); Quảng Ninh có 34 tàu bị trôi, 3 tàu lớn đang sửa chữa tại Hải Phòng cũng bị trôi.

Tại Hải Phòng, cầu Bính bị tàu biển va chạm nhưng chưa xác định được mức độ thiệt hại, gãy 1 cẩu hàng tại đảo Bạch Long Vỹ và sạt lở đê, kè Cát Hải.

Lượng mưa đo được thấp nhất là tại Thái Bình 17mm và cao nhất ở Ba Đồn (Quảng Bình) 182mm. Tại Hà Nội lượng mưa phổ biến là 40 - 50mm, gió cấp 5, cấp 6.

Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, cả thành phố có 37 cây xanh bị đổ và gãy cành (32 cây bị đổ). Do trời mưa không to, không có nhiều khu vực úng ngập nên việc cắt điện đã không phải thực hiện. Chỉ có tại khu tập thể 3 tầng thuộc phường Nguyễn Trãi (quận Hà Đông) có một cây đổ đè vào đường dây hạ thế nên điện lực đã cắt diện. Sau khi các lực lượng chức năng thu dọn cây đổ, điện đã được cấp trở lại. Một điểm bị mất điện nữa là tại huyện Thường Tín: Điện bị mất từ 20h45 đến 22h tối qua, 17/7. Nhìn chung, bão số 1 cơ bản không ảnh hưởng lớn đến sản xuất, đời sống sinh hoạt, đi lại của nhân dân Thủ đô.

Nguồn: Báo An ninh thủ đô

Đọc thêm